OPEC+ nhất trí duy trì sản lượng hiện tại


Ngày 1/2, Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc và triển vọng không chắc chắn về nguồn cung của Nga.

OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay ở mức 2 triệu thùng/ngày. Ảnh: Reuters
OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay ở mức 2 triệu thùng/ngày. Ảnh: Reuters

Tại cuộc họp chính sách, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ đã tái khẳng định cam kết tuân thủ "tuyên bố hợp tác" của liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu đến hết năm 2023.

JMMC cũng đã xem xét các dữ liệu liên quan đến hoạt động sản xuất dầu thô trong tháng 11-12/2022, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia tuân thủ đầy đủ thỏa thuận sản lượng. Cuộc họp tiếp theo của JMMC dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13/4. 

Trước đó, tại cuộc họp chính sách tại thủ đô Vienna (Áo) hồi tháng 10/2022, Các Bộ trưởng Năng lượng OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ mức 2 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới, từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu.

Việc các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới giảm 2 triệu thùng/ngày đánh dấu mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 4/2020 của tổ chức này. Con số này tương đương với khoảng 2% nhu cầu dầu toàn cầu.

Giá dầu giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 1/2, sau khi OPEC+ duy trì chính sách sản lượng và dữ liệu chính thức cho thấy tồn kho dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng mạnh.

Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 3,1% xuống 82,84 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,1% xuống 76,41 USD.

Trong một diễn biến khác, đúng như dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,25%, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng chi phí đi vay trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát.

Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,5-4,75%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2007. Trong thông báo sau cuộc họp chính sách, Fed nhận định lạm phát "đã hạ nhiệt phần nào, nhưng vẫn ở mức cao".

Lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng toàn cầu trong năm nay, mặc dù việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 sẽ bù đắp nhu cầu năng lượng sụt giảm.

Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng kỷ lục trong năm nay, nhờ sự phục hồi nhu cầu tại Trung Quốc. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, Trung Quốc sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo cho năm 2023 là 1,9 triệu thùng/ngày.

Theo H.Hà/dangcongsan.vn