OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ
Ngày 14/11, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao.
Theo đó, trong báo cáo hàng tháng được công bố, OPEC dự báo, mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lần lượt ở mức 2,5 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,2 triệu thùng/ngày năm 2023.
Báo cáo của OPEC cho rằng, tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức 99,6 triệu thùng/ngày và 101,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.
OPEC dự báo nhu cầu dầu tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay và 0,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, trong khi mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của các nền kinh tế ngoài OECD dự kiến là 1,3 triệu thùng/ngày cho năm 2022 và 1,9 triệu thùng/ngày cho năm 2023.
Báo cáo của OPEC cho biết nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý IV năm nay. Các rủi ro này xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, việc các Ngân hàng Trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp…
OPEC nhận định bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022 và 2023. Báo cáo này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC và các đối tác (OPEC+) vào ngày 4/12 tới đây nhằm thảo luận về các chính sách tiếp theo.
Trước đó, ngày 5/10, tại cuộc họp chính sách tại thủ đô Vienna (Áo), Các Bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm hơn nữa sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới. Đây là lần cắt giảm sản lượng nhiều nhất của OPEC+ kể từ từ tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, bất chấp lo ngại động thái này có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn và khiến các Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất mạnh hơn.
Hồi tháng 4/2020, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, OPEC+ đã nhất trí giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực nhằm đảo chiều sự lao dốc giá dầu thô vì tác động của các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, OPEC đã lần đầu tiên dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ chậm lại sau nhiều năm dự báo xu hướng tiêu thụ không ngừng tăng lên.