OPEC nói về cạnh tranh xuất khẩu dầu mỏ với Nga

Theo Song Minh/laodong.vn

Tân tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ thế giới (OPEC) nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong OPEC+.

Ông Haitham al-Ghais - Tổng thư ký mới của OPEC nói rằng tư cách thành viên của Nga trong OPEC+ là rất quan trọng cho sự thành công của tổ chức, tờ Alrai của Kuwait đưa tin hôm 31/7, trích dẫn cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Haitham al-Ghais.

Ông al-Ghais cho biết, OPEC không cạnh tranh với Nga, gọi nước này là "một người chơi lớn, chủ chốt và có ảnh hưởng lớn trong bản đồ năng lượng thế giới". OPEC+ là tổ chức bao gồm OPEC và các nước đồng minh do Nga dẫn đầu.

Ông Al-Ghais - cựu đại diện của Kuwait tại OPEC từ năm 2017 đến tháng 6/2021, đã được bổ nhiệm thành Tổng thư ký OPEC vào đầu năm 2022. Ông al-Ghais sẽ chủ trì cuộc họp OPEC+ đầu tiên vào ngày 3.8, trong đó liên minh dự kiến sẽ xem xét giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9, bất chấp những lời kêu gọi từ Mỹ về việc tăng thêm cung cấp.

Ông al-Ghais nói "OPEC không kiểm soát giá dầu, nhưng tuân thủ cái gọi là điều chỉnh thị trường theo cung và cầu", mô tả tình trạng hiện tại của thị trường dầu là "rất bất ổn và hỗn loạn".

Ông nói thêm về những đợt tăng giá dầu gần đây: “Về phần tôi, tôi vẫn nhấn mạnh rằng đợt tăng giá dầu gần đây không chỉ liên quan đến diễn biến giữa Nga và Ukraina. Tất cả các dữ liệu xác nhận rằng giá dầu bắt đầu tăng dần và tích lũy, và trước khi bùng phát các diễn biến Nga-Ukraina, do nhận thức phổ biến trên thị trường rằng một số quốc gia thiếu năng lực sản xuất dự phòng".

OPEC+ tổ chức cuộc họp vào ngày 3/8 bàn về việc tăng sản lượng dầu. Ảnh: OPEC
OPEC+ tổ chức cuộc họp vào ngày 3/8 bàn về việc tăng sản lượng dầu. Ảnh: OPEC

Giá dầu đã tăng vọt vào năm 2022 lên mức cao nhất kể từ năm 2008, lên trên 139 USD/thùng vào tháng 3, sau khi Mỹ và Châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraina. Kể từ đó, giá dầu đã giảm xuống khoảng 108 USD, do lạm phát tăng vọt và lãi suất cao hơn làm gia tăng lo ngại về một cuộc suy thoái.

Trả lời câu hỏi về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến giá dầu vào cuối năm nay, ông al-Ghais nói: “Theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng nhất sẽ là việc tiếp tục thiếu các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất. Điều này sẽ đẩy giá theo hướng đi lên, nhưng chúng tôi không thể xác định mức mà chúng sẽ đạt được".

Theo các nguồn tin trong OPEC+ của Reuters, mức tăng sản lượng khiêm tốn cũng có khả năng được thảo luận trong cuộc họp ngày 3/8 của OPEC+. Một trong các nguồn tin cho biết, có nhiều cuộc đàm phán khác nhau, từ mức tăng nhỏ đến mức đóng băng ở mức hiện tại.

Việc OPEC+ không tăng sản lượng sẽ khiến Mỹ thất vọng. Tổng thống Joe Biden đã đến thăm Saudi Arabia trong tháng 7, với hy vọng đạt được một thỏa thuận về tăng sản lượng dầu. Một quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết, nguồn cung bổ sung sẽ giúp ổn định thị trường.

Với việc giá dầu giảm kể từ mức đỉnh tháng 3 năm nay, một số người trong OPEC+ không tin rằng có cơ sở cho việc tăng thêm nguồn cung.

"Tôi kỳ vọng sản lượng sẽ không tăng trong tháng 9", một nguồn tin OPEC + khác cho biết, đồng thời nói rằng cuộc họp không có khả năng thảo luận về sản lượng vượt quá mức đó.

Bất kỳ sự gia tăng nguồn cung nào nữa của OPEC+ sẽ có thể không đạt được mức đã cam kết do nhiều nhà sản xuất phải vật lộn để đạt được mục tiêu sản lượng vì thiếu đầu tư vào các mỏ dầu.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được cho là có năng lực sản xuất chưa sử dụng đáng kể duy nhất trên thế giới. Một số nguồn tin trong ngành đã đặt câu hỏi liệu sản lượng của Saudi Arabia có dễ dàng đạt được mức tối đa đã nêu hay không.