Phác họa ngành viễn thông tương lai
Một thế hệ khách hàng tương lai của ngành viễn thông đã ra đời và đang lớn nhanh, đòi hỏi ngành viễn thông thế giới thay đổi, phát triển rộng khắp các dịch vụ số mới.
Khách hàng đang mỗi ngày một yêu cầu dữ liệu nhiều hơn để truy cập vào những ứng dụng như xem video, nghe nhạc, gọi xe, và vào mạng xã hội. Kỹ nghệ viễn thông Đông Nam Á cũng đi theo đường lối này, bởi đây là một khu vực đang phát triển nhanh.
Doanh thu từ những cuộc gọi đang lao dốc, và bù vào đó là lượng sử dụng data hay dữ liệu tăng cao đối với từng người, đặc biệt tăng nhanh đối với tầng lớp trung lưu đang mỗi năm một đông thêm tại đây. Lớp trẻ và những con người dưới 45 tuổi trở thành nòng cốt cho việc phát triển hệ sinh thái viễn thông số nay mai.
Dữ liệu theo yêu cầu sẽ hút khách
Lượng đăng ký truyền hình cáp mất dần sức lôi kéo khi mà nhiều khách hàng tìm đến với công nghệ truyền tải không dây OTT để có thể xem phim trực tiếp từ ứng dụng Netflix hay nghe nhạc trên ứng dụng Spotify. Cùng với kỹ nghệ trò chơi trực tuyến, các công ty viễn thông đang cung cấp nhiều băng thông rộng hơn cho thiết bị di động cũng như cho đường truyền gia đình. Điều này mở ra sự hợp tác tuyệt vời giữa công ty viễn thông và nhà cung cấp công nghệ OTT.
Công ty nghiên cứu Digital TV Research cho biết dịch vụ OTT khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tạo ra 8,27 tỉ đô la Mỹ trong năm 2016, và mức doanh thu có thể lên đến 24 tỉ đô la trong năm 2022. Ở các nước khu vực Đông Nam Á, hai lĩnh vực chia sẻ video lớn nhất hiện nay là điện thoại di động và truyền hình trực tiếp.
Bên cạnh sự nổi lên của cái gọi là “video on demand” ở trên, số lượng cuộc gọi giảm đi nhanh chóng. Các dịch vụ dựa trên dữ liệu như WhatsApp hay Viber đang làm thay đổi hành vi gọi điện ở Đông Nam Á bằng những cuộc điện đàm sang sử dụng dữ liệu. Cũng vậy các tin nhắn SMS truyền thống nay được thay thế bằng những ứng dụng di động khác.
Điều rất đặc biệt là mức độ thâm nhập truyền thông xã hội tại Đông Nam Á đã lên đến 55% dân số, cao hơn 13% mức bình quân toàn cầu. Với mức độ kết nối Internet mỗi lúc một cao, nhu cầu dữ liệu di động cũng tăng lên theo cấp số nhân, và thực tế là yêu cầu tăng thêm hàng năm (CAGR) của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã ở mức 73%.
eSIM thay đổi hình thái dịch vụ điện thoại
Với những ai đi du lịch hay thường phải di chuyển từ nước này sang nước khác, việc đổi SIM điện thoại từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước này sang nhà cung cấp dịch vụ nước sở tại là điều phiền hà. Nhưng một khuynh hướng sử dụng thứ SIM mang tính quốc tế gọi là eSIM đã bắt đầu và xuất hiện ở một số nước Đông Nam Á từ hai năm nay.
Công nghệ eSIM càng được phổ biến nhanh hơn với việc tung ra loại đồng hồ thông minh Apple Watch Series 3 tích hợp loại eSIM. Công nghệ eSIM vốn không choán nhiều chỗ trong thiết bị hay điện thoại, sẽ tự động chuyển sang nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mới mỗi khi người mang di chuyển đến một nước khác. Công nghệ này cũng có thể dẫn đến việc hình thành các công ty dịch vụ điện thoại ảo thay thế cho các nhà cung cấp dịch vụ hiện hữu.
Trong tương lai những con chip gọi là eSIM này được gắn sẵn vào trong các thiết bị, từ điện thoại thông minh đến máy tính xách tay hay máy tính bảng nhằm bảo đảm sự kết nối di động liên tục giữa các thiết bị, bất kể ở đâu và vào lúc nào.
Năm 2017, tại sự kiện COMPUTEX Taipei, tập đoàn Microsoft đã gợi ý một hệ thống máy tính luôn luôn kết nối bằng việc tích hợp vào đó các eSIM. Ý tưởng này sẽ nhanh chóng thành sự thực, bởi ngay từ bây giờ các nhà sản xuất điện thoại như ASUS, Huawei, Lenovo, Sony và Xiaomi cùng các thương hiệu máy tính như Dell và HP đang đẩy mạnh công nghệ mới này. Công nghệ eSIM sẽ làm thay đổi cấu trúc các công ty dịch vụ điện thoại, và những công ty nhỏ hơn nhưng sở hữu công nghệ 4G hay 5G sẽ nổi lên. Quá trình chuyển đổi sẽ kéo dài trong một thời gian, với SIM và eSIM cùng hiện diện trong một thiết bị.