Phải báo cáo quyết toán việc sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích hàng năm
Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi. Dự thảo được xây dựng nhằm quản lý chặt chẽ về thu chi tài chính của các hoạt động này.
Tiếp nhận công đức từ 100 triệu đồng trở lên phải nộp vào tài khoản
Tại dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, Bộ Tài chính đã đề xuất các quy định cụ thể về hoạt động tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích.
Theo đó, đối với công đức, tài trợ bằng tiền (Việt Nam đồng, ngoại tệ), người làm công đức, tài trợ bằng cách bỏ tiền vào hòm công đức; đưa cho bộ phận tiếp nhận công đức tại di tích; chuyển tiền vào tài khoản của cơ sở quản lý di tích mở tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước. Trong đó, khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.
Cơ sở quản lý di tích bố trí người tiếp nhận công đức tại khu vực tiếp nhận công đức trong di tích; mở sổ sách ghi chép đầy đủ, chính xác từng khoản công đức đã tiếp nhận; ghi phiếu công đức theo đề nghị của người làm công đức. Tùy theo lượng tiền tiếp nhận (bao gồm số tiền tiếp nhận trực tiếp và số tiền trong hòm công đức), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm kê. Khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.
Đối với công đức, tài trợ bằng giấy tờ có giá theo quy định của pháp luật, người làm công đức, tài trợ chuyển giấy tờ có giá cho cơ sở quản lý di tích. Trường hợp giấy tờ có giá phát hành theo hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu, người làm công đức làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên giấy tờ có giá cho cơ sở quản lý di tích theo quy định của pháp luật. Cơ sở quản lý di tích tiếp nhận, quản lý và quyết định về việc sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm việc thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo tình hình thực tế của công tác quản lý, sử dụng di tích.
Dự thảo thông tư cũng quy định về tiếp nhận đối với công đức, tài trợ bằng kim loại quý, đá quý. Theo đó, người làm công đức, tài trợ chuyển giao kim loại quý, đá quý cho cơ sở quản lý di tích kèm theo các giấy tờ có liên quan (nếu có). Cơ sở quản lý di tích tiếp nhận và quyết định việc sử dụng; trường hợp không lưu giữ, bài trí, trưng bày tại di tích và người hiến tặng không có yêu cầu về việc không được bán thì cơ sở quản lý di tích tổ chức bán đấu giá hoặc bán cho ngân hàng thương mại. Số tiền thu từ việc bán kim loại quý, đá quý được ghi nhận như đối với khoản công đức, tài trợ bằng tiền. Trường hợp lưu giữ, bài trí, trưng bày thì trước khi đưa vào lưu giữ, bài trí, trưng bày, cơ sở quản lý di tích thuê định giá để xác định giá trị kim loại quý, đá quý phục vụ cho công tác quản lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Báo cáo quyết toán việc sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích hàng năm
Để đảm bảo quản lý chặt chẽ thu chi tài chính tiền công đức, tài trợ cho di tích, Bộ Tài chính đề xuất quy định về báo cáo quyết toán việc sử dụng các nguồn này. Trường hợp cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, đơn vị được giao quản lý di tích có trách nhiệm thực hiện chế độ kế toán theo pháp luật về kế toán; sử dụng chứng từ, hạch toán bảo đảm phản ánh đầy đủ, chính xác các khoản thu, chi; quản lý và sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật.
Kết thúc năm ngân sách, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lập báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán năm gửi cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật về kế toán, pháp luật về ngân sách nhà nước.
Số thu, chi từ nguồn công đức, tài trợ cho di tích được tổng hợp vào báo cáo quyết toán nguồn kinh phí khác được để lại của đơn vị theo quy định tại Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn Chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp. Các đơn vị không được xác định chênh lệch thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích để sử dụng cho các mục đích chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động và trích lập các quỹ của đơn vị sự nghiệp công lập.
Dự thảo thông tư nêu rõ, trường hợp cơ sở quản lý di tích là cá nhân, người đại diện, ban quản lý (không phải là pháp nhân) thì không phải báo cáo quyết toán thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích với ngân sách nhà nước nhưng phải mở sổ sách theo dõi các khoản thu, chi tiền công đức, tài trợ cho di tích.
Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng của Nhà nước về thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội khi có yêu cầu.
Việc xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trong bối cảnh hiện này là hết sức cần thiết. Thông tư được ban hành sẽ tạo hành lanh pháp lý nhằm quản lý chặt chẽ về thu chi tài chính của các hoạt động này, góp phần giữ gìn những giá trị tốt đẹp của di tích và tổ chức lễ hội.