Phải có phương án sử dụng đất lúa khi nhận chuyển nhượng quá hạn mức
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 3/11, nhiều ĐBQH thống nhất với phương án: cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất quá hạn mức.
Phương án 3 dung hòa nhiều yếu tố
Góp ý về quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa tại khoản 7 Điều 45 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy chọn phương án 3.
Theo đó, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất quá hạn mức theo quy định tại Điều 177.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, phương án 1 quy định phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp – như vậy sẽ gây khó khăn cho đối tượng là cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa ở quy mô nhỏ.
Phương án 2 theo đề xuất của Chính phủ là không giới hạn về điều kiện. Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng quy định này sẽ dẫn đến tình trạng trên diện tích đất trồng lúa sẽ có nhiều đối tượng khác nhau có quyền sử dụng đất, tiềm ẩn nguy cơ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp thực sự lại đầu cơ đất, cản trở việc tích tụ, tập trung đất đai để đưa vào sản xuất, kinh doanh. Khi doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất nông nghiệp thực thụ buộc phải thỏa thuận nhận chuyển nhượng lại đất trồng lúa từ các cá nhân này với giá cao hoặc thậm chí không thể thỏa thuận.
“Tôi chọn phương án 3 vì phương án này dung hòa được cả 2 yếu tố. Đó là vừa bảo đảm công tác kiểm soát để tránh việc lợi dụng chính sách đầu cơ đất nông nghiệp; vừa khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở cho việc sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chủ trương tại Nghị quyết 18 của Trung ương”, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy nêu ý kiến.
Góp ý về nội dung này, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cũng đề xuất chọn phương án 3.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông, hiện nay, việc khuyến khích đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm, tạo điều kiện để phát triển cánh đồng lớn. Việc làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đã cơ giới hóa gần 100%, sử dụng phương tiện bay để bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng khá phổ biến…
“Vì vậy, quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức tại khoản 1 Điều 177 phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa là phù hợp với xu thế phát triển cơ giới hóa, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, canh tác cây lúa hiện nay; tạo điều kiện phát triển cánh đồng lớn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân có độ tuổi trên 50 được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống”, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận phân tích.
Không thu hồi đất để tư nhân làm sân golf
Liên quan đến quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, Nhà nước không nên đứng ra thu hồi đất đối với cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội (Khoản 15;) cơ sở giáo dục, đào tạo (Khoản 16); cơ sở thể dục thể thao (Khoản 17); cơ sở khoa học và công nghệ (Khoản 18) trong trường hợp các cơ sở này được Nhà nước “cho phép hoạt động”.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nhấn mạnh, cụm từ “được Nhà nước cho phép hoạt động” có thể là công trình của Nhà nước và của tư nhân.
“Tôi thống nhất với việc Nhà nước thu hồi đất cho các dự án công trình sử dụng vốn Nhà nước và thống nhất chủ trương Nhà nước khuyến khích phát triển y tế, giáo dục, thể thao hay cơ sở khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng ta cần xem lại các dự án công trình trên có xuất phát từ lợi ích cộng đồng, đa số người dân không, có vì mục tiêu lợi nhuận hay không, cần khuyến khích hay không. Ví dụ, chúng ta không thể thu hồi đất để cho tư nhân, doanh nghiệp xây dựng sân golf trong lĩnh vực thể dục thể thao, hay trong lĩnh vực y tế - thu hồi đất xây dựng bệnh viện thẩm mỹ, bệnh viện kỹ thuật cao cho một bộ phận người dân cụ thể”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Do vậy, Phó trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần nghiên cứu điều chỉnh, thiết kế điều trên cho phù hợp và đúng chủ trương của Nghị quyết 18 và hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh lợi dụng để trục lợi. Theo đại biểu, hiện nay trên 70% người dân khiếu kiện về đất đai cũng xuất phát từ yếu tố này.
Điều 177 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp như sau:
1. Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 119 của Luật này như sau:
a) Không quá 03 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 02 héc ta cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
2. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho cá nhân không quá 10 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Hạn mức giao đất cho cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất:
a) Đất rừng phòng hộ;
b) Đất rừng sản xuất là rừng trồng.
4. Trường hợp cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối thì tổng hạn mức giao đất không quá 05 héc ta.
Trường hợp cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 05 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
Trường hợp cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.