Phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh


Nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh, ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh. Một ngân hàng được coi là “xanh” khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh; Về dài hạn, có một chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và cả tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường…

Theo PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần phát triển bền vững, ngành Ngân hàng cần hướng tới mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh, đây là yêu cầu cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Một ngân hàng được coi là “xanh” khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh, Về dài hạn, có một chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và cả tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường.  

Tín dụng xanh là việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất “”xanh” bao gồm các hoạt động tiêu dung, đầu tư, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường (không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường).

“Các chính sách tín dụng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân; là cơ hội để các tổ chức tài chính, tín dụng xanh quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam”,  PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú nhận định.

khảo sát của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, sự hiểu biết của các TCTD dụng về tín dụng xanh đến nay đã được cải thiện. Hiện nay đã có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; 10 TCTD đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh…

Hướng tới mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh…