Nâng cao quản lý hiệu quả rủi ro môi trường, xã hội:
Yếu tố then chốt để “ngân hàng xanh” phát triển bền vững
(Tài chính) “Điều tra cho thấy nhiều tổ chức tài chính trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện vẫn chưa nhận thức được tác động của rủi ro của môi trường và xã hội”, ông Simon Andrews, Giám đốc khu vực Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC chia sẻ: 75% ngân hàng khẳng định rằng nếu quan tâm tới môi trường xã hội sẽ giảm được nhiều rủi ro.
“Bình mới rượu cũ”
Đưa ra hình ảnh đó, ông Lê Văn Bé – Cố vấn cấp cao Viện Nhân lực ngân hàng muốn chỉ rõ rằng việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội là một vấn đề không mới nhưng khi các ngân hàng đánh giá đầu tư vào các dự án, nhất là các dự án về thủy điện đều phải tính các yếu tố con người, an toàn xã hội và môi trường xung quanh dự án. “Các vấn đề môi trường, xã hội phát sinh từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể khiến cho doanh nghiệp sẽ phải chịu những rủi ro tổn thất liên quan về tài chính, cũng như trách nhiệm đối với pháp luật và nguy cơ mất uy tín, giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường”, ông Bé nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Cát Quang Dương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tín dụng (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cũng cho hay, hầu hết các ngân hàng trong hệ thống không có chính sách, các quy định chính thức hoặc hệ thống quản lý rủi ro môi trường, xã hội hoặc là đầu tư rất ít nguồn lực để phát triển một hệ thống quản lý rủi ro. Cũng đã có ngân hàng thừa nhận rằng, một số khoản vay đối với các doanh nghiệp có vi phạm các quy định về môi trường và xã hội mang rủi ro cao nhưng hầu hết ngân hàng chưa nhận thấy mối liên hệ trực tiếp giữa việc thực hiện quản lý rủi ro môi trường, xã hội của khách hàng, hiệu quả hoạt động tài chính của của họ cũng như tình hình hoạt động tài chính của ngân hàng… Vấn đề này là một trong những yếu tố khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với hàng loạt các tác động tiêu cực như tranh chấp pháp lý, ảnh hưởng xấu về danh tiếng, uy tín... Thách thức đó đặt ra áp lực cho ngành ngân hàng là làm sao vừa đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế song vẫn đảm bảo phát triển nền kinh tế bền vững.
Khảo sát cho thấy, sau cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới, nhiều tổ chức tài chính ngân hàng ở các nước phát triển và đang phát triển đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác củng cố quản lý rủi ro, trong đó bao gồm cả đánh giá và quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội. Thay vì coi quản lý môi trường là một chi phí gia tăng cho tổ chức, hầu hết các tổ chức tài chính ngân hàng đó đã coi phát triển bền vững là một lợi thế cạnh tranh, là một cơ hội tăng trưởng và phát triển và là một phần không thể thiếu trong cơ cấu quản lý rủi ro của tổ chức mình.
Báo cáo của IFC cho thấy, hiện đã có gần 80 tổ chức tài chính ngân hàng ở cả các nước phát triển và đang phát triển đã gia nhập “Nguyên tắc Xích đạo” - thỏa thuận không cho tài trợ trực tiếp các dự án mà chủ đầu tư/dự án không hoặc không thể tuân thủ các chính sách và quy trình về quản lý rủi ro môi trường và xã hội.
Bloomberg Markets mới đây cũng công bố danh sách 20 ngân hàng xanh nhất toàn cầu dựa trên những thành tựu đầu tư vào năng lượng sạch và giảm phát thải carbon. Citigroup đứng đầu danh sách với thành công đầu tư vào một dự án phong điện đủ cung cấp cho 44.000 hộ dân của thành phố New York. Ba tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản là Mitsubishi, Mizuho và Sumitomo Mitsui đều có mặt trong danh sách này với nỗ lực trong tài trợ các dự án năng lượng mặt trời. Nổi trội là Mitsubishi với danh mục đầu tư 19 tỷ đô la Mỹ cho các dự án năng lượng mặt trời vào năm 2016. Nước láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng đã ban hành Chính sách tín dụng xanh với mục tiêu hướng các nguồn tín dụng ngân hàng vào các dự án tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Chính sách Tín dụng xanh cũng đã đạt được những kết quả ban đầu khá ấn tượng với sự gia tăng đáng kể nguồn vốn vào các dự án xanh tại Trung Quốc…
Xây dựng bộ công cụ để ngân hàng đánh giá rủi ro
NHNN hiện đang hợp tác cùng IFC nghiên cứu để ban hành hướng dẫn và bộ công cụ để đánh giá rủi ro môi trường, xã hội để các ngân hàng thương mại có thể áp dụng. Dự kiến bộ công cụ này sẽ được ban hành vào tháng 6/2014. Sau đó, tiếp tục đào tạo và nâng cao năng lực cho các ngân hàng trong những tháng cuối năm 2014.
Mục tiêu đặt ra là xây dựng hướng dẫn này trong một Thông tư của NHNN để quy định bắt buộc tất cả các ngân hàng và các tổ chức tín dụng trong hệ thống áp dụng áp dụng các nguyên tắc chung quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư; Nguyên tắc chung về tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này ở các ngân hàng; Mẫu báo cáo để các ngân hàng báo cáo định kỳ về NHNN thực trạng và mức độ rủi ro môi trường, xã hội của danh mục đầu tư tín dụng.
Ông Cát Quang Dương cho biết, NHNN cũng sẽ phối hợp với IFC xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá rủi ro môi trường, xã hội đối với 5-10 ngành cụ thể để hỗ trợ thực thi Thông tư. Đây sẽ là công cụ chính để các tổ chức tín dụng xác định các rủi ro môi trường, xã hội khi xin cấp tín dụng cho một số ngành cụ thể. Quan trọng hơn, sự ra đời của Thông tư quy định quản lý rủi ro môi trường, xã hội sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các tổ chức tín dụng tham gia trên thị trường Việt Nam.
Được biết, khi các ngân hàng và các tổ chức tín dụng áp dụng hệ thống quản lý môi trường và xã hội sẽ: Cải thiện đáng kể chất lượng toàn danh mục tín dụng nhờ có thể xác định và quản lý hiệu quả rủi ro môi trường và xã hội, kiểm soát tốt hơn rủi ro tín dụng và rủi ro tài sản đảm bảo của từng khoản vay do các vấn đề về môi trường và xã hội tạo nên; Mở rộng thị phần nhờ sản phẩm/dịch vụ mới thân thiện với môi trường, củng cố mạng lưới khách hàng hiện có và thu hút mới các khách hàng chất lượng tốt; Cải thiện danh tiếng và giá trị thương hiệu của tổ chức nhờ giảm thiểu được rủi ro danh tiếng và rủi ro pháp lý nếu liên đới đến các dự án hay hoạt động không tuân thủ các quy định về môi trường và xã hội; Thu hút nguồn vốn hay các tổ chức tài chính quốc tế cùng định hướng hỗ trợ các hoạt động về môi trường và xã hội.