Phần để lại của GDP

Theo Thanh Hải/daibieunhandan.vn

Với sự bứt phá mạnh mẽ của nền kinh tế trong quý II và III, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) 9 tháng năm 2017 đã tăng 6,41%, do vậy việc đạt mục tiêu Quốc hội giao (6,7%) là khả thi. Nội dung này chắc chắn sẽ được thảo luận kỹ hơn tại Phiên họp thứ 15 của UBTVQH khai mạc vào tuần tới khi cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

6,7% sẽ khả thi

Trong tuần này, những số liệu tích cực về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017 công bố tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 đã thu hút sự chú ý của cử tri và nhân dân cả nước. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,7% có tính khả thi cao.

Còn nhớ, khi tăng trưởng của quý I/2017 chỉ đạt 5,1% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng thấp nhất so với những năm gần đây, đã có nhiều ý kiến nghi ngại về khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP được QH giao cho năm 2017. Bởi lẽ, để thực hiện được mục tiêu tăng 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%, nhưng với điều kiện và tình hình thực tế, thì triển vọng này được nhận định là không cao. Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 3, QH kiên quyết giữ chỉ tiêu này, và yêu cầu Chính phủ phấn đấu quyết liệt nhằm thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 ở mức cao nhất (GDP bình quân 5 năm 6,5 - 7%/năm).

Việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2017 có tính khả thi cao nhờ đóng góp lớn nhất từ sự tăng bứt phá trong quý III (tăng 7,46%). Con số này tăng mạnh so với quý I (5,15%) và quý II (6,17%), giúp GDP 9 tháng ước tăng 6,41%. Nhưng điểm đặc biệt của tăng trưởng trong 9 tháng qua là khai thác dầu thô, nguyên liệu thô không còn là động lực chính. Thay vào đó là vai trò của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, dự kiến có thể đạt mức tăng 13-13,5% trong cả năm 2017, cao nhất từ 2010 tới nay. Du lịch cũng tăng trưởng bứt phá trong khi các ngành dịch vụ khác tăng trưởng rất đồng đều. Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 9 tháng lên tới 2,78%, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Tốc độ xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng tăng cao nhất từ trước tới nay.

Một điểm nổi bật khác của tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua là năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tiếp tục được cải thiện so với năm trước. TFP năm 2017 dự kiến tăng ít nhất 5-6% so với năm 2016 và đóng góp 30,5-31% vào tăng trưởng GDP. Cùng với đó, hệ số ICOR (tỷ lệ đồng vốn đầu tư để tăng thêm 1 đồng GDP) của năm 2017 dự kiến khoảng 4,5-5 lần, so với 5,3 lần năm 2016. Nói cách khác, chất lượng tăng trưởng có cải thiện đáng kể. “Với ICOR như vậy và tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 33,5% - 34% GDP, thì khả năng GDP cả năm đạt và vượt 6,7% là khả thi”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Tăng trưởng dựa vào đầu tư nước ngoài

Với tình hình hiện nay, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, và khắc phục được một số tồn tại, bất cập, thì 2017 có thể là năm đầu tiên sau nhiều năm sẽ hoàn thành, và vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu QH giao.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, tốc độ tăng trưởng cao trong 9 tháng qua chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài, khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chủ yếu do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện) đã đóng góp 2,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Giá trị gia tăng tạo ra từ điện thoại của Samsung, hay từ một tấn thép của Formosa không phải quá lớn, nên vấn đề là cần nhìn vào số liệu tổng thu nhập quốc gia (GNI). Chỉ số này được tính bằng GDP cộng thêm với các khoản lợi nhuận doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trừ đi khoản lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài chuyển về nước họ. “Chúng ta công bố số liệu tăng trưởng GDP nhưng không có nghĩa sẽ ăn được số liệu này. Chúng ta chỉ ăn được con số GNI, vốn lâu nay vẫn thấp hơn GDP”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý III/2017 là do những nỗ lực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi thời gian qua đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó là quá trình cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến, giảm rào cản cho doanh nghiệp; thực hiện mô hình trung tâm hành chính công ở các địa phương, cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Vì vậy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng, từ quý IV trở về sau, cần làm nhiều hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, cụ thể là tháo bỏ rào cản sản xuất bằng xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, và giảm chi phí cho doanh nghiệp trên tất cả phương diện.

Tuần tới, để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, UBTVQH dự kiến sẽ dành một ngày trong chương trình nghị sự của Phiên họp thứ 15 để cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Các kết quả đạt được trong 9 tháng qua sẽ được phân tích kỹ càng, nhất là những nguyên nhân chủ chốt, từ đó rút ra bài học hữu ích cho thời gian tới. Tăng trưởng GDP có khả năng đạt mục tiêu QH đề ra là điều đáng mừng. Tuy nhiên, hơn thế, như ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thì con số tăng trưởng ấy liệu đã thật sự vững chắc hay chưa? Và biện pháp nào để thực hiện thành công mục tiêu “nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế” nêu trong Nghị quyết của QH.