Nghị định 97/2015/NĐ-CP:
Phân định cụ thể trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước
Ngày 19/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2015/NĐ-CP về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định mở ra nhiều kỳ vọng mới trong nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, khi quyền hạn và trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp được phân định cụ thể…
Có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2015, Nghị định 97/2015/NĐ-CP gồm 10 chương, 71 điều quy định về thẩm quyền quyết định, thẩm định; kiêm nhiệm; đánh giá, bồi dưỡng kiến thức; quy hoạch; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật; thôi việc, nghỉ hưu và quản lý hồ sơ đối với người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp (DN) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Điều kiện bổ nhiệm lãnh đạo
Nghị định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại DN là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vừa được Chính phủ ban hành, trong đó quy định cụ thể 10 điều kiện bổ nhiệm người quản lý DN như sau: Đạt tiêu chuẩn chung của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn của chức danh do cấp có thẩm quyền ban hành; Được quy hoạch cho chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch vào chức danh tương đương với chức danh bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác; Có đủ hồ sơ cá nhân được cấp có thẩm quyền thẩm định, xác minh, xác nhận; Trong độ tuổi bổ nhiệm phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác được ít nhất 1 nhiệm kỳ của chức danh quản lý tính đến ngày cấp có thẩm quyền ký phê duyệt chủ trương bổ nhiệm. Người quản lý DN do nhu cầu công tác mà được giao giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm.
Nếu người quản lý DN bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật từ khiển trách đến hạ bậc lương hoặc bị miễn nhiệm hoặc từ chức vì vi phạm kỷ luật, pháp luật, sau 1 năm kể từ ngày bị cấp có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc kể từ ngày quyết định kỷ luật, từ chức, miễn nhiệm có hiệu lực thi hành (kể cả kỷ luật do vi phạm trước đó nhưng đến nay mới được phát hiện và mới có quyết định kỷ luật). Ngoài ra, nếu được xem xét, đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý thì phải đủ tuổi (tính theo tháng) để công tác được ít nhất 1 nhiệm kỳ của chức danh quản lý tính đến ngày cấp có thẩm quyền ký phê duyệt chủ trương bổ nhiệm; Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao do cơ quan y tế có thẩm quyền chứng nhận.
Thời điểm chứng nhận sức khỏe đến ngày nộp hồ sơ cho cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ không quá 6 tháng; Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật; Không đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên; Không đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử.
Trường hợp nhân sự được đề nghị bổ nhiệm đang trong thời gian cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thì cấp có thẩm quyền quyết bổ nhiệm trao đổi với trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra trước khi bổ nhiệm; Ngoài các điều kiện quy định nêu trên, việc bổ nhiệm Kiểm soát viên, Kế toán trưởng còn phải tuân theo các quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định cũng quy định cụ thể thời hạn giữ chức vụ người quản lý DN là 5 năm; đối với Kiểm soát viên, thời hạn giữ chức vụ là 3 năm. Trường hợp người quản lý DN được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương chức vụ cũ thì thời hạn giữ chức vụ chức vụ được tính từ ngày quyết định điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới có hiệu lực thi hành. Trường hợp thay đổi chức danh quản lý do thay đổi tên gọi DN thì thời hạn giữ chức vụ được tính từ ngày quyết định bổ nhiệm theo chức vụ cũ (tên gọi cũ của DN).
Đánh giá, phân loại người quản lý
Nội dung đánh giá người quản lý DNNN bao gồm kết quả việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao; Kết quả, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty, công ty; Việc thực hiện Điều lệ của tập đoàn, tổng công ty, công ty; Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Nội quy, quy chế của tập đoàn, tổng công ty, công ty; Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ và việc tham gia các hoạt động do chủ sở hữu, tập đoàn, tổng công ty, công ty tổ chức.
Người quản lý DN được phân loại đánh giá theo 03 mức: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể:
- Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xác định khi DN hoàn thành trên 90% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan; Luôn gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều lệ, nội quy, quy chế của tập đoàn, tổng công ty, công ty; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh; lề lối làm việc chuẩn mực; Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành các đơn vị thành viên hoặc lĩnh vực được giao phụ trách hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; Tham gia ít nhất 01 hoạt động xã hội do chủ sở hữu, tập đoàn, tổng công ty, công ty tổ chức.
- Hoàn thành nhiệm vụ là luôn gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, điều lệ, nội quy, quy chế của tập đoàn, tổng công ty, công ty; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh, lề lối làm việc chuẩn mực; Tham gia ít nhất 01 hoạt động xã hội do chủ sở hữu, tập đoàn, tổng công ty, công ty tổ chức; DN hoàn thành từ 70% đến 90% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do nguyên nhân khách quan; Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành các đơn vị thành viên hoặc lĩnh vực được giao phụ trách hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
- Không hoàn thành nhiệm vụ, người quản lý DN được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ khi vi phạm một trong các tiêu chí sau: DN hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ được giao theo chương trình, kế hoạch công tác năm; Lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành một trong các đơn vị thành viên hoặc lĩnh vực được giao phụ trách không hoàn thành các nhiệm vụ được giao; Không thực hiện hoặc vi phạm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật theo quy định; Vi phạm điều lệ, nội quy, quy chế của tập đoàn, tổng công ty, công ty; Để xảy ra mất đoàn kết trong tập đoàn, tổng công ty, công ty hoặc các đơn vị thành viên được giao phụ trách.
Các hình thức kỷ luật
Điểm đáng chú ý của Nghị định là hình thức kỷ luật đối với người quản lý DNNN khi có các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người quản lý DN có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để thu lợi riêng cho bản thân và cho người khác hoặc sử dụng tài sản công trái pháp luật...
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người quản lý DN có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để thất thoát vốn nhà nước hoặc vốn của tập đoàn, tổng công ty, công ty; quyết định dự án đầu tư không hiệu quả, không trả được nợ; không bảo đảm tiền lương và các chế độ khác cho người lao động ở tập đoàn, tổng công ty, công ty theo quy định của pháp luật...
Hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với người quản lý DN không hoàn thành nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng mà lý do không được cấp có thẩm quyền chấp thuận; hoặc người quản lý DN lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi...
Cũng theo Nghị định 87/2015/NĐ-CP, người quản lý DN sẽ bị cách chức khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau: Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; tập đoàn, tổng công ty, công ty không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm; không bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền mà không giải trình được nguyên nhân khách quan hoặc giải trình nguyên nhân nhưng không được cấp có thẩm quyền chấp thuận; bị truy tố và bị tòa án tuyên là có tội; không trung thực trong thực thi quyền, nghĩa vụ, hoặc lạm dụng địa vị, chức vụ, sử dụng tài sản của tập đoàn, tổng công ty, công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác; để tập đoàn, tổng công ty, công ty vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản; tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc diện tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục để tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không có lý do được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Trong trường hợp người quản lý DN bị phạt tù mà không được hưởng án treo; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; vi phạm chế độ quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và chế độ khác đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; có các quyết định chỉ đạo, điều hành để Tập đoàn, Tổng công ty, công ty thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Chính phủ cũng đưa ra quy định cụ thể đối với hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với người quản lý DN khi để tập đoàn, tổng công ty, công ty vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản; tập đoàn, tổng công ty, công ty thuộc diện tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu mà không tiến hành các thủ tục để tổ chức lại, giải thể hoặc chuyển đổi sở hữu mà không có lý do được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Trong các trường hợp người quản lý DN bị phạt tù mà không được hưởng án treo; nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; có các quyết định, chỉ đạo, điều hành để tập đoàn, tổng công ty, công ty thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng... thì bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Nghị định nêu rõ, mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ áp dụng một hình thức kỷ luật. Nếu người quản lý DN có nhiều hành vi vi phạm pháp luật thì bị xem xét xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm pháp luật và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc.
Trường hợp người quản lý DN tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian đang thi hành quyết định kỷ luật thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau: Nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành; nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật ở mức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật mới.
Việc miễn nhiệm đối với người quản lý DN được thực hiện khi không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của cấp có thẩm quyền; Có hành vi vi phạm pháp luật bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo mà yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế; bị cấp có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức kỷ luật cách chức; Không đủ năng lực, trình độ, uy tín để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong 2 năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ bị đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; bị cơ quan kiểm tra, thanh tra có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về vi phạm tư cách đạo đức hoặc vi phạm quy định về những việc đảng viên không được làm đối với người quản lý là đảng viên...
Ngoài ra, người quản lý DN không được từ chức một trong các trường hợp: Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật mà chưa hoàn thành nhiệm vụ, cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ, nếu từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ được giao; hoặc đang trong quá trình bị thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật hoặc bị xem xét kỷ luật về đảng, chính quyền.
Nghị định số 97/2015/NĐ-CP bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP ngày 01/8/2011 của Chính phủ quy định việc áp dụng Luật Cán bộ, công chức đối với chức danh lãnh đạo, quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và người được cử làm đại diện phần vốn của Nhà nước tại DN có vốn góp của Nhà nước; và một số quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN.