Nhà ở xã hội: Cầu lớn, cung nhỏ giọt
Sự thiếu hụt về nguồn cung, gói hỗ hỗ trợ tài chính cùng những rối rắm trong thủ tục khi xét mua đang là những rào cản khiến Nhà ở xã hội ngày càng xa tầm với của những người thu nhập thấp đô thị.
Thiếu hụt nghiêm trọng
Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), dân số TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư, chiếm khoảng 23% dân số.
Thành phố hiện có hơn 400.000 sinh viên, hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới nên nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Dự báo, từ nay đến năm 2020 có khoảng 81.000 hộ có nhu cầu về Nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nguồn cung về Nhà ở xã hội hiện nay đang rất hạn chế.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ triển khai xây dựng 39 dự án Nhà ở xã hội có quy mô gần 45.000 căn.
Thực tế đến nay đã triển khai được 41 dự án, tăng hơn 1.000 căn hộ so với kế hoạch. Trong số này, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành 14 dự án với gần 10.000 căn. Còn lại 16 dự án sẽ tiếp tục hoàn thành đến năm 2020.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu Nhà ở xã hội của cả nước trong giai đoạn từ năm 2011-2020 khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn, Hà Nội khoảng 110.000 căn, Bình Dương 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn... Tuy nhiên đến nay, các địa phương mới đáp ứng được khoảng 30% kế hoạch đề ra.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, nhu cầu về Nhà ở xã hội hiện đang rất lớn, tập trung vào đối tượng thu nhập thấp ở 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo Chiến lược Nhà ở Quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong 2 năm tới cần 1 triệu căn nhà ở mới đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Tuy nhiên, ông Ninh cũng thừa nhận, chính sách Nhà ở xã hội hiện còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đâu là nguyên nhân?
Nhà ở xã hội là một chính sách lớn của Nhà nước nhằm tìm kiếm giải pháp an cư cho những người thu nhập thấp. Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều, song thực tế chương trình chưa thực sự hấp dẫn được các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Lê Thành và Địa ốc Hoàng Quân là những doanh nghiệp nổi bật khi triển khai nhiều dự án Nhà ở xã hội. Tuy nhiên, số lượng căn hộ này vẫn quá ít ỏi nếu so với nhu cầu quá lớn của người dân.
Ông Trần Trọng Tuấn nêu ra những khó khăn chương trình Nhà ở xã hội đang gặp phải đó là nguồn vốn dài hạn hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án vay để xây dựng dự án và hỗ trợ người mua Nhà ở xã hội chưa ổn định.
Nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện Nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án Nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí là không thực hiện được.
Bên cạnh đó, thủ tục xin thực hiện dự án cũng khiến doanh nghiệp gặp khó. Ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính Tiền sử dụng đất, ký quỹ nhà ở thương mại thì các dự án Nhà ở xã hội phải thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua…
Tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn chuyên đầu tư các dự án Nhà ở xã hội tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, nhiều doanh nghiệp hiện nay không mặn mà đầu tư vào Nhà ở xã hội. Lý do, thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thiết lập dự án và xây dựng Nhà ở xã hội tương đối phức tạp và tốn nhiều thời gian của chủ đầu tư, trong khi lợi nhuận định mức lại bị khống chế ở mức 10% và tiềm ẩn nhiều rủi ro vì không được tự quyết định về giá bán khiến cho chủ đầu tư không muốn tham gia vào thị trường kém hấp dẫn này.
Ngoài ra, các chính sách ưu đãi Nhà ở xã hội chưa đủ sức bật, các gói ưu đãi về tín dụng chủ yếu và có tính quyết định thì lại không được duy trì thường xuyên và có định hướng rõ ràng. Cụ thể việc kết thúc gói 30.000 tỷ nhưng các gói hỗ trợ tiếp theo vẫn chưa được triển khai khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, để giải được bài toán Nhà ở xã hội cần tháo gỡ khó khăn của người mua và chủ đầu tư hiên nay. Về phía người mua, nên thống nhất những quy định về lãi suất cho vay cũng như thời hạn được vay mua Nhà ở xã hội.
Đối với các doanh nghiệp, cần xem xét lại các quy định pháp luật khi thực hiện đầu tư dự án Nhà ở xã hội. Rút gọn các thủ tục hành chính và thời gian phê duyệt dự án. Bên cạnh đó, là các chương trình tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội.