Phần lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do tác động bởi dịch COVID-19

Theo Hiếu Phương/kinhtevadubao.vn

Đánh giá của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, phần lớn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 10 tháng năm 2021 là do tác động bởi dịch COVID-19. Do đó, cần sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Số liệu thống kê cập nhật của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 10 tháng năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%, trong đó có 12,1 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 1,1%; 162 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 27,4%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Trước đó, theo số liệu 2 quý đầu năm và đặc biệt là 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và rút lui khỏi thị trường được đánh giá là ở mức cao nhất trong đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay, lên tới 79.673. Đây cũng là lần đầu tiên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Theo nhận định của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, có nhiều nguyên nhân, song trong đó, dịch bệnh COVID-19 kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Kết quả khảo sát trước đó của cơ quan này trong năm 2020 đã cho thấy có tới 68,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi tạm ngừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19; 30,2% doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể để tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm hướng đi mới; 8,9% tạm ngừng, giải thể do hạn chế về năng lực quản trị, tính đổi mới sáng tạo, năng suất lao động; 4,6% là do không đáp ứng được điều kiện kinh doanh; 4,5% do tính chất ngành, nghề; 11,2% là do những khó khăn khác.

Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt phần lớn là do không có khách hàng do tác động của dịch bệnh; nhiều trường hợp cho biết bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ và mất khả năng thanh toán. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng phản hồi khó tiếp cận vốn vay vì không có tài sản thế chấp và quy trình vay vốn phức tạp khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được dòng vốn kinh doanh.

Không chỉ có vậy, hầu hết các doanh nghiệp cho biết đều gặp khó khăn trong thanh toán các khoản thuế, phí, và các chi phí khác, trong đó nổi bật là chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng, địa điểm kinh doanh, thanh toán lương/BHXH/BHYT/BH thất nghiệp, thanh toán thuế; khó khăn trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh bởi mô hình kinh doanh cũ, không đáp ứng được nhu cầu sản phẩm/dịch vụ mới của thị trường; khó khăn về tài chính cho việc chuyển đổi số.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng làm đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn tới tăng giá nguyên liệu, hàng hóa đầu vào trong nước và từ nước ngoài gia tăng, dẫn đến khan hiếm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất. Các số liệu này cho thấy dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng, rất cần khẩn trương triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo nguồn sinh lực để giúp doanh nghiệp sớm hồi sinh. Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rất cần có một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, tuy nhiên trước mắt cần tập trung các giải pháp hỗ trợ về vốn và dòng tiền có thể giúp DN có nguồn lực phục hồi. Trong trung và dài hạn, việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh cần được triển khai quyết liệt, bởi đây mới là yếu tố cốt lõi giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp cũng như tác động đến cách thức vượt qua đại dịch để nền kinh tế sớm phục hồi. Theo ông Cung, việc tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh sẽ giúp doanh nghiệp thêm nhiều cơ hội hồi sinh và tiếp tục gia nhập thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đồng tình nhận định này, Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, trong dịch bệnh, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn rất nhiều khi chính sách chống dịch giữa các địa phương chưa liền mạch, thiếu hụt lao động do dịch chuyển giữa các tỉnh còn hạn chế, thiếu hụt dòng tiền. Chính vì vậy, theo ông Thành, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 đang được các bộ ngành xây dựng trình Chính phủ là rất cần thiết giúp doanh nghiệp sớm có các trợ lực hồi sinh, và quan trọng hơn nữa là giúp sớm khôi phục nền tảng kinh tế, bắt nhịp với tăng trưởng thế giới trong giai đoạn phục hồi và hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững dựa trên chuyển đổi số.