Tỉnh Long An:
Thương mại điện tử - nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm
Dịch COVID-19 đã khiến cho người dân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT) nhiều hơn và thương mại trở thành cơ hội lớn. Thông qua sàn TMĐT, nhiều sản phẩm chế biến, nông sản của Long An cải thiện được tiêu thụ, có đơn hàng đi nhiều tỉnh, thành, kể cả nước ngoài.
Tiềm năng phát triển là có thật
TMĐT hiện được không ít người dùng. Dịch COVID-19 đã khiến cho người dân sử dụng dịch vụ TMĐT nhiều hơn và trở thành cơ hội lớn cho doanh nghiệp (DN). Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Long An, trong bối cảnh dịch bệnh, tiêu thụ nông sản khó khăn do thói quen của người tiêu dùng thay đổi, các hộ kinh doanh, các hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn TMĐT. Đây được xem là giải pháp hiệu quả.
Điển hình, khi tỉnh Long An thực hiện giãn cách xã hội và tất cả chợ truyền thống trên địa bàn dừng hoạt động, Sở Công Thương phối hợp các DN bưu chính, trong đó phối hợp sàn TMĐT Vỏ Sò và Postmart hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhiều hộ sản xuất nông nghiệp.
Đã có hơn 130 sản phẩm tiêu thụ với trên 150 tấn hàng hóa và gần 2.000 combo là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như khô cá lóc, thanh long ruột đỏ, tinh dầu tràm,... lên bán trên sàn Postmart. Ngoài ra, nông sản của tỉnh còn được DN kết nối, bán hàng trên kênh Prefood.vn và Saigontel.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An- Châu Thị Lệ, Prefood.vn, Saigontel kết nối với DN tại tỉnh trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cung ứng cho người tiêu dùng. Riêng, các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki,... đã kết nối với Sở Công Thương và DN trong tỉnh khá lâu.
Năm 2021, Sở Công Thương cũng triển khai chương trình xúc tiến thương mại hỗ trợ DN tham gia bán hàng trên sàn Alibaba. Nội dung hỗ trợ bằng nhiều hình thức như duy trì tư cách thành viên Vàng toàn cầu Alibaba.com trong 12 tháng; gói quản lý tài khoản cho mỗi đơn vị tham gia trong 3 tháng; xây dựng hình ảnh, video, số hóa các sản phẩm trưng bày của đơn vị tham gia; thiết kế nhận diện chung gian hàng của các đơn vị tham gia.
Các mặt hàng tham gia chương trình Alibaba là các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như gạo, chanh, thanh long, chuối,... Các mặt hàng sàn Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, Postmart là các mặt hàng nông sản, nông sản chế biến, chao, lạp xưởng, mắm các loại,...
Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp
Năm 2021, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, Chỉ số TMĐT tỉnh Long An xếp hạng thứ 13/56 tỉnh, thành, tăng 5 hạng so với năm 2020. Trong đó, chỉ số giao dịch giữa DN với người tiêu dùng (B2C) hạng 12/56 tỉnh, thành; chỉ số về giao dịch giữa DN với DN (B2B) hạng 14/56 tỉnh, thành.
Theo đánh giá của Vecom, các tỉnh, thành có chỉ số xếp hạng cao cho thấy DN đã năng động, thích nghi và quan tâm hơn đến kinh doanh trực tuyến. Cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh đem tới sự tăng trưởng cho nhiều ngành như bán lẻ hàng hóa, giao đồ ăn, thanh toán trực tuyến, tiếp thị và đào tạo trực tuyến.
Công ty TNHH SXTM Pure (xã Tân Long, huyện Thủ Thừa) chuyên sản xuất tinh dầu tràm mang thương hiệu dầu tràm Con Yêu là một trong nhiều đơn vị tận dụng TMĐT để tiếp thị sản phẩm. Giám đốcCông ty - Nguyễn Quốc Vũ cho biết, ngoài dầu tràm Con Yêu,Công ty còn sản xuất các loại tinh dầu khác như sả, chanh, cam, bưởi, khuynh diệp, tràm trà nhãn hiệu Pure.Công ty này đang hướng đến sản xuất các loại hóa mỹ phẩm từ tinh dầu.
Hiện tại,Công ty bán hàng qua nhiều kênh phân phối, trong đó có TMĐT. Bởi, xu hướng lớn nhất của các DN lẫn nhà bán lẻ là bán hàng đa kênh, đẩy mạnh bán hàng online bên cạnh tối ưu hóa kênh bán hàng truyền thống (offline). Khi tham gia sàn TMĐT, DN dễ dàng quảng bá sản phẩm, giảm nhiều chi phí. Trong khi đó, ở kênh truyền thống DN phải tốn chi phí cho đội ngũ bán hàng, thậm chí phải “chiều chuộng” nhà bán lẻ. Các chi phí này đôi khi chiếm đến 50% giá trị sản phẩm.
Trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Long An và nhiều tỉnh, thành khác, nhiều DN chọn giải pháp bán hàng online hoặc đẩy mạnh kinh doanh trên các trang TMĐT.Công ty Cổ phần Thương mại Prefood phối hợp Sở Công Thương Long An trong nhiều lĩnh vực, đến tháng 8/2021, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp,Công ty nhanh chóng hỗ trợCông ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (huyện Đức Huệ), nông dân Lê Văn Chín ở huyện Tân Trụ và HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long (huyện Châu Thành) tiêu thụ bưởi da xanh, thanh long, ổi.
Ông Phạm Văn Quân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thương mại Prefood cho biết,Công ty đưa nhiều sản phẩm, nhất là nông sản lên kênh bán hàng Prefood.vn. Trên thị trường, nhiều mặt hàng nông sản trải qua nhiều khâu từ thương lái đến hệ thống chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ mới đến tay người tiêu dùng. Nhưng với mô hình thương mại của Prefood.vn, nông sản được kết nối trực tiếp từ nông trại đến tay người tiêu dùng thông qua đội ngũ nhân viên củaCông ty.
Các sản phẩm có xuất xứ từ Long An đang tiêu thụ mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, sản lượng hàng tuần khoảng 1,2-2 tấn (có thời gian cao điểm khoảng 5-7 tấn/tuần).Công ty đang tiếp tục quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của Long An ra nhiều tỉnh, thành khác ngoài TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là cơ hội lớn cho nông dân lẫn DN tại Long An tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Nâng cao niềm tin về sản phẩm
Theo ông Phạm Văn Quân, tiêu chí thu mua của Prefood.vn là thông qua đầu mối giới thiệu của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An. Qua đó, kết nối với các hộ sản xuất, các HTX đạt tiêu chuẩn sản xuất an toàn, có các chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP,... nhằm bảo đảm đưa sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Cty Prefood vàCông ty Cổ phần Công nghệ 4TE đang hợp tác nhau, qua đó cùng Sở Công Thương tiếp tục kết nối cung - cầu, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà. Thông qua đó sẽ đào tạo, hướng dẫn cung cấp các công nghệ quản lý sản xuất, phân phối và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho nông dân và các HTX. Đồng thời, sẽ giới thiệu các kênh TMĐT nói chung và Prefood.vn nói riêng để hỗ trợ các sản phẩm của tỉnh tiếp cận đến khách hàng ở nhiều thị trường tốt hơn.
Tiềm năng phát triển bán hàng TMĐT là có thật, nhưng DN áp dụng gặp không ít trở ngại. Đó là sự phát triển thiếu bền vững, người tiêu dùng còn nghi ngại ở sản phẩm, thông tin còn đơn điệu, thiếu chi tiết, thiếu sức hấp dẫn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng còn chưa tự tin mua hàng TMĐT mà hàng hóa vẫn chất lượng, không nhập nhằng.
Cũng theo ông Phạm Văn Quân, sản phẩm nông sản của Long An có nhiều thế mạnh như phong phú, hương vị đặc trưng, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nhưng việc ứng dụng công nghệ cao vào để sản xuất và truyền thông tới khách hàng chưa tốt. Để nông sản có cơ hội tiêu thụ tốt hơn, ngoài việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất để quản lý và truy xuất nguồn gốc, DN, HTX, nông dân cần chú trọng mẫu bao bì và truyền thông nhiều hơn nữa tới người tiêu dùng.
Bà Châu Thị Lệ cho biết, để nâng cao niềm tin của người dân đối với việc mua sắm trên sàn, ngành Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quản lý về TMĐT. Trong đó, có quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại.
Ngoài ra, khuyến khích các sàn TMĐT phải có giải pháp sàng lọc hàng gian, hàng giả, kém chất lượng. Sở Công Thương tiếp tục phối hợp các sàn TMĐT tổ chức đào tạo cho DN, hỗ trợ áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, có tem nhãn để DN khẳng định và quảng bá chất lượng của sản phẩm; DN, nông dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại thông qua các sàn TMĐT đều phải có giấy chứng nhận sản phẩm theo quy định.
Đồng thời, ngoài sự chủ động của sàn TMĐT và DN, vẫn rất cần sự chung tay của người dùng trong phản hồi về những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không đạt chất lượng để cơ quan quản lý có cơ sở xử lý kịp thời.
Tỉnh Long An sẽ hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng; xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững. Hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, truy xuất nguồn gốc điện tử,... được đẩy mạnh, ưu tiên cho DN nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp.Sở Công Thương cũng đang đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại qua việc hỗ trợ DN tham gia các sàn nổi tiếng như Alibaba, Lazada, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart. Các mặt hàng ưu tiên kết nối là mặt hàng nông sản, sản phẩm chế biến, các sản phẩm tiêu biểu và sản phẩm OCOP của tỉnh.