Phân tích chuỗi giá trị trong đào tạo kế toán, kiểm toán của các trường học hiện nay
Thực trạng thị trường lao động ngành kế toán, kiểm toán của nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với các cơ sở đào tạo, đó là phải nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh. Nâng cao chất lượng đầu ra cho nguồn nhân lực ngành kế toán, kiểm toán, đảm bảo sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập là bài toán đặt ra đối với các trường đại học, đặc biệt là việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập. Bài viết gợi mở cách tiếp cận việc ứng dụng thành tựu của quản trị học vào hoạt động đào tạo – thông qua việc phân tích chuỗi giá trị trong đào tạo...
Bản chất của phân tích chuỗi giá trị trong hoạt động đào tạo
Định nghĩa chuỗi giá trị lần đầu tiên được công bố trong một cuốn sách Best-seller năm 1985 có tựa đề: Competitive Advantage: Creating and Sustaining Superior Performance của Michael Porter-người đã dùng nó để làm sáng tỏ việc các công ty làm thế nào để có thể đạt được cái mà ông gọi là “lợi thế cạnh tranh”, bằng cách tăng thêm giá trị cho sản phẩm trong tổ chức của họ.
Theo M.Porter, chuỗi giá trị bao gồm một chuỗi các hoạt động được thực hiện trong phạm vi một công ty để sản xuất ra một sản phẩm nào đó. Do vậy, các công ty tìm kiếm lợi thế và nâng cao sức thế cạnh tranh bằng cách tách biệt các hoạt động của công ty thành một chuỗi các hoạt động và lợi thế cạnh tranh được tìm thấy ở một (hay nhiều hơn) của các hoạt động này.
Thực tiễn, hoạt động đào tạo tại các trường đại học cũng là làm tăng thêm giá trị được yêu cầu, cung cấp cho thị trường lao động những sản phẩm hoặc dịch vụ đào tạo với chất lượng cao thông qua các giai đoạn như: Xác định nhu cầu đào tạo; Lập kế hoạch đào tạo; Thực hiện đào tạo; Chuyển giao kết quả đào tạo và Đánh giá chương trình đào tạo. Do đó, phân tích chuỗi giá trị hoạt động đào tạo được sử dụng để đánh giá các hoạt động bên trong, ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và liên hệ với khả năng của nhà trường để cung cấp sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao cho xã hội. Các nội dung của phân tích chuỗi giá trị trong đào tạo, gồm các bước sau:
Bước 1: Xác định chuỗi giá trị cần phân tích
Trước khi tiến hành phân tích chuỗi giá trị trong đào tạo, nhà trường cần lựa chọn sản phẩm, dịch vụ nào để phân tích. Ví dụ, phân tích chất lượng sinh viên hệ đại học hay sau đại học, hệ đào tạo, hoạt động đào tạo hay các dịch vụ tư vấn mà trường cung cấp, sinh viên ngành Kế toán hay ngân hàng… Sau đó, xác định mục tiêu của việc phân tích chuỗi giá trị.
Ở góc nhìn quản trị hoat động đào tạo, việc phân tích chuỗi giá trị đề cập đến cơ cấu các mối quan hệ và cơ chế điều phối tồn tại giữa các bên tham gia trong chuỗi giá trị để qua đó nâng cao hiệu quả của hoạt động quản trị chuỗi. Ở góc độ chính sách, có thể hiểu phân tích chuỗi giá trị là việc xây dựng, điều chỉnh, sắp xếp thể chế chính sách nhằm nâng cao năng lực của chuỗi giá trị. Cuối cùng là xác định phạm vi phân tích trong chuỗi giá trị.
Bước 2: Lập sơ đồ chuỗi giá trị
Lập sơ đồ chuỗi giá trị là sử dụng những công cụ phân tích để hiểu sâu hơn về những thông tin của chuỗi giá trị được phân tích. Để làm được công việc này, khi nghiên cứu chuỗi giá trị cần tập trung vào công việc sau:
Một là, nhận diện các quá trình trong chuỗi giá trị đào tạo. Tức là phân tích để tìm hiểu xem chuỗi giá trị đào tạo gồm những quá trình nào? Mỗi quá trình gồm những hoạt động cụ thể nào? Và thiết lập sơ đồ cho các hoạt động đó.
Hai là, xác định các đối tượng tham gia quá trình đào tạo và các hinh thức liên kết. Khi các quá trình hoạt động đã được lập thành sơ đồ, nhà trường cần xác định chủ thể tham gia chuỗi giá trị là những đối tượng nào và họ làm những công việc gì? Giữa các đối tương đó có những mối liên kết nào? Xác định nguyên nhân của những liên kết này cũng như là lợi ích mà những liên kết này mang lại.
Ba là, xác định những sản phẩm dịch vụ được tạo ra trong chuỗi giá trị. Đây là công việc cần thiết nhằm đánh giá việc đóng góp của mỗi một quá trình/công đoạn vào giá trị của sản phẩm đào tạo cuối cùng cũng như tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo.
Bốn là, lập sơ đồ dòng luân chuyển sản phẩm hay dịch vụ đào tạo ra thị trường sử dụng lao động. Trong nội dung này, nhà trường cần lập một khảo sát thực tế theo dấu chân sản phẩm hoặc dịch vụ của chuỗi giá trị đào tạo cung cấp ra thị trường. Sơ đồ này giúp nhà trường thấy được sự khác biệt về mặt nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường trong các ngành, lĩnh vực, khu vực địa lý khác nhau trong từng thời kỳ để có thể dự báo nhu cầu, xu hướng đào tạo trong tương lai của nhà trường. Khi phân tích chuỗi giá trị, cần lập sơ đồ các khâu/các lĩnh vực và mối liên kết chính trong mỗi khâu hay lĩnh vực đó; Chỉ ra các tác nhân chính, nút thắt chính trong chuỗi giá trị để đưa ra can thiệp hợp lý.
Bước 3: Phân tích chuỗi giá trị
Sau khi đã lập sơ đồ chuỗi giá trị, cần phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố trong chuỗi giá trị với mục tiêu của chuỗi trên một số khía cạnh thông qua các chỉ tiêu đánh giá về tính kinh tế, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực trong mối liên hệ với chất lượng của sản phẩm được tạo ra. Quá trình phân tích chuỗi giá trị còn đề cập đến môi trường xung quanh chuỗi giá trị, để việc phân tích trở nên toàn diện và đưa ra được một cái nhìn tổng quan về các yếu tố tác động đến giá trị trong từng quá trình/công đoạn cũng như là toàn bộ chuỗi.
Bước 4: Rút ra các kết luậnvà tìm kiếm các giải pháp tương lai
Việc phân tích chuỗi giá trị là để phục vụ một mục đích nào đó của nhà trường trong từng thời kỳ như là phân phối lợi ích thích hợp giữa các bộ phận tham gia chuỗi giá trị; hoặc đổi mới và nâng cấp quy trình thực hiện chuỗi giá trị; hay tìm ra những khó khăn của các giai đoạn hay bộ phận trong việc tham gia chuỗi giá trị và hướng giải quyết cho các bộ phận, giai đoạn đó thông qua xây dựng chiến lược hoạt động cho các bộ phận, giai đoạn đó…Vì vậy, sau khi phân tích chuỗi giá trị nhà trường cần rút ra những kết luận nhằm tạo cơ sở cho những giải pháp được đề xuất của mình.
Lợi ích từ việc phân tích chuỗi giá trị
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay với sự cạnh tranh mạnh mẽ về nguồn nhận lực, đặc biệt là nhân lực kế toán, kiểm toán thì việc vận dụng phân tích các chuỗi giá trị vào trong đào tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích không chỉ đối với các cơ sở đào tạo, mà cả đối với nền kinh tế khi chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, sức cạnh tranh của các trường được khẳng định.
Lợi ích đối với các đơn vị đào tạo
Phân tích chuỗi giá trị giúp các trường xác định và hiểu chi tiết hơn điểm mạnh, điểm yếu của các giai đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm đào tạo của mình từ đó có thể xác định được lợi thế cạnh tranh đang nằm ở giai đoạn nào để có chiến lược đối với sự phát triển sản phẩm dựa trên lợi thế cạnh tranh sẵn có. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế, áp lực cạnh tranh cao thì phân tích chuỗi giá trị thực sự là hữu ích đối với các trường đại học trong giai đoạn hiện nay.
Việc phân tích chuỗi giá trị cũng là cơ hội đánh giá lại năng lực của các nhà trường, trong đó có năng lực của bộ máy quản trị các cấp trong nhà trường. Việc hiểu rõ chuỗi giá trị giúp nhà trường hoàn thiện hay nâng cấp những hoạt động đào tạo của mình. Trên cơ sở hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các yếu tố có liên quan đến chuỗi giá trị tìm kiếm những nhân tố chủ chốt trong chuỗi giá trị ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo từ đó tìm ra những giải pháp phù hợp trong tương lai nhằm cải thiện hiệu quả của hoạt động đào tạo. Điều này phù hợp với cơ chế tự chủ về tài chính hiện nay của các trường đại học.
Phân tích chuỗi giá trị giúp nhà trường thực hiện việc phân phối thu nhập hợp lý. Để có được những đánh giá khách quan về sự đóng góp của các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, việc phân tích chuỗi giá trị là cách duy nhất để có được những thông tin đó.
Hơn nữa, một phân tích chuỗi giá trị làm sáng tỏ việc các chủ thể tham gia vào các công đoạn của chuỗi như thế nào. Trong bối cảnh hiện nay, khi mức độ tham gia của các trường trên các thị trường lao động thay đổi do thị trường xáo trộn, thì việc xem xét những mối liên kết này thực sự cần thiết và là cơ sở để đưa ra những quyết định chiến lược về việc thâm nhập, gìn giữ hay phát triển thị trường đào tạo của từng trường.
Lợi ích đối với kinh tế - xã hội
Góp phần hình thành một văn hoá hợp tác toàn diện trong quy trình đào tạo có sự kết hợp giữa nhiều đối tượng từ gia đình đến nhà trường, doanh nghiệp, nhà nước, xã hội, tổ chức quốc tế, từ đó giúp cho nền kinh tế xã hội sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của mình thông qua tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và tăng cường khả năng hội nhập của nền kinh tế, mang tới một môi trường kinh doanh đào tạo lành mạnh, với triết lý giáo dục bền vững các bên cùng có lợi. Chuỗi giá trị góp phần nâng cao sản phẩm dịch vụ tới người học và người sử dụng lao động đưa người học, người sử dụng lao động thành trung tâm của các hoạt động đào tạo.
Một số khuyến nghị nâng cao chất lượng đào tạo
Để có thể áp dụng phân tích chuỗi giá trị cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cần triển khai một số công việc cơ bản như:
Thứ nhất, nghiêm túc phân tích chuỗi giá trị cho những sản phẩm của mình để có thể nhận rõ thực trạng chuỗi giá trị của nhà trường, cũng như chuỗi giá trị sản phẩm cạnh tranh của nhà trường để có chiến lược đầu tư cho phù hợp.
Thứ hai, trong từng chuỗi giá trị sản phẩm nhận rõ những khâu, những bộ phận hiện đang yếu kém cần tăng cường các biện pháp gia tăng giá trị cho nó. Nhân thức rõ những nguyên nhân yếu kém đến từ những nhân tố chủ yếu nào?
Thứ ba, tìm kiếm và triển khai áp dụng các công cụ, mô hình quản trị hiện đại và phù hợp với những khâu những bộ phận hiện đang yếu kém để cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ phận đó và gia tăng giá trị cho sản phẩm. Đặc biệt, chú ý những khâu ảnh hưởng lớn đến sự gia tăng giá trị của sản phẩm quyết định lợi thế canh tranh của nhà trường;
Thứ tư, trong quá trinh áp dụng những mô hình, công cụ quản trị hiện đại cần xem xét tới những nhân tố ảnh hưởng bên trong và bên ngoài, những nhân tố trước mắt, lâu dài cho việc cải thiện giá trị của sản phẩm đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Thứ năm, tuyên truyền và có biện pháp kiểm soát đối với từng bộ phận, đối tác tham gia chuỗi giá trị để đảm bảo rằng mục tiêu của chuỗi giá tri sẽ được các bộ phận, đối tác nắm rõ và luôn phát huy được đúng vai trò của từng bộ phận đó trong từng chuỗi;
Thứ sáu, thiết lập lộ trình cho các công việc đó nhằm đảm bảo các công việc được triển khai thực sự không mang tính hình thức, hay đảm bảo tính tổng thể của biện pháp tránh tình trạng việc cải thiện giá trị chỉ có tính chất cục bộ.
Có thể nói, việc áp dụng phân tích chuỗi giá trị là hết sức cần thiết nhằm cung cấp cho các trường một cách tiếp cận giải quyết mang tính tổng thể, toàn diện, chiến lược. Những giải pháp cụ thể khi ứng dụng chuỗi giá trị này sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng trường, do đó mỗi trường đại học cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa cho các nội dung của phân tích chuỗi giá trị cho những sản phẩm đào tạo của chính mình, để có thể tìm ra những giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như khả năng cạnh trạnhtrên thị trường cả trong nước và quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kế toán, kiểm toán theo yêu cầu hội nhập” – Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam;
2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong điều kiện hội nhập, tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới” – Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội;
3. Giáo trình Phân tích chuỗi giá trị của Chương trình đào tạo kinh tế Fulbright.