Hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam theo cam kết hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Kế toán trong đó, dành riêng một mục để quy định về vấn đề này.
Việc ban hành các quy định mới này được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để doanh nghiệp nước ngoài có thể triển khai mở rộng kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam. Bài viết chỉ rõ những cơ hội, thách thức và khái quát một số điểm mới đáng chú ý để các doanh nghiệp nắm rõ thực hiện khi mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp
Quy định về cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các doanh nghiệp (DN), tổ chức tại Việt Nam theo Nghị định số 174/2016/NĐ-CP của Chính phủ là một bước quan trọng trong lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán đã được Chính phủ cam kết. Sự kiện này mở ra cơ hội cũng như thách thức cho các đối tượng liên quan, cụ thể:
Về cơ hội
Một là, khuôn khổ pháp lý về kế toán cơ bản hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.
Cụ thể, nước ta hiện đã có khuôn khổ pháp lý kế toán hoàn thiện, gồm Luật Kế toán sửa đổi 2015 và Nghị định số 174/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Kế toán, đều bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, mở đường để các DN tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, Nghị định 174/2016/NĐ-CP cũng làm rõ các quy định về thủ tục, điều kiện kinh doanh tạo thuận lợi.
Chẳng hạn, về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới, khi muốn tham gia cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam, các DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới chỉ cần gửi 01 bộ hồ sơ quy định về Bộ Tài chính.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới cho DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do...
Hai là, mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp, việc làm đối với DN kế toán, kiểm toán, người hành nghề kế toán, kiểm toán Việt Nam, tạo điều kiện vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Theo quy định, các DN nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ kế toán cho các DN, tổ chức tại Việt Nam cần phải liên danh với DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật.
Như vậy, sự đổi mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nhân lực trình độ cao của Việt Nam được tham gia cộng tác và làm việc với các đối tác nước ngoài, qua đó góp phần đào tạo thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, giúp phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Ba là, do thị trường dịch vụ kế toán của Việt Nam còn nhiều tiềm năng, phát triển nên thu hút ngày càng nhiều các DN, hãng kế toán, kiểm toán lớn vào Việt Nam. Dịch vụ kế toán ở Việt Nam hiện đang được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với các DN cung cấp dịch vụ kế toán trong và ngoài nước.
Do Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ngày càng nhiều, mở ra cơ hội đầu tư kinh doanh của các DN nước ngoài nên nhu cầu về dịch vụ kế toán của các DN nghiệp liên doanh hoặc DN FDI dự báo sẽ ngày càng cao.
Trong khi các DN cung cấp dịch vụ kế toán trong nước chưa tạo được niềm tin cho đối tác này hoặc đang vướng những rào cản nhất định thì đây chính là “miếng bánh” hấp dẫn cho các DN cung cấp dịch vụ kế toán nước ngoài để mở rộng thị phần.
Ở một góc nhìn khác, đây cũng lại là cơ hội cho các DN trong nước nâng cao sức cạnh tranh để có thể đủ sức cạnh tranh cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác liên danh cùng các đối tác nước ngoài để khuếch trương thương hiệu, mở rộng thị phần.
Bốn là, tận dụng được nguồn nhân lực giá rẻ, chất lượng cao của Việt Nam. Hiện nay, nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán tại Việt Nam khá dồi dào do hầu hết các trường đại học kinh tế tài chính đều đào tạo chuyên ngành kế toán, kiểm toán.
Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, các công ty kiểm toán, kế toán hàng đầu trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam, cung cấp các khóa học với các chứng chỉ quốc tế nên nguồn nhân lực kế toán tại Việt Nam khá dồi dào.
Bên cạnh đó, so với mặt bằng chung của các quốc gia trong khu vực và thế giới, chi phí để thuê nguồn nhân lực này cũng tương đối rẻ, do vậy, lợi nhuận thu được của các DN cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam cũng sẽ cao hơn.
Năm là, cơ hội để thị trường dịch vụ kế toán ở nước ta phát triển ở tầm cao mới. Nhiều năm qua, Việt Nam chủ trương mở rộng hội nhập, thu hút DN nước ngoài tham gia đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN cung cấp dịch vụ kế toán nước ngoài tại Việt Nam theo cam kết quốc tế là minh chứng rõ nhất.
Để thị trường dịch vụ kế toán phát triển ở tầm cao mới cũng như các DN trong nước tận dụng được cơ hội này, các DN cần chú trọng đào tạo, cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế cho đội ngũ nhân viên và quản lý nòng cốt, cùng với đó xây dựng một chính sách tiền lương và đãi ngộ tương xứng với năng lực và đóng góp của từng cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Về thách thức
Bên cạnh những cơ hội, việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam cũng tạo ra không ít thách thức cho các bên liên quan:
Một là, kiểm soát chất lượng cung cấp dịch vụ kế toán sẽ khó khăn hơn. Đây là thách thức không nhỏ của cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, hàng năm, Bộ Tài chính đều có các đợt kiểm tra việc cung cấp dịch vụ kế toán trong nước, tuy nhiên, số lượng các đợt kiểm tra này chưa nhiều, từ khoảng 15-20 DN.
Với việc cho phép các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam, để đáp ứng được nhiệm vụ được giao, thì yêu cầu đặt ra các cuộc kiểm tra ngày càng cao hơn, đặc biệt là về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong bối cảnh số lượng cán bộ kiểm tra tham gia ít.
Hai là, điều kiện kinh doanh tương đối khắt khe. Theo Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có đủ một số điều kiện cần thiết mới được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam.
Chẳng hạn như DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi DN này đặt trụ sở chính; Có văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức nghề nghiệp nơi DN nước ngoài đóng trụ sở chính xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong thời hạn 3 năm trước thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới...
Bên cạnh đó, DN này cũng không bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam…
Ba là, cạnh tranh cung cấp dịch vụ kế toán ngày càng khắc nghiệt. Có thể nói, mở cửa hội nhập đang tạo ra sự cạnh tranh khắc nghiệt trong việc cung cấp dịch vụ kế toán.
Một trong những yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi trong cuộc cạnh tranh này là chất lượng dịch vụ kế toán mà các DN cung cấp. Do vậy, nếu các DN không quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ, đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì khó có thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài.
Bốn là, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Cho dù hiện nay, nguồn nhân lực tại Việt Nam đã được quan tâm và số lượng đào tạo hàng năm khá lớn nhưng nhìn chung nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như yêu cầu khắt khe của các đối tác nước ngoài.
Đây là thách thức không nhỏ của Việt Nam, bởi chúng ta có thể mất cơ hội trong bối cảnh hiện nay việc di chuyển hoặc thuê lao động nước ngoài có trình độ đang ngày càng phổ biến.
Một số điểm mới về cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
Do các quy định về cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam mới bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 1/1/2017 nên hiện nay các DN nước ngoài cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN nước ngoài khi tham gia cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam, bài viết giới thiệu một số điểm mới về cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới của DN, cụ thể:
- Đối tượng được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
Theo Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam là việc DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài không có sự hiện diện thương mại tại Việt Nam nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ kế toán cho các DN, tổ chức tại Việt Nam.
Đối tượng được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam phải là các DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài có quốc tịch tại quốc gia thành viên của WTO hoặc của quốc gia, vùng lãnh thổ mà có điều ước quốc tế với Việt Nam về việc được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
Nghị định số 174/2016/NĐ-CP cũng quy định rõ, việc thực hiện công việc kế toán tập trung theo chính sách chung trong Tập đoàn của DN nước ngoài cho công ty mẹ và các công ty con khác trong cùng tập đoàn hoạt động tại Việt Nam không được coi là hoạt động cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới.
Trong trường hợp này, đơn vị kế toán tại Việt Nam không được coi là thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng, phụ trách kế toán theo quy định tại Nghị định số 174/2016/NĐ-CP và kế toán trưởng, người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán tại Việt Nam phải chịu trách nhiệm toàn bộ về số liệu và thông tin tài chính kế toán của đơn vị tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
Theo Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải có đủ một số điều kiện cần thiết mới được đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới cho các DN, tổ chức tại Việt Nam, cụ thể:
+ DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi DN này đặt trụ sở chính.
+ Có văn bản của cơ quan quản lý hành nghề dịch vụ kế toán nơi DN nước ngoài đóng trụ sở chính xác nhận không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong thời hạn 3 năm trước thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới.
+ Có ít nhất 02 người được Bộ Tài chính Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trong đó có người đại diện theo pháp luật của DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài.
+ Có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kế toán viên hành nghề tại Việt Nam.
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng tính đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
Ngoài ra, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam sau khi đã đăng ký và được Bộ Tài chính Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
Đồng thời, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài phải luôn duy trì các điều kiện quy định để được đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới trong suốt thời hạn có hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
Khi không đảm bảo một trong các điều kiện đó, đi kèm với các văn bản hết hiệu lực, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày không còn đủ điều kiện theo quy định.
- Phương thức cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam khi thực hiện liên danh với DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật.
Liên danh trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam là tổ hợp giữa DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài với DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam nhưng không hình thành pháp nhân mới để cung cấp dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
Đồng thời, chỉ có DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam bảo đảm đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán quy định tại Điều 60 Luật Kế toán và Nghị định này, đã có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán mới được liên danh với DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài và DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam phải lập Hợp đồng liên danh về việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới. Hợp đồng liên danh phải phân định rõ trách nhiệm của các bên trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới.
DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài, DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam khi liên danh để cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phải giao kết Hợp đồng dịch vụ kế toán với đơn vị thuê dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hợp đồng dịch vụ kế toán phải có đầy đủ chữ ký người đại diện theo pháp luật của DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài, DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam và đơn vị thuê dịch vụ kế toán.
DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài, DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam tham gia hợp đồng liên danh cung cấp dịch vụ kế toán phải cử một kế toán viên hành nghề phụ trách phần dịch vụ kế toán thuộc trách nhiệm của DN mình trong hợp đồng dịch vụ kế toán. Hợp đồng dịch vụ kế toán, hợp đồng liên danh, hồ sơ dịch vụ kế toán phải lập đồng thời bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến phí cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng hoạt động theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam.
- Trách nhiệm của DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
DN phải bố trí nhân sự để bảo đảm chất lượng dịch vụ kế toán; Tuân thủ quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán tại Điều 25 Nghị định này và các quy định khác có liên quan tại Luật Kế toán như: Không đủ năng lực chuyên môn hoặc không đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ kế toán; Thực hiện những công việc không đúng với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp hoặc không đúng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán, tài chính…
Bên cạnh đó, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phải tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam khi thực hiện cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác có liên quan đến cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế của Việt Nam.
Định kỳ 6 tháng một lần, báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phát sinh trong kỳ tại Việt Nam theo mẫu báo cáo do Bộ Tài chính quy định; Cử người có trách nhiệm, đại diện cho DN báo cáo, giải trình cho các cơ quan chức năng của Việt Nam về hợp đồng dịch vụ kế toán, hồ sơ dịch vụ kế toán và các vấn đề khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam.
Trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, DN nộp cho Bộ Tài chính báo cáo tài chính hàng năm và văn bản nhận xét, đánh giá của cơ quan quản lý hành nghề dịch vụ kế toán nơi DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đóng trụ sở chính về tình hình thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ kế toán và các quy định pháp luật khác. DN Thực hiện các quyền, nghĩa vụ của DN kinh doanh dịch vụ kế toán quy định tại Nghị định này và tuân thủ các quy định tại Luật Kế toán và các quy định pháp luật khác có liên quan của Việt Nam.
- Trách nhiệm của DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam có tham gia liên danh để cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới
Theo Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, DN kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam có tham gia liên danh với DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ cung cấp dịch vụ kế toán đã thực hiện liên danh để cung cấp cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả cung cấp dịch vụ kế toán và có trách nhiệm giải trình với các cơ quan chức năng về kết quả cung cấp dịch vụ kế toán, hồ sơ cung cấp dịch vụ kế toán và các vấn đề khác phát sinh từ việc liên danh với DN dịch vụ kế toán nước ngoài để cung cấp dịch vụ kế toán.
DN báo cáo Bộ Tài chính định kỳ 6 tháng một lần về tình hình thực hiện liên danh với DN dịch vụ kế toán nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới phát sinh trong kỳ theo mẫu báo cáo do Bộ Tài chính quy định. Các DN này cũng phải chịu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán hàng năm theo quy định của Bộ Tài chính.
- Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam
Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định rõ, hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam bao gồm 4 thủ tục sau: Tài liệu chứng minh về việc DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật của nước nơi DN dịch vụ kế toán nước ngoài đặt trụ sở chính; Bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi DN dịch vụ kế toán nước ngoài đóng trụ sở chính về việc không vi phạm các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán và quy định pháp luật khác của nước ngoài trong thời hạn 3 năm trước thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới; Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán do Bộ Tài chính cấp cho các kế toán viên hành nghề trong đó có người đại diện theo pháp luật của DN; Tài liệu chứng minh về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các kế toán viên hành nghề tại Việt Nam.
Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới, DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới gửi đến Bộ Tài chính 01 bộ hồ sơ gồm 4 tài liệu vừa nêu.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới cho DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài. Trường hợp từ chối, Bộ Tài chính phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo quy định của Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán qua biên giới, mẫu báo cáo về việc cung cấp dịch vụ kế toán qua biên giới tại Việt Nam của DN kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài.
- Một số quy định liên quan khác
Nghị định số 174/2016/NĐ-CP cũng có một số quy định liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ có yếu tố nước ngoài, cụ thể:
Về ngoại tệ khi giao dịch: Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, đơn vị kế toán phải đồng thời theo dõi nguyên tệ và quy đổi ra VND để ghi sổ kế toán trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với VND thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ khác có tỷ giá hối đoái với VND và ngoại tệ cần quy đổi.
Đơn vị kế toán có các nghiệp vụ kinh tế phát sinh chủ yếu bằng một loại ngoại tệ thì được tự lựa chọn loại ngoại tệ đó làm đơn vị tiền tệ trong kế toán, chịu trách nhiệm về lựa chọn đó trước pháp luật và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Tỷ giá quy đổi ngoại tệ ra đơn vị tiền tệ trong kế toán và chuyển đổi báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang VND được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về chứng từ kế toán: Các chứng từ kế toán ghi bằng tiếng nước ngoài khi sử dụng để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính ở Việt Nam phải được dịch các nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Kế toán ra tiếng Việt. Đơn vị kế toán phải chịu trách nhiệm về tính chính xác và đầy đủ của nội dung chứng từ kế toán được dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.
Bản chứng từ kế toán dịch ra tiếng Việt phải đính kèm với bản chính bằng tiếng nước ngoài. Các tài liệu kèm theo chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài như các loại hợp đồng, hồ sơ kèm theo chứng từ thanh toán, hồ sơ dự án đầu tư, báo cáo quyết toán và các tài liệu liên quan khác của đơn vị kế toán không bắt buộc phải dịch ra tiếng Việt trừ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán;
2. Bộ Tài chính, Nghị định số 174/2016/NĐ-CP ngày 30/12/2016 quy định một số điều của Luật Kế toán;
3. Một số website: mof.gov.vn, vaa.net.vn, thuvienphapluat.vn…