Phân tích SWOT - Tài chính xanh trong chiến lược xanh hóa nền kinh tế
Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh, trong việc phát triển nền kinh tế chi phí thấp, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu phát thải nhà kính. Dựa trên phân tích về phát triển tài chính ngân hàng, bài viết xây dựng mô hình phân tích SWOT về phát triển tài chính xanh của ngân hàng từ những thuận lợi, thách thức và cơ hội thực tiễn tài chính xanh trong chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, từ đó đưa ra kiến nghị chiến lược tăng tốc tài chính xanh trong ngành Ngân hàng.
Vấn đề chung về tài chính xanh
Tài chính xanh còn được gọi là tài chính về môi trường, tài chính bền vững. Năm 2000, “Từ điển truyền thống của Mỹ” - Ấn bản thứ 4 định nghĩa, tài chính môi trường là một phần của nền kinh tế môi trường, nghiên cứu cách sử dụng các công cụ tài chính đa dạng để bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo góc độ các ngân hàng thương mại (NHTM), tác giả xác định tài chính xanh là sự xem xét toàn diện về lợi ích, chi phí, rủi ro và các yếu tố bên ngoài mang lại bởi các yếu tố môi trường trong quá trình ra quyết định đầu tư và các hoạt động quản lý tài chính để đạt được một nền kinh tế xanh và dựa trên một hệ sinh thái tài chính phát triển bền vững.
Xây dựng hệ thống tài chính xanh gồm tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, quỹ xanh, bảo hiểm xanh nhằm huy động và khuyến khích nguồn lực xã hội để đầu tư vào các ngành sản xuất xanh; đồng thời giảm bớt các khoản đầu tư gây ô nhiễm môi trường.
Xây dựng một hệ thống tài chính xanh sẽ không chỉ giúp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh ở nước ta, hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái xanh cũng như góp phần thúc đẩy tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, năng lượng mới và bảo tồn năng lượng mà còn đẩy mạnh việc phát triển các điểm tăng trưởng kinh tế mới và tăng cường tiềm năng tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tài chính xanh có hai chức năng chính: Thúc đẩy sự phát triển của các ngành “sản xuất xanh” và bảo vệ môi trường tự nhiên. Chỉ bằng cách kết hợp sản xuất và tài chính chúng ta mới có thể thực hiện được một nền kinh tế xanh. Việc thực hiện nền kinh tế xanh là cách duy nhất để đạt được một xã hội tiết kiệm tài nguyên và một xã hội thân thiện với môi trường.
Phân tích SWOT phát triển tài chính xanh của các ngân hàng quốc doanh
Những điểm mạnh
- Nền tảng kinh doanh tốt: Trong một thời gian dài, các NHTM quốc doanh đã phục vụ các doanh nghiệp (DN) lớn trong các ngành công nghiệp như: thép, than, máy móc dệt, điện và nông lâm ngư nghiệp. Cán cân tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở các khu vực này đã vượt qua các ngân hàng khác.
Hiện nay, các DN vẫn là khách hàng mục tiêu quan trọng của ngân hàng để phát triển tài chính xanh. Các dự án chuyển đổi quy trình công nghiệp thép, các công ty điện lực mới, các dự án năng lượng mới, nông nghiệp công nghệ cao, sẽ tạo nền móng vững chắc cho tài chính xanh.
- Khả năng đổi mới sản phẩm mạnh mẽ: Những năm gần đây, các NHTM quốc doanh đã có bước đột phá lớn trong việc thu hút những tài năng khoa học công nghệ và trong việc đổi mới các sản phẩm tài chính (từ việc tại trụ sở chính ngân hàng đã thành lập trung tâm đổi mới sản phẩm, thu hút của tài năng cao cấp, tối ưu hóa quy trình kinh doanh, sáng tạo ra sản phẩm tài chính mới).
Các NHTM quốc doanh với nguồn lực lớn sẽ có ưu thế. Việc đánh giá chính xác các dự án tài chính xanh, để phân tích cân bằng cả chi phí và lợi ích đều đòi hỏi phải thành lập các phòng ban chuyên môn, chiêu mộ các chuyên gia và đầu tư nguồn nhân lực khổng lồ cùng các nguồn lực vật chất cho việc nghiên cứu...
Những điểm yếu
- Nhận thức về tài chính xanh vẫn chưa được thống nhất: Mặc dù, các NHTM quốc doanh đã có những nỗ lực mạnh mẽ để triển khai ở cấp sở, như thành lập các phòng ban đặc biệt hoặc các ban chuyên trách để thúc đẩy việc phổ biến kinh doanh tài chính xanh, song việc triển khai vẫn chậm.
Việc thực hiện tài chính xanh của các NHTM quốc doanh lớn đều có sự phát triển không cân bằng giữa các khu vực. Các ngân hàng cũng thiếu cơ chế hợp tác liên ngành, cơ chế động lực cho các ngân hàng cũng như DN phát triển tín dụng xanh; Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng...
- Thiếu mô hình phân tích “rủi ro và lợi nhuận” thống nhất hiệu quả: Là một mô hình kinh tế mới, phần lớn các NHTM hướng đến tài chính xanh khi so với các dịch vụ ngân hàng truyền thống về sự đảm bảo trong lợi nhuận có nhiều điều không chắc chắn. Các ngân hàng thiếu các quy định về thẩm định, hệ thống tiêu chí và cơ chế đánh giá, quản lý rủi ro trong khi các dự án xanh đều sử dụng ngồn vốn lớn trong thời gian dài...
Những cơ hội
- Hỗ trợ chính sách của quốc gia: Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh quy định tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg.
Ngày 24/03/2015, NHNN ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đòi hỏi các NHTM cần đẩy mạnh tín dụng xanh từ góc độ chiến lược, tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế xanh, nền kinh tế carbon thấp tối ưu hóa cơ cấu tín dụng, nâng cao chất lượng dịch vụ, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển tăng trưởng xanh.
Đầu năm 2017, NHNN ban hành Chỉ thị số 01/2017/CT-NHNN tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020... Điều này không chỉ cho thấy, Nhà nước khuyến khích các NHTM thực hiện tài chính xanh, mà các bộ, ngành liên quan cũng nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách tạo điều kiện cho tài chính xanh.
- Nhu cầu tài chính xanh ngày một lớn: Nhu cầu về nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh hiện không nhỏ, ước tính Việt Nam cần tới 30 tỷ USD và cam kết của Chính phủ thông qua hỗ trợ ngân sách quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cần phải huy động nguồn lực từ chính hệ thống NHTM, khu vực tư nhân, đặc biệt từ nguồn đầu tư nước ngoài song song với hỗ trợ quốc tế.
Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cũng đã nêu rõ: 70% kinh phí tăng trưởng xanh sẽ được huy động từ khu vực tư nhân, bên cạnh nguồn ODA đầu tư cho các dự án tăng trưởng xanh. Hiện tại, phần lớn nguồn vốn tín dụng tài trợ cho các dự án xanh chủ yếu dựa vào nguồn vốn tài trợ, sự đóng góp của các ngân hàng rất nhỏ bé trong khi nền kinh tế xanh có nhiều tiềm năng phát triển những ngành nghề mới như du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường…
- Ngân hàng đang đẩy mạnh tự chuyển đổi và phát triển: Chuyển hướng chú trọng đầu tư tài chính xanh, ngân hàng có thể thực hiện sự khác biệt hóa. Cho đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nào ở vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này. Khởi động tài chính xanh càng sớm càng tốt, sẽ không chỉ mở rộng nguồn lợi nhuận mới của các ngân hàng mà còn quan trọng hơn là thúc đẩy đổi mới và tối ưu hóa các ngân hàng trong việc chuyển đổi kinh doanh tín dụng, tối ưu hóa cơ cấu tổ chức, quản lý rủi ro và quản lý khách hàng...
Những thách thức
- Các luật và chính sách liên quan không hoàn hảo: Dù hầu hết các ngân hàng đang bắt đầu quan tâm đến tài chính xanh nhưng Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một hệ thống pháp luật tài chính xanh hoàn chỉnh và vẫn còn hạn chế trong các ngưỡng tiếp cận tài chính xanh, thủ tục hoạt động, giám sát quản lý và chính sách hỗ trợ. Một số NHTM thường không chấp nhận rủi ro vì thiếu hoặc không chắc chắn về các chính sách liên quan. Điều này đã hạn chế tốc độ phát triển tài chính xanh...
- Bất đối xứng về thông tin giữa NHTM và DN: Với các phương pháp điều tra hiện tại, rất khó để các ngân hàng có được “thông tin môi trường” thực sự của các DN. Ngược lại, phía DN có nhu cầu lại thiếu các thông tin về các sản phẩm tín dụng xanh của ngân hàng. Thời gian xin cấp tín dụng xanh dài, các thủ tục vay vốn phức tạp; Thiếu tài sản đảm bảo do hầu hết các DN đều là các DN nhỏ và vừa...
- Thiếu quy trình và tiêu chuẩn thống nhất trong đánh giá dự án: Khi đánh giá một dự án trong ngành sản xuất xanh, hiện chưa có một quy trình tiêu chuẩn hóa hoàn chỉnh, nước ta chưa có bộ chỉ số chi tiết đối với những “DN xanh” để ràng buộc và phân loại...
Một số khuyến nghị
- Xây dựng một tiêu chí đánh giá thống nhất: Đề nghị các cơ quan nhà nước có liên quan và các tổ chức tài chính hợp tác để phát triển một bộ tiêu chí đánh giá thống nhất và có hiệu quả. Thiết lập mô hình quản lý toàn bộ quy trình nghiệp vụ để hạn chế tối đa rủi ro nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính xanh. Xây dựng một danh mục các văn bản tuân thủ về rủi ro môi trường và xã hội.
- Thiết lập một chế độ trách nhiệm: Tùy theo các cấp độ phát triển kinh tế khác nhau ở các vùng, các cơ quan quản lý đặt ra các chỉ tiêu tài chính xanh khác nhau; Thiết lập một hệ thống khen thưởng- kỷ luật hiệu quả, tăng thêm các địa phương tích cực trong việc phát triển tài chính xanh.
- Xây dựng danh mục “DN xanh” quốc gia: Thông qua các cơ quan chuyên trách để quản lý, giám sát thông tin cơ bản về DN xanh. Cập nhật kịp thời danh sách DN và các sự kiện, thay đổi lớn quan trọng gắn với hệ thống tương quan có thể tra cứu, tìm kiếm dễ dàng. Giải quyết sự bất đối xứng thông tin giữa DN và ngân hàng, đặt ra bộ tiêu chuẩn đầu vào với DN muốn tiếp cận tín dụng xanh.
- Tăng cường nguồn nhân lực và đổi mới sản phẩm liên quan lĩnh vực tài chính xanh: Thiết lập bộ phận xúc tiến tài chính xanh chuyên trách và có cơ chế thưởng phạt hiệu quả. Từ trụ sở chính đến các chi nhánh, ở mọi cấp, đảm bảo tuyên truyền chính sách tài chính xanh cho người dân.
Tích cực thu hút các chuyên gia và bồi dưỡng đào tạo nhân lực chuyên môn hóa trong lĩnh vực này. Thành lập các phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm tài chính xanh, liên tục làm phong phú thêm các loại sản phẩm liên quan, phục vụ các DN chuyển đổi theo hướng xanh hóa, giúp phát triển nền kinh tế xanh của Việt Nam...
Tài liệu tham khảo:
1. Kỷ yếu hội thảo “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng DN” (2017);
2. Trần Thanh Thủy, Nguyễn Hồng Anh và Nguyễn Việt Dũng (2016), Chính sách môi trường trong hoạt động tín dụng của NHTM ở Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Hà Nội, Việt Nam;
3. Phạm Xuân Hòe (2015), Viện Chiến lược Ngân hàng, Hoàn thiện khung chính sách khuyến khích phát triển tín dụng xanh;
4. Roopa T N., Rajan N, and Suhasini (2012), “Green Finance-The Trends and opportunities”, Journal of Management & Entrepre- neurship Research, vol. 1, no. 2, pp. 239-248.