Pháp luật tài chính góp phần thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ


Hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đã có quá trình hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn. Song hành với quá trình xây dựng và hoàn thiện của hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, hệ thống các quy định pháp luật tài chính đối với sở hữu trí tuệ cũng ngày càng được hoàn thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính đối với sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, khuyến khích phổ biến và chuyển giao công nghệ, tăng cường các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sở hữu trí tuệ và hoàn thiện khung khổ pháp luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khái quát về pháp luật tài chính đối với sở hữu trí tuệ

Khung khổ pháp luật tài chính đối với sở hữu trí tuệ (SHTT) được hiểu là tổng thể các quy phạm pháp luật nhằm hỗ trợ, thúc đẩy cho sự phát triển SHTT, được phân định thành các nhóm quy phạm pháp luật tài chính liên quan chặt chẽ với nhau và được thể hiện dưới các hình thức khác nhau, do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận theo một trình tự, thủ tục nhất định.

Hiện nay, phạm vi của khung khổ pháp luật về tài chính đối với SHTT bao gồm hệ thống các quy định pháp luật trong các nhóm lĩnh vực bao gồm thuế, phí, lệ phí; hải quan; kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác cho SHTT; định giá đối với tài sản trí tuệ và quản lý, sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ hình thành từ ngân sách nhà nước. Nội dung từng chính sách tài chính nêu trên đều đã được thể chế hoá dưới các hình thức văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, đồng bộ, thống nhất, có giá trị pháp lý cao, trở thành nguyên tắc áp dụng bắt buộc chung cho tất cả các chủ thể có liên quan.

Trong đó, có rất nhiều nội dung chính sách tài chính đã được cụ thể hóa tại văn bản có giá trị pháp luật cáo nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam như là Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Hải quan, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật giá…

Thực trạng pháp luật tài chính đối với sở hữu trí tuệ

Kết quả đã đạt được trên từng lĩnh vực

Pháp luật tài chính đã có đóng góp, giữ vai trò quan trọng đối với việc hỗ trợ, tạo động lực phát triển cũng như bảo hộ với các tài sản trí tuệ, quyền SHTT ở Việt Nam thời gian qua. Cụ thể:

Thứ nhất, hệ thống pháp luật về thuế, phí, lệ phí đối với SHTT được ban hành, hoàn thiện theo lộ trình, vừa bảo đảm yêu cầu về hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống thuế theo hướng mở rộng các đối tượng chịu thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển sản xuất, đầu tư, đổi mới công nghệ cũng như có tác động trong chuyển dịch và thu hút, tập trung đầu tư tạo ra sản phẩm trí tuệ có giá trị kinh tế - xã hội. Theo đó, chính sách thuế, phí lệ phí đối với SHTT đã được nghiên cứu, thiết kế theo hướng đơn giản, thống nhất, dễ thực hiện đồng thời cũng lồng ghép một số quy định để khuyến khích hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (ví dụ Luật thuế giá trị gia tăng cho phép áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% đối với các dịch vụ khoa học và công nghệ, trong đó có các dịch vụ liên quan đến quyền SHTT trong khi mức thuế suất thuế giá trị gia tăng phổ thông là 10%…) vừa giữ vai trò đóng góp nguồn thu ổn định để tái đầu tư, hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án, chương trình trong lĩnh vực SHTT.

Thứ hai, hệ thống quy định pháp luật hải quan cơ bản đã đảm bảo đầy đủ, bao quát đối với SHTT, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo hộ quyền SHTT, bảo vệ các thành quả đầu tư, chống sao chép, chộp giật, lợi dụng uy tín của người khác, góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh và đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc thu hút đầu tư, phát triển thị trường. Hệ thống pháp luật về hải quan đã quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ có liên quan đến quyền SHTT bao gồm các quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát, tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến SHTT và xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT; nghiệp vụ kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu liên quan đến SHTT; quy trình, nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính liên quan đến SHTT trong lĩnh vực hải quan.

Thứ ba, cơ sở pháp lý về kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho khoa học và công nghệ nói chung và SHTT nói riêng ngày càng được hoàn thiện, chi tiết, cụ thể hơn, tạo cơ sở để quản lý, sử dụng nguồn kinh phí thực hiện hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và các hoạt động hỗ trợ phát triển SHTT một cách minh bạch, hiệu quả. Đặc biệt, thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã tạo bước đột phá, dịch chuyển lớn về quan điểm tiếp cận đối với hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ của cộng đồng, doanh nghiệp và các nhà khoa học. Cùng với đó, các quy định về thành lập và hoạt động của các quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia) đã được ban hành khá đầy đủ làm cơ sở để Quỹ phát huy vai trò, chức năng trong việc tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ, thúc đẩy cho các hoạt động nghiên cứu, đổi mới khoa học công nghệ đạt hiệu quả.

Thứ tư, đã hình thành được hệ thống pháp luật điều chỉnh khá đồng bộ, thống nhất về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng vốn nhà nước, trong đó có Luật Quản lý sử dụng tài sản công và hệ thống văn bản hướng dẫn. Qua đó, cơ bản đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý và xử lý, khai thác tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả. Điều này cũng thúc đẩy hoạt động sáng tạo, thương mại hóa các tài sản trí tuệ, đem lại lợi ích cho Nhà nước cũng như chủ thể đã sáng tạo nên các tài sản trí tuệ đó.

Thứ năm, pháp luật về giá đã có các quy định về định giá tài sản trí tuệ, trong đó đã hướng dẫn tương đối cụ thể về phạm vi đối tượng thẩm định giá, các phương pháp thẩm định giá tài sản vô hình, trong đó bao gồm tài sản trí tuệ. Trên cơ sở đó, các chủ thể có liên quan có thể áp dụng để xác định giá trị tài tản trí tuệ để thực hiện các giao dịch phát sinh liên quan đến SHTT; đồng thời là cơ sở để xác định thiệt hại, cũng như bồi thường cho các bên liên quan trong các trường hợp có tranh chấp liên quan đến tài sản trí tuệ… Mặt khác, các quy định về định giá đối với SHTT tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xác định giá trị các tài sản trí tuệ hình thành từ ngân sách nhà nước để thực hiện thương mại hóa các tài sản này, đem lại nguồn thu cho Nhà nước.

Một số tồn tại, hạn chế

Mặc dù các kết quả đạt được rất tích cực nhưng đặt trong bối cảnh chung của sự phát triển các tài sản trí tuệ, yêu cầu, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với loại tài sản trí tuệ cũng như yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế thì khung khổ pháp luật hiện hành về tài chính đối với SHTT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Một là, vẫn còn có một số nội dung chưa thực sự thống nhất giữa quy định tại hệ thống pháp luật chuyên ngành về SHTT và hệ pháp luật tài chính đối với SHTT, gây nên những cách hiểu khác nhau khi triển khai áp dụng trên thực tiễn. Bên cạnh đó, một số một số chính sách mới tại Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật SHTT năm 2022 đến nay vẫn chưa được chi tiết, cụ thể hóa từ góc độ tài chính.

Hai là, một số chính sách, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ liên quan đến SHTT còn chưa khả thi, chưa thực sự phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc khuyến khích và thúc đẩy, sáng tạo, chuyển giao, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ba là, một số quy định về tài chính đối với SHTT còn có nội dung chưa thực sự đầy đủ, trong đó có quy định về định giá tài sản trí tuệ. Các quy định hiện hành về định giá đối với tài sản trí tuệ còn mang tính nguyên tắc, chưa thực sự gắn với đặc thù của tài sản trí tuệ và hiện nay cũng chưa có cơ sở dữ liệu theo dõi về giá trị thị trường đối với loại tài sản này. Vì vậy, việc định giá các đối tượng của quyền SHTT (sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng, các tác phẩn văn học, nghệ thuật, khoa học…) còn nhiều khó khăn, trong nhiều trường hợp là không thực hiện được do đây là loại hàng hóa có tính riêng biệt, không phổ biến trên thị trường.

Định hướng giải pháp hoàn thiện

Trên cơ sở một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, để khung khổ pháp luật tài chính đối với SHTT tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đặt trong bối cảnh tình hình mới, nhất là việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2022, tác giả đề xuất một số định hướng giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành liên quan đến SHTT làm tiền đề, cơ sở để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tài chính đối với SHTT, trong đó cần chú trọng trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT năm 2022.

Thứ hai, có lộ trình hoàn thiện khung khổ pháp luật về tài chính đối với SHTT chi tiết theo từng văn bản quy phạm pháp luật tương ứng với từng cấp có thẩm quyền ban hành với tiến độ rõ ràng, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về SHTT (đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật SHTT mới được ban hành), khắc phục các tồn tại, hạn chế đã phát sinh trên thực tế thời gian qua cũng như phù hợp với bối cảnh của những năm sắp tới. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý nghiên cứu để xây dựng hoàn thiện các văn bản có yêu cầu về thời hạn để đảm bảo thực thi Luật SHTT năm 2022, cũng như các văn bản có vấn đề về mặt chính sách lớn cần có các quy định để xử lý vướng mắc đã phát sinh trên thực tế..

Thứ ba, đảm bảo các điều kiện cho việc hoàn thiện khung khổ pháp luật tài chính nói chung, khung khổ pháp luật về tài chính đối với SHTT nói riêng. Trong đó, tập trung vào một số vấn đề như: nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung thống nhất về giá trị của các tài sản trí tuệ trên thị trường để các cơ quan chuyên môn trong từng lĩnh vực có thể tham khảo, xác định giá trị phù hợp của quyền SHTT trên thực tế trong từng lĩnh vực chuyên môn; tăng cường nguồn kinh phí đối với công tác hoàn thiện khung khổ pháp luật tài chính đối với SHTT và đảm bảo về nguồn nhân lực cho công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật tài chính.

Trong thời gian tới, thực hiện đồng bộ các giải pháp, định hướng nêu trên để hoàn thiện hơn nữa khung khổ pháp luật tài chính đối với SHTT, đặc biệt trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tạo ra được động lực tăng trưởng bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Tài liệu tham khảo:

1. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022;

2. Nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương giai đoạn 2015-2022;

3. Dương Thị Thu Nga, “Định giá tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam”, Luận văn thạc sỹ, Hà Nội, 2015;

4. Nguyễn Quang Thành, Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính); Lương Thị Huyền, Trường Đại học Lao động - Xã hội, “Cơ chế quản lý tài chính đối với các quỹ khoa học và công nghệ cấp quốc gia”, Tạp chí tài chính.

* Đào Vũ - Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính)

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 11/2022