Phát hành trái phiếu để giảm áp lực tài chính
Việc một số doanh nghiệp (DN) liên tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với số lượng lớn đang đặt ra những lo ngại về rủi ro dài hạn của thị trường này. Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, cho rằng đây là cách sử dụng đòn bẩy tài chính mang nhiều rủi ro.
Câu chuyện cơ cấu lại nợ của CTCP Bông Sen (Bông Sen Corp), DN hiện nắm quyền chi phối khách sạn Daewoo Hà Nội, đã thu hút sự chú ý của thị trường khi huy động thành công 4.800 tỷ đồng từ một số nhà đầu tư (NĐT) tổ chức (chưa rõ danh tính), thông qua hai đợt phát hành TPDN nhằm tái cơ cấu các khoản nợ gắn với TPDN do Bông Sen Corp đã phát hành riêng lẻ vào năm 2019.
Đây là lần thứ hai, DN này tiến hành đảo nợ TPDN. Năm 2017, Bông Sen Corp công bố phát hành lô TPDN trị giá 6.000 tỷ đồng. Các NĐT khi đó đã mua hơn 90% số TPDN mà Bông Sen Corp chào bán, giúp DN này thu về 5.473 tỷ đồng, tăng quy mô vốn hoạt động và triển khai các kế hoạch đầu tư.
Đến năm 2019, khi lô TPDN trên đến ngày đáo hạn, Bông Sen Corp tiếp tục phát hành 6.450 tỷ đồng TPDN để “tái cơ cấu khoản nợ” và đồng thời duy trì mục tiêu thực hiện dự án đầu tư. TPDN lần này có kỳ hạn hai năm, lãi suất cố định 11%/năm và tài sản bảo đảm tương đồng lô TPDN được phát hành năm 2017.
Tương tự, mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã CII) đã thông qua phương án phát hành TTDN, với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. Theo kế hoạch, CII dành 265 tỷ đồng trong số này để thanh toán nợ gốc vay tại VPBank. Đây không phải lần đầu CII thực hiện “cơ cấu nợ” bằng hình thức phát hành TTDN, tuy nhiên tần suất dồn dập phát hành TPDN của DN này khiến giới đầu tư quan ngại.
Trước đó, vào cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021, 590 tỷ đồng TPDN kỳ hạn 36 tháng được CII phát hành ra công chúng, sử dụng với mục đích thanh toán nợ TPDN của kỳ trước; trong đó, 370 tỷ đồng dùng để thanh toán TTDN phát hành vào ngày 25/2/2019 và 220 tỷ đồng dùng để thanh toán khoản TPDN phát hành vào ngày 19/3/2020. Vào tháng 1/2021, HĐQT của CII cũng thông qua kế hoạch phát hành 1.600 tỷ đồng TPDN kèm chứng quyền, có kỳ hạn 5 năm và lãi suất dự kiến 11%/năm.
Là DN bất động sản (BĐS), đầu tư và thi công hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam, nhiều năm qua, CII liên tục đối mặt áp lực thanh toán ngắn hạn do phụ thuộc quá nhiều vào dòng tiền vay để tài trợ các dự án. Lịch trả nợ của CII kín mít, với số nợ vay và nợ thuê tài chính hằng năm phải trả lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, từ cuối quý II/2021 đến nay, các tỉnh phía nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 khiến gánh nặng thanh toán ngày một lớn buộc DN này liên tục phải xoay xở dòng vốn để cơ cấu nợ với các ngân hàng (NH)…
Trong khi đó, theo thống kê của các công ty chứng khoán (CTCK), tám tháng đầu năm nay, NH và các CTCK là bên mua lớn nhất của thị trường TPDN. Theo dữ liệu từ FiinGroup, hơn 70% số TPDN hiện nay do các NH nắm giữ, cả trực tiếp hoặc gián tiếp qua các CTCK. Trong đó, Techcombank, SHB, BIDV, MB… là những NH đang “ôm” TPDN nhiều nhất.
Việc trở thành nhà thầu lớn nhất trên thị trường TPDN đã mang lại những khoản lợi nhuận khủng cho các NH trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo một CTCK, thực tế này cũng đặt ra những nỗi lo về câu chuyện nhiều DN đã coi TPDN như là công cụ để tái cấu trúc nợ. Trên thực tế, để xác định các DN có coi TPDN là công cụ để tái cấu trúc nợ hay không là tương đối khó với các NĐT. Hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về các mục thông tin kết quả phát hành TPDN theo phương thức riêng lẻ, nên các DN có thể “lách” không công bố, chẳng hạn như không công khai thông tin tên tuổi các trái chủ.
Thậm chí, vài năm trở lại đây, thị trường TPDN xuất hiện hàng loạt DN không mấy tên tuổi nhưng đã phát hành thành công nhiều lô TPDN lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Các DN này trên thực tế không hoạt động nhiều, được cho là lập ra với mục đích đặc biệt: huy động vốn cho các “công ty mẹ” thực hiện cơ cấu nợ vay NH và giảm áp lực khi hạch toán tài chính. Đặc biệt, tình trạng mục đích huy động một đằng, giải ngân một nẻo không phải hiếm trên thị trường.
Tới đây, hoạt động mua TPDN của các NH tới đây có thể bị siết lại với hàng loạt quy định trong Dự thảo sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN. Thí dụ như: các NH không được mua TPDN phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính DN phát hành; không được mua TPDN phát hành, trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác. Trong vòng 12 tháng sau khi bán TPDN, các NH không được mua TPDN mà NH đã bán hoặc TPDN được phát hành cùng lô, cùng đợt phát hành với TPDN mà NH đã bán; chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%…
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc NH hay CTCK ồ ạt mua TPDN thời gian qua không loại trừ mục đích đảo nợ, cơ cấu lại nợ cho DN. DN BĐS khó khăn sẽ phát hành TPDN, NH mua TPDN và DN dùng số tiền bán TPDN thu về để trả nợ NH. Nói cách khác, đây là một cách NH và DN bắt tay nhau dùng TPDN để đảo nợ. DN không nên sử dụng những đòn bẩy tài chính như vậy để xóa nợ xấu, các NH cũng không nên tìm cách đảo nợ qua mua TPDN.