Phát huy hiệu quả công cụ thanh tra, kiểm tra để giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội

Minh Tuyết

Nhằm giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp. Điều đáng chú ý, qua thanh tra, kiểm tra ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi trục lợi, nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp.

Qua thanh tra, kiểm tra ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi trục lợi, nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp.
Qua thanh tra, kiểm tra ngành BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi trục lợi, nợ đọng BHXH của các đơn vị, doanh nghiệp.

Ngăn chặn kịp thời gian lận, trục lợi BHXH

Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được Lãnh đạo BHXH Việt Nam quan tâm, chỉ đạo triển khai thường xuyên, liên tục để đảm bảo việc chấp hành chính sách pháp luật BHXH, BHYT đúng quy định, cũng như kịp thời bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia loại hình bảo hiểm này.

Theo BHXH Việt Nam, công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua cho thấy, trách nhiệm của người đứng đầu BHXH các cấp được chú trọng, gắn với phòng chống tham nhũng và cải cách hành chính.

Triển khai thực hiện Quyết định 868/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam, việc giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân của toàn ngành BHXH Việt Nam đã có chuyển biến tích cực.

BHXH Việt Nam đã áp dụng linh hoạt cách thức tổ chức tiến hành thanh tra, kiểm tra, tăng cường cải tiến phương pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để rà soát, phân tích dữ liệu với nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro, hạn chế tối đa việc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị. 

Kết quả năm 2020 và 2021, ngành BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 24.104 đơn vị; thanh tra chuyên ngành 11.739 đơn vị, kiểm tra 8.139 đơn vị sử dụng lao động, 709 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT.

Thanh tra, kiểm tra liên ngành 3.517 đơn vị, phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng. Các đơn vị khắc phục ngay số tiền 1.523 tỷ đồng trên tổng số 4.508 tỷ đồng nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHYT; yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH gần 14,8 tỷ đồng, về quỹ BHTN 3,3 tỷ đồng, về quỹ BHYT 142,2 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan BHXH đã phát hiện các hành vi vi phạm về thực hiện chế độ BHXH như: Tham gia không đủ số lao động bắt buộc; đóng BHXH cho người lao động không đúng mức lương; nợ đọng kéo dài; đề nghị thanh toán chế độ thai sản, ốm đau, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sai quy định; giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không phải của cơ quan BHXH phát ra, giấy ra viện giả...

Các hành vi vi phạm về thực hiện chế độ BHYT như: Lạm dụng, trục lợi các dịch vụ kỹ thuật, ngày, giường điều trị... Qua các hành vi bị phát hiện, cơ quan chức năng đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm và hoạt động thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật; góp phần nâng cao nhận thức của đơn vị sử dụng lao động và người lao động về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

Có thể khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị, doanh nghiệp.

Thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT

Theo BHXH Việt Nam, theo kế hoạch, số đơn vị được thanh tra tăng dần theo từng năm chủ yếu tập trung vào các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT. Ý nghĩa hơn là qua thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT cho các đối tượng thực thi chính sách này.

Thực tế cho thấy, qua triển khai chính sách BHXH, BHYT, BHTN đã gặp một số tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong việc xử lý vi phạm hành chính về đóng BHXH, BHYT; cũng như hạn chế trong kỹ năng thực hiện tiếp công dân, kỹ năng xử lý và giải quyết đơn thư.

Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật chính sách BHXH, BHYT, BHTN, cần tiến hành triển khai thường xuyên thanh tra chuyên ngành để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác này trong thời gian tới.

Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành của cơ quan BHXH đã đạt hiệu quả mang lại rất rõ rệt, đã làm thay đổi nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, BHYT của chủ sử dụng lao động, tỷ lệ nợ BHXH giảm theo từng năm, quyền lợi người lao động được bảo đảm, chế độ được giải quyết kịp thời, đúng, đủ.

Để nhân lên kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp về việc chấp hành chính sách BHXH, BHYT, BHTN, bảo đảm việc thực hiện chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm, giải pháp an ninh trong hoạt động thanh tra, kiểm tra để khâu tổ chức, thực hiện được kịp thời, an toàn, hiệu quả. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật thanh tra để sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong tình hình mới.

Nhìn chung, để phát huy hơn nữa công cụ thanh tra, kiểm tra, bên cạnh việc lập kế hoạch cụ thể, BHXH Việt Nam sẽ triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, đồng bộ khi thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, trục lợi từ các chính sách này.