Tỉnh Hậu Giang:

Phát huy hiệu quả kết nối giao thông

Theo Kỳ Anh/ Báo Hậu Giang

Là một trong những dự án giao thông trọng điểm chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2022-2026, dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang đang được kỳ vọng phát huy tối đa hiệu quả kết nối liên vùng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang chuẩn bị đầu tư với kỳ vọng phát huy tối đa tính kết nối. Ảnh: KA
Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang chuẩn bị đầu tư với kỳ vọng phát huy tối đa tính kết nối. Ảnh: KA

Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Giao thông và Nông nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án thuộc nhóm A, công trình giao thông cấp III, được thực hiện trên địa bàn huyện Vị Thủy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành với chiều dài 40,8km. Tổng mức vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.700 tỉ đồng.          

Ông Hoàng Văn Bình - đại diện đơn vị tư vấn thiết kế dự án, cho biết: Theo dự kiến, điểm đầu dự án tại ngã ba hiện hữu là điểm giao cắt với Quốc lộ 61C, đường Hùng Vương thuộc xã Vị Trung, huyện Vị Thủy và kết thúc tại nút giao giữa Đường tỉnh 925 với đường 30 Tháng 4 thuộc thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành. Phần đường thiết kế chiều rộng mặt đường xe chạy 8m, vận tốc thiết kế 60km/h. Sẽ có 6 nút giao tại các vị trí Quốc lộ 61C, Đường tỉnh 926B, Quốc lộ 61, Đường tỉnh 928, Quốc lộ 1A, Đường tỉnh 925B.

Toàn tuyến dự kiến có 35 cầu, 6 cống hộp, 26 cống tròn. Quy mô các cầu trên tuyến bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, nhịp giản đơn từ 12,5m đến 33m. Dọc hai bên đường dự kiến trồng cây sao đen hoặc dầu bên ngoài lề đất với khoảng cách trung bình 10m/cây. Về loại cây trồng sẽ lấy ý kiến địa phương để đảm bảo đồng bộ với quy hoạch cây xanh đô thị của địa phương. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026.

Các huyện đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế cập nhật kỹ, đảm bảo quy hoạch. Đầu tư hệ thống chiếu sáng ở các vị trí đô thị, cầu, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời, làm rõ thêm giải pháp kết nối tại các vị trí giao cắt với đường dân sinh nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư dự án.

Trong buổi làm việc mới đây, ông Lê Thanh Việt - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hậu Giang, cho biết Sở thống nhất về quy mô đầu tư dự án. Trong điều kiện kinh phí hạn chế, đơn vị tư vấn, chủ đầu tư nghiên cứu cân đối nguồn vốn để đầu tư hệ thống chiếu sáng ở những đoạn đi qua đô thị. Ngoài ra, đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý các điểm cong trên tuyến và tại vị trí các cầu, thiết kế đảm bảo an toàn giao thông. Đơn vị tư vấn cập nhật thêm quy hoạch xã Vĩnh Trung, để thiết kế đoạn này cho phù hợp. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh tuyến tại vị trí này để tránh nhà dân, đảm bảo quy hoạch và hạn chế khâu giải phóng mặt bằng.

Ông Huỳnh Văn Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, yêu cầu đơn vị tư vấn lưu ý việc bố trí cây xanh, vỉa hè, hệ thống chiếu sáng đoạn đi qua đô thị. Đồng thời, đề nghị cập nhật thêm vị trí các đường dân sinh, để đảm bảo kết nối khi tuyến giao cắt với các đường dân sinh này.

Theo UBND tỉnh, Dự án Cải tạo, nâng cấp, kết nối hệ thống giao thông thủy bộ Đường tỉnh 925B và kênh Nàng Mau, tỉnh Hậu Giang mang tính kết nối liên vùng. Đây là dự án mang tính chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong khu vực. UBND tỉnh đánh giá cao khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án, đồng thời thống nhất tên dự án, loại công trình.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu, tính toán bố trí tuyến phù hợp, tránh thiếu sót, điều chỉnh. Các điểm đấu nối đảm bảo tính đồng bộ, đảm bảo quy hoạch. Cân nhắc tải trọng, cấp đường; rà soát kỹ tĩnh không, khổ thông thuyền để phục vụ nhu cầu vận chuyển đường thủy của người dân.

Bên cạnh đó, xem xét kỹ các vị trí đặt cống cho phù hợp với nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngăn mặn, ngăn lũ. Đối với các nút giao trên tuyến, đề nghị thiết kế kỹ, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo giao thông. Các loại cây trồng cần có sự thống nhất, phù hợp với từng địa bàn đô thị, nông thôn. Trên cơ sở góp ý của các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế nhanh chóng hoàn chỉnh thiết kế dự án để sớm báo cáo về Thường trực UBND tỉnh.

Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự kiến diện tích thu hồi đất dành cho dự án khoảng 73,20ha. Trong đó, huyện Vị Thủy khoảng 28ha gồm phạm vi các xã Vị Trung, Vĩnh Trung, Vĩnh Tường; huyện Phụng Hiệp khoảng 33ha gồm thị trấn Kinh Cùng, Tân Bình, Bình Thành, Hòa Mỹ, Long Thạnh, Tân Long; huyện Châu Thành khoảng 12ha gồm xã Đông Phước và thị trấn Ngã Sáu. Tổng số hộ dân dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 950 hộ, trong đó dự kiến có 129 nhà cửa bị ảnh hưởng. Kinh phí bồi thường dự kiến trên 363 tỉ đồng.