Phát huy vai trò của lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp hiện nay
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra, hầu hết doanh nghiệp phải đối diện nhiều khó khăn và trở ngại, vai trò của lãnh đạo nữ càng thể hiện rõ trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp vượt qua khó khăn thử thách trước bối cảnh của đại dịch.
Theo số liệu của Tổ chức tài chính quốc tế IFC (2017) vai trò của phụ nữ là các doanh nhân đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực, đã tạo ra phong cách lãnh đạo kinh doanh mềm dẻo, linh hoạt và đạt rất nhiều hiệu quả hơn so với nam giới.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 xảy ra, hầu hết doanh nghiệp phải đối diện nhiều khó khăn và trở ngại, vai trò của lãnh đạo nữ càng thể hiện rõ trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp vượt qua khó khăn thử thách trước bối cảnh của đại dịch.
Vai trò của lãnh đạo nữ lại càng nỗ lực nhiều hơn so với nam giới, họ cần có sự chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường và đó luôn là thách thức lớn cho các lãnh đạo nữ và đặc biệt vai trò của lãnh đạo nữ quản lý các doanh nghiệp.
Theo số liệu của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân thì có 1 doanh nghiệp có nữ giới tham gia quản lý doanh nghiệp, họ đã đóng góp 40% của cải cho nền kinh tế. Nhiều tấm gương nữ doanh nhân tiêu biểu thành đạt có nhiều đóng góp lớn trong công cuộc chống dịch và điều hành dẫn dắt doanh nghiệp thành công vượt qua các rào cản và thử thách trong bối cảnh tình hình mới như hiện nay.
Ngày nay, vai trò quản trị của nữ giới đã được đánh giá cao, trong quá trình điều hành doanh nghiệp, nữ lãnh đạo có có thể truyền nhiệt huyết làm việc cho cấp dưới nhiều hơn, họ sẵn sàng chia sẻ quyền lực để cùng hướng đến hiệu quả của mục tiêu đề ra. Do vậy, việc dẫn dắt các doanh nghiệp vượt qua được các khó khăn trở ngại tuy có nhiều khó khăn phức tạp nhưng họ hoàn toàn có thể hoàn thành tốt vai trò của họ.
Vẫn còn có sự tồn tại của bất bình đẳng về giới đang là một trong những rào cản đối với công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực, việc trao quyền cho phụ nữ trong các doanh nghiệp không chỉ xóa bỏ rào cản về giới mà còn là yếu tố chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Phong cách lãnh đạo của phụ nữ và nam giới có thể khác nhau ở một mức độ nào đó tuy nhiên không thể phủ nhận nữ giới đã có sự nỗ lực vượt trội và có thể đảm trách các vị trí cao trong xã hội và đạt được hiệu quả tốt trong công tác quản lý, quản trị tại các doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, vai trò của lãnh đạo nữ trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều đóng góp có giá trị cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những khó khăn đến từ nhiều phía, cho nên lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp nói chung vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ, một số vấn đề đặt ra như sau:
Thứ nhất, quan tâm các chính sách về giới, cần xóa bỏ tình trạng thiên vị giới để đảm bảo về bình đẳng giới để phụ nữ được phát huy trong xã hội. Quan tâm đến các chính sách phát triển đội ngũ, thúc đẩy sự tự tin, tạo điều kiện và động lực cho phụ nữ phát triển, giúp phụ nữ tiếp cận được các thông tin tri thức và thành tựu của khoa học công nghệ trong quá trình đổi mới của đất nước nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Thứ hai, thay đổi nhận thức về vai trò đóng góp của phụ nữ trong mọi hoạt động, nhận thức được tầm quan trọng của hiệu quả công việc nhằm đảm bảo được cân bằng tỷ lệ lao động quản lý giữa nam và nữ. Cần thay đổi nhận thức về giới tính để phụ nữ có thể tham gia đảm nhận các vị trí quan trọng trong xã hội.
Thứ ba, có sự nỗ lực và thay đổi tư duy nhận thức của phụ nữ về môi trường trong giai đoạn hiện nay, phát huy tính sáng tạo khả năng thích ứng với các rào cản của xã hội, khả năng học hỏi nâng cao kiến thức về quản lý, phát huy tinh thần để thích ứng với mọi hoàn cảnh có nhiều biến đổi trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tư, trong gia đình cần có sự chia sẻ ủng hộ của các thành viên để người phụ nữ tự tin tham gia vào các hoạt động xã hội, giúp họ cân bằng được vai trò trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và vai trò đóng góp cho xã hội.
Trong mọi thời đại vai trò của người phụ nữ không thể thiếu trong các hoạt động của xã hội. Lịch sử đã chứng minh khả năng lao động của họ và những kết quả đạt được đã đóng góp phần lớn giá trị cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo và tạo động lực thúc đẩy phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội vừa là động lực góp phần giảm bất bình đẳng giới theo Công ước về xóa bỏ mọi hình thức đối xử với phụ nữ và thực hiện về Luật bình đẳng giới đồng thời góp phần bảo đảm công bằng và phát triển xã hội.