Lãnh đạo doanh nghiệp trong nền công nghiệp 4.0
Nghiên cứu về năng lực lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam đã được quan tâm hơn trong thời gian gần đây. Các nghiên cứu tập trung chủ yếu đề cập đến những kiến thức, kỹ năng và hành vi của người đứng đầu doanh nghiệp mang tính quyết định đến hiệu quả lãnh đạo cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những nghiên cứu trước đây cũng chỉ dừng lại trong bối cảnh nền công nghiệp 2.0, 3.0 nói chung. Việc nghiên cứu năng lực lãnh đạo trong nền công nghiệp 4.0 chỉ mới bắt đầu. Nghiên cứu này là một nỗ lực nhằm đưa ra những điểm mở về năng lực của nhà lãnh đạo trong nền công nghiệp 4.0, những năng lực quyết định tới sự tồn tại và thịnh vượng của một doanh nghiệp.
Sự thành công của bất kỳ một doanh nghiệp (DN) nào cũng mang dấu ấn quan trọng của người lãnh đạo DN, là người chịu trách nhiệm đưa ra tầm nhìn, chiến lược và điều phối, giám sát hoạt động và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của một DN. Để xác định được năng lực yêu cầu đối với vị trí lãnh đạo, cách tiếp cận phổ biến là xác định vai trò mà người lãnh đạo đó đảm nhiệm. Vai trò là một tập hợp các hành vi gắn với một vị trí hoặc bộ phận cụ thể (Sarbin & Allen, 1968). Mintzberg (1973) xác định các nhà quản trị có 10 vai trò khác nhau và được phân chi thành 3 nhóm chính: vai trò liên kết (hay còn gọi là vai trò quan hệ), vai trò thông tin và vai trò ra quyết định.
Năng lực DN được hiểu là bất cứ thái độ, kỹ năng, hành vi, động cơ hoặc các đặc điểm cá nhân khác có vai trò thiết yếu để hoàn thành công việc, hoặc quan trọng hơn là có thể tạo ra sự khác biệt về hiệu quả công việc giữa người có thành tích vượt trội và người có thành tích trung bình. Ở vai trò giám đốc điều hành, năng lực lãnh đạo chính là các yếu tố thái độ, kỹ năng, hành vi, động cơ hoặc các đặc điểm cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt về hiệu quả lãnh đạo, giúp cho DN phát triển bền vững. Vấn đề đặt ra đối với các nhà nghiên cứu là thái độ, kỹ năng, hành vi, động cơ hoặc các đặc điểm cá nhân của lãnh đạo trong nền công nghiệp 2.0, 3.0 có còn giống trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không? Và năng lực nào là chủ đạo của nhà lãnh đạo DN trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?
Các cách tiếp cận nghiên cứu về năng lực lãnh đạo ở Việt Nam
Các nghiên cứu về năng lực lãnh đạo trên thế giới vô cùng đa dạng nhưng ở Việt Nam hiện chưa có nhiều nghiên cứu về năng lực lãnh đạo. Các công trình nghiên cứu chủ yếu tập trung vào giám đốc điều hành hoặc cán bộ quản lý nói chung. Gần như chưa có công trình nghiên cứu nào đi về nghiên cứu năng lực lãnh đạo DN Việt Nam trong mối quan hệ giữa năng lực và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN theo cách tiếp cận khung năng lực và công cụ thẻ điểm cân bằng (BSC). Một số công trình nghiên cứu có liên quan đáng lưu ý bao gồm: Luận án tiến sỹ của Đặng Ngọc Sự, Trương Minh Đức, Trần Văn Đẩu...
Luận án tiến sỹ của Đặng Ngọc Sự nhấn mạnh vào việc đánh giá năng lực lãnh đạo thông qua sử dụng mô hình năng lực lãnh đạo theo bộ phận cấu thành gồm năng lực con (tầm nhìn chiến lược, động viênkhuyến khích, phân quyền ủy quyền, gây ảnh hưởng và xây dựng hình ảnh, ra quyết định, hiểu mình hiểu người, giao tiếp lãnh đạo) và đối tượng nghiên cứu là lãnh đạo DN nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam. Tuy nhiên, luận án chưa có phần tổng quan rõ ràng và chặt chẽ về các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài nghiên cứu để chỉ ra khoảng trống trong nghiên cứu một cách thuyết phục hơn. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã mặc nhiên vận dụng mô hình các nước phát triển mà không tính đến sự kiểm nghiệm trong điều kiện đặc thù Việt Nam, đặc biệt là văn hóa lãnh đạo của người Á Đông.
Luận án tiến sỹ của Trương Minh Đức đã đề cập đến một số vấn đề cơ bản về năng lực lãnh đạo. Các năng lực của CEO được đề cập dựa trên 4 nhóm năng lực con: (i) nhóm năng lực tư duy (bao gồm khả năng nhận thức, tính sáng tạo); (ii) nhóm năng lực lãnh đạo (bao gồm lãnh đạo nhóm, năng lực trao quyền và phân công cấp dưới, năng lực đàm phán, quản lý xung đột, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định); (iii) nhóm năng lực về quan hệ (bao gồm thông tin truyền thông, xây dựng niềm tin và các mối quan hệ); (iv) là nhóm năng lực cá nhân (bao gồm tính linh hoạt, tự tin, tự lãnh đạo bản thân, khả năng ảnh hưởng và khuyến khích động viên cấp dưới, định hướng thành tích, khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường và các tình huống, đạo đức kinh doanh và năng lực chính trị, khả năng phòng tránh rủi ro). Tuy nhiên, luận án chưa tách bạch được năng lực lãnh đạo và năng lực quản lý nên khía cạnh năng lực của đội ngũ giám đốc điều hành DNNVV Việt Nam được đề cập chung chung.
Luận án tiến sỹ kinh tế của Trần Văn Đẩu chủ yếu nghiên cứu vai trò người giám đốc trong phạm vi khối DN Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nam Định dựa trên 4 nhóm: phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, năng lực tổ chức, đạo đức và ý thức pháp luật trong kinh doanh. Nhìn chung luận án góp phần làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò, nhiệm vụ, chức năng, yêu cầu cần có của người giám đốc DN nhà nước ở nước ta trong nền kinh tế thị trường với sự hội nhập, cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu và khu vực. Tuy nhiên, nhìn chung luận án chưa đề cập chi tiết và cụ thể đến năng lực, hệ thống chỉ tiêu đánh giá năng lực lãnh đạo của giám đốc DN.
Đề tài cấp Bộ của Trần Thị Hoa có đóng góp trong việc nhận diện khung năng lực, xác định khoảng cách “có” và “cần” về năng lực lãnh đạo của giám đốc điều hành Việt Nam. Đây là nghiên cứu đã có sự kết hợp dựa trên cơ sở lý thuyết của mô hình ASK và mô hình tập hợp các “năng lực con” để xây dựng khung năng lực lãnh đạo của giám đốc DN. Đề tài đã phác thảo những tố chất, kiến thức và kỹ năng lãnh đạo cần có của giám đốc điều hành Việt Nam cho từng nhóm năng lực dựa trên vai trò lãnh đạo của giám đốc DN: năng lực định hướng mục tiêu, xây dựng viễn cảnh phát triển cho DN, năng lực động viên khuyến khích và truyền cảm hứng cho nhân viên, năng lực tập hợp các nguồn lực làm việc vì mục tiêu chung của DN; năng lực khởi xướng sự thay đổi. Theo tác giả đóng góp lớn nhất của đề tài là đã cung cấp cho những nhà nghiên cứu về lãnh đạo một phương pháp, cách tiếp cận đánh giá năng lực lãnh đạo của giám đốc DN một cách đầy đủ, rõ ràng. Tuy nhiên, do lựa chọn các tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo bao hàm cả kiến thức, kỹ năng và tố chất lãnh đạo nên đề tài không tránh khỏi dàn trải. Các kỹ năng lãnh đạo trong nghiên cứu đôi chỗ không tác bạch được với kỹ năng quản trị.
Kết quả khảo sát 230 giám đốc điều hành DN nhỏ Việt Nam của Lê Quân và cộng sự cho thấy, giám đốc DN nhỏ ở Việt Nam còn yếu về các kiến thức quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự và quản trị tài chính; còn hạn chế về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản trị trị nhân sự, kỹ năng quản lý thời gian… Điểm nổi trội của giám đốc điều hành DN nhỏ là phẩm chất thích nghi, kiên nhẫn, sáng tạo và quyết đoán. Nghiên cứu đã ứng dụng mô hình ASK nêu rõ được các đặc tiểm về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất cần có của đội ngũ giám đốc các DN nhỏ Việt Nam, tuy nhiên, quy mô mẫu của nghiên cứu chưa mang tính đại diện cao.
Trong khi đó, Nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Hùng đã rút ra năng lực lãnh đạo điều hành cần có của một nhà lãnh đạo DN gồm những nền tảng như: Có tố chất, thái độ lãnh đạo điều hành; Có kiến thức, hiểu biết về lãnh đạo; Có kỹ năng lãnh đạo. Tuy nhiên, nghiên cứu còn mang tính khái quát chung chung, chưa đề cập sâu đến năng lực lãnh đạo của các giám đốc DN thông qua nền tảng lý thuyết và các nguồn số liệu kiểm chứng.
Nghiên cứu của nhóm tác giả Phùng Xuân Nhạ, Lê Quân, Hồ Như Hải nhằm thu thập các thông tin về trình độ, kiến thức, kỹ năng, phẩm chất liên quan đến năng lực lãnh đạo của giám đốc các DN cho thấy, trình độ học vấn của lãnh đạo DN ngày càng được cải thiện, ngày càng có nhiều lãnh đạo có trình độ đào tạo sau đại học. Các lãnh đạo DN cũng đã có những kiến thức và nhìn nhận thực tiễn hơn về bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới.
Kết quả nghiên cứu này được đánh giá là đáng tin cậy và có thể là cơ sở tham khảo cho các nhà nghiên cứu khác với nguồn số liệu sơ cấp được thu thập từ hai phía, cả bản thân lãnh đạo và cấp dưới của DN. Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ cho thấy, chất lượng của lãnh đạo DN chung chung mà chưa tách bạch được đây là nghiên cứu về năng lực lãnh đạo hay năng lực quản lý điều hành của lãnh đạo DN.
Một số khuyến nghị về năng lực của đội ngũ lãnh đạo
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất và phương pháp quản trị dựa trên nền tảng công nghệ. Trong môi trường như vậy, DN chỉ có thể đạt hiệu quả dựa trên cơ sở quá trình tiếp nhận và đổi mới liên tục, trên hết là phương thức quản lý của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy DN thay đổi trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu về năng lực của đội ngũ lãnh đạo DN ngày càng cao. Những nghiên cứu trên chưa thật sự chú ý nhiều đến sự thay đổi của môi trường kinh doanh, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi phương thức sản xuất và phương pháp quản trị dựa trên nền tảng công nghệ. Trong môi trường như vậy, DN chỉ có thể đạt hiệu quả dựa trên cơ sở quá trình tiếp nhận và đổi mới liên tục, trên hết là phương thức quản lý của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy DN thay đổi trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Điều này được thể hiện cụ thể bởi những điểm sau:
Thứ nhất, hiện nay các nhà lãnh đạo trong các tổ chức đang chịu nhiều sức ép về thay đổi phong cách lãnh đạo để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bao gồm: Các DN phải làm chủ lượng thông tin và dữ liệu khổng lồ từ internet, môi trường kinh doanh và DN đang biến đổi thành một hệ sinh thái chứ không đơn thuần như một cỗ máy và sự tăng trưởng vượt bật của nền kinh tế chia sẻ.
Thứ hai, nền kinh tế chia sẻ hoạt động theo một phương thức hoàn toàn mới buộc các nhà lãnh đạo phải thay đổi cách lãnh đạo của mình cho phù hợp. Nền kinh tế chia sẻ làm linh hoạt hóa DN, tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sẽ có thể thay đổi linh hoạt hơn tạo nên một hệ sinh thái DN.
Thứ ba, hệ sinh thái DN đã và đang thay đổi nhanh chóng. Ranh giới giữa DN với DN, DN với cá nhân ngày càng mờ nhạt. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhân viên phải tương tác liên tục và đa chiều với nhiều đối tượng hữu quan.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, lãnh đạo DN cần:
Thứ nhất, tiếp nối và phát huy những khả năng lãnh đạo theo quan điểm truyền thống, Kouzes & Posner (2010): Định hướng hành trình, chia sẻ tầm nhìn, thách thức quy trình hiện tại, kích hoạt nhân lực hành động, truyền lửa. Bên cạnh đó, trong nền công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lãnh đạo DN cần phải có: tư duy phản biện, kỹ năng công nghệ, trí tuệ cảm xúc và kỹ năng lãnh đạo. Các kỹ năng khác như: sự tinh nhuệ, quản trị sự thay đổi, sáng tạo và phân tích dữ liệu cũng cần được phát triển.
Thứ hai, gắn kết hệ thống: Thiết lập một hệ thống thành công để hỗ trợ việc thực hiện mục đích và các mục tiêu tổ chức, thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả và linh hoạt.
Thứ ba, lãnh đạo DN là người khởi sướng và là người tạo ra những chuyển biến tích cực trong DN thông qua việc mạnh dạn đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở lấy sản phẩm làm trung tâm và sự ứng dụng công nghệ trong dây chuyền sản xuất, kèm theo đó là sự đổi mới, nâng cấp trang thiết bị và người lao động, đặc biệt là phải chú trọng và đầu tư cho những ý tưởng đột phá.
Thứ tư, lãnh đạo cần tạo điều kiện cho người lao động triển khai ý tưởng, từ đó phương thức đánh giá thực hiện công việc lấy tính sáng tạo của sản phẩm khoa học, công nghệ làm tiêu chí đánh giá với trọng số cao, từ đó khuyến khích người lao động tích cực chủ động sáng tạo trong quá trình làm việc.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất kinh doanh thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương như nghiên cứu khoa học, trao đổi công nghệ, chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nhân lực, liên kết, hợp tác kinh doanh với các DN, với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Như vậy, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhà lãnh đạo DN phải là những chuyên gia, vững về kiến thức chuyên môn, có năng lực tư duy sáng tạo, đổi mới, có kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, có khả năng làm việc và ra quyết định trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu. Để kiến tạo nên sự vượt trội nhà lãnh đạo cần đổi mới và có phong cách lãnh đạo chuyên biệt để tạo tiền đề đưa DN hội nhập chung vào xu thế toàn cầu, lèo lái DN đi đến thành công.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Thị Quỳnh Trang, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 4/2017;
2. Lê Quân, Nguyễn Quốc Khánh (2012), Đánh giá năng lực giám đốc điều hành doanh nghiệp nhỏ Việt Nam qua mô hình ASK, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên san Kinh tế và Kinh doanh, số 28;
3. Ngô Quý Nhâm (2012) Khung năng lực và ứng dụng trong hoạt động quản trị nhân sự. Số 94/2012 Tạp chí: Nhà quản lý, tháng 03/2012;4. Phạm Công Đoàn (2010), “Phát triển năng lực CEO Việt Nam”, Đề tài khoa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo;
4. Phạm Hoàng Tú Linh, Phạm Xuân Viễn (2017), Lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 truy cập tại http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/lanh-dao-quan-ly-doanh-nghiep-truoc-yeu-cau-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-40-124343.html;
5. Trần Thị Phương Hiền (2013), Năng lực lãnh đạo của đội ngũ CEO Việt Nam – Khảo sát nghiên cứu ở Hà Nội, Luận án Tiến sỹ.