Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu để đảm bảo sự phát triển lâu dài
Nguyên nhân chính dẫn đến việc nóng lên toàn cầu là sự gia tăng khí nhà kính làm biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến kinh tế và xã hội.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) 2023, số liệu ước tính chi phí thiệt hại do biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ vào khoảng từ 1.700 đến 3.100 tỷ USD mỗi năm đến 2050.
Với Việt Nam, theo “Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành năm 2022: Với hơn 3.200 km bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, nước ta là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu.
Các tác động của biến đổi khí hậu đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và suy yếu tăng trưởng. WB cho biết, tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam có thể chiếm 12% - 14,5% GDP mỗi năm đến 2050.
Với sự gia tăng của biến đổi khí hậu và các cam kết toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính, phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).
PTBV vừa giúp bảo vệ môi trường và tăng cường trách nhiệm xã hội, đồng thời còn đảm bảo sự phát triển lâu dài của quốc gia và của DN.
Tại Hội nghị COP 26 năm 2021, cùng hơn 140 quốc gia khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết lộ trình thực hiện cắt giảm khí nhà kính ròng (hiệu số giữa lượng xả thải và loại bỏ khỏi khí quyển) xuống mức bằng không vào năm 2050 (Net Zero).
Đây vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội cho các DN Việt Nam nếu có chiến lược thích ứng phù hợp định hướng PTBV.
Theo định nghĩa của Liên Hợp quốc: “PTBV là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của hiện tại, mà không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai của chính DN”.
Các khái niệm ESG (môi trường - xã hội - quản trị DN) và CSR (trách nhiệm xã hội DN) cũng dần ra đời và không còn xa lạ đối với nhiều DN.
Có thể nhận diện ESG là một bộ tiêu chí được các nhà đầu tư, đối tác và các bên liên quan khác sử dụng để đánh giá hiệu suất của một DN trong các lĩnh vực tác động môi trường, trách nhiệm xã hội và quản trị DN.
Còn CSR là cách tiếp cận kinh doanh liên quan đến việc tích hợp các mối quan tâm xã hội và môi trường vào hoạt động của DN, từ đó nhận diện sự đóng góp tích cực của DN cho xã hội và thể hiện cam kết thực hành kinh doanh có đạo đức.
PTBV là một loại báo cáo do các DN công bố, cung cấp thông tin về chiến lược và tác động môi trường, xã hội, quản trị DN trong hoạt động kinh doanh, để đối tác (cả nhà đầu tư, khách hàng, cộng đồng) đo lường, đánh giá cam kết và hiệu quả của DN trong lĩnh vực PTBV.
Tại nước ta, DN được khuyến khích lập báo cáo PTBV nhưng vẫn chưa bị bắt buộc. Còn với riêng các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán, theo quy định hiện hành về việc công bố thông tin, Thông tư số 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 16/11/2020, đã bao gồm một số yêu cầu liên quan đến các yếu tố ESG.
Trong đó bao gồm: Báo cáo phát thải khí nhà kính (GHG) và phải công bố tổng lượng phát thải GHG trong kỳ báo cáo (ngoại trừ các DN trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán); Biện pháp giảm phát thải; Thông tin liên quan đến môi trường; Thông tin về trách nhiệm xã hội; Yêu cầu về quản trị DN, tức công bố các thông tin về cơ cấu quản trị, tính minh bạch và trách nhiệm của ban quản lý, cũng như các chính sách quản trị rủi ro và tính bền vững.
Hiện các tổ chức tín dụng và nhà đầu tư ngày càng tập trung xem xét tầm nhìn và hiệu quả của DN trong các vấn đề bền vững trước khi đưa ra quyết định tài trợ.
Nhiều tổ chức tài chính và quỹ cung cấp các điều khoản ưu đãi hoặc phân bổ vốn cho các công ty có các chiến lược, dự án hoặc hoạt động có lợi cho môi trường và PTBV tạo nên nguồn tài chính xanh.
Một trong những công cụ chính trong tài chính xanh là việc phát hành trái phiếu xanh và các khoản vay xanh. Báo cáo toàn cầu về tình hình thị trường của tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu (Climate Bonds Innitiative) cho thấy, đến cuối năm 2023 giá trị tích lũy của trái phiếu xanh hoặc bền vững đã đạt mức 5.500 tỷ USD.
Tài chính xanh thường phải dựa vào các thông tin của báo cáo PTBV để đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích, và các thông tin chỉ tiêu về tác động môi trường.
Có thể thấy, báo cáo PTBV là công cụ quan trọng giúp các tổ chức tiếp cận các lựa chọn tài chính xanh hoặc bền vững có chất lượng cao với chi phí vốn thấp hơn, điều kiện ưu đãi hơn.