Phát triển bền vững ngành công nghiệp điện tử
Nhiều năm qua, Việt Nam đã “trải thảm đỏ” thu hút nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao như: Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng…
Theo Tổng cục Thống kê, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, là thước đo trình độ phát triển kinh tế - kỹ thuật của mọi quốc gia trên thế giới. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Vị trí then chốt trong nền kinh tế
Những năm vừa qua, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng. Các sản phẩm máy vi tính và linh kiện điện tử ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm.
Các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, ngành linh kiện điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Tổng cục Thống kê cũng đưa ra con số, nếu năm 2011, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện mới chỉ chiếm 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu thì đến năm 2015 tỷ trọng đã tăng gấp hai lần, chiếm 9,6% và luôn duy trì mức hơn 10%.
Trong giai đoạn từ 2011-2022, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tốc độ tăng lần lượt các năm là: 2011 tăng 29,9%; năm 2012 tăng 68,4%; năm 2013 tăng 35,5%; năm 2014 tăng 7,5%; năm 2015 tăng 36,5%; năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 và năm 2020 cùng tăng 22,8%; năm 2021 tăng 13,5% và năm 2022 ước tính tăng 9,7%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2022 tăng 25,6%.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đã khiến giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này vượt qua dệt may trở thành nhóm hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 2 của Việt Nam.
Số liệu thống kê từ Bộ Công thương đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành điện tử và linh kiện. Trong hai tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9% so với cùng kỳ.
Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thực sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Hơn nữa, chúng ta cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới; tăng cường đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ trong xuất khẩu; cần có kế hoạch phát triển dài hạn, chú trọng tới sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá…
Hứa hẹn tạo doanh thu kỷ lục trong những năm tới
Bộ Công thương nhìn nhận, nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến hơn 100 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường EU gồm Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan...
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Với việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới.
Để hoạt động xuất khẩu của nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện thật sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, rất cần các giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp. Cần sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đối với các doanh nghiệp trong các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu…
Để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp doanh nghiệp trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định và tăng trưởng tốt. Đây là những tín hiệu đáng mừng, dự báo một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành điện tử và đem lại nhiều đóng góp lớn cho quá trình khôi phục và đạt mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024.