Phát triển bền vững thị trường vốn nhằm khơi thông nguồn vốn trung, dài hạn cho đầu tư, phát triển
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.
Phát triển cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn
Trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị về việc cần sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật, cũng như chỉ đạo triển khai để phát triển mạnh hơn thị trường vốn tương xứng với tiềm năng ở Việt Nam, qua đó từng bước giảm dần nhu cầu vốn vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn.
Trả lời kiến nghị này của cử tri tỉnh Tây Ninh, Bộ Tài chính cho biết, phát triển đồng bộ và cân bằng giữa thị trường tài chính và thị trường tiền tệ là một trong những vấn đề được ưu tiên của quá trình cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương tiếp tục rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động các thị trường tài chính, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu; quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường; bảo đảm tính thanh khoản cao và an toàn hệ thống.
Trong những năm vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường vốn nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển. Nhờ đó, thị trường vốn và các dịch vụ tài chính ngày càng hoàn thiện về cấu trúc và quy mô, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, thị trường ngày càng phát triển cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công và đầu tư công, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thị trường vốn đã có sự phát triển đáng khích lệ với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Đặc biệt, thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019-2021 đạt trên 30%/năm, qua đó dần thu hẹp khoảng cách và cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng.
Phát triển thị trường minh bạch, an toàn, bền vững
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện khung pháp lý và thể chế. Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu. Các nội dung sửa đổi liên quan đến vấn đề gia hạn, hoán đổi trái phiếu, định mức tín nhiệm và nhà đầu tư.
Hai là, đẩy mạnh công tác quản lý giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tăng cường giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK cơ sở, TTCK phái sinh, thị trường TPDN. Kịp thời chia sẻ cung cấp thông tin và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, ngăn chặn các hành vi thao túng, tăng cường kỷ luật trên thị trường. Kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến của TTCK trong nước và quốc tế để có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của TTCK.
Ba là, đẩy mạnh công tác truyền thông ổn định tâm lý, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư. Theo đó, tăng cường thông tin đầy đủ, chính thống và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động và đầu tư trên thị trường vốn, nhất là cường sự tham gia của các định chế, nhà đầu tư chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...
Bốn là, tổ chức thị trường trái phiếu. Bộ Tài chính sẽ phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ theo hai phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
Đối với phát hành ra công chúng, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành thì họ có thể phát hành trái phiếu ra công chúng, để tiếp cận đến tất cả các đối tượng nhà đầu tư.
Đối với kênh phát hành riêng lẻ, Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp ổn định thị trường. Song song với đó, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư; các doanh nghiệp trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu. Khuyến khích doanh nghiệp tự tăng cường tính công khai minh bạch để những doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp minh bạch có thể tiếp tục quay trở lại phát hành trái phiếu huy động vốn...
Năm là, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.