Phát triển công nghiệp bền vững: Giảm phụ thuộc vào khai khoáng

Theo daibieunhandan.vn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn nhiều mức 6,6% của 2 tháng đầu năm 2016. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có bước thay đổi căn bản trong định hướng phát triển, ngành công nghiệp khó đạt được mục tiêu tăng trưởng (chỉ số sản xuất công nghiệp) khoảng 8% trong năm 2017 cũng như phát triển bền vững trong những năm tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hệ quả này liên quan trực tiếp đến chiến lược phát triển của Việt Nam thời gian qua, bởi công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm vị trí quan trọng, là một đặc thù của điều kiện tự nhiên cũng như năng lực sản xuất của nước ta từ trước đến giờ.

Tuy nhiên, trong gần 2 năm trở lại đây, tăng trưởng công nghiệp thấp do sự suy giảm mạnh của ngành công nghiệp khai khoáng, cho thấy yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cần phải giảm dần và giảm nhanh tỷ trọng công nghiệp khai khoáng cùng với quá trình công nghiệp hóa, thay vào đó là phát triển bền vững các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

TS. Vũ Đình Ánh phân tích, bản thân các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng phải định hướng, giảm dần khu vực gia công với giá trị gia tăng thấp, sớm chuyển sang những ngành công nghệ cao có thể tạo ra giá trị gia tăng lớn... Đó là điểm then chốt trong chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng vẫn chiếm khoảng 10% GDP là quá lớn, trong bối cảnh khai thác ngày càng khó khăn và phụ thuộc nhiều vào biến động giá và cung - cầu trên thị trường thế giới vốn bất định. Sự giảm sâu của toàn ngành sản xuất công nghiệp do lĩnh vực khai khoáng giảm mạnh, theo TS. Võ Trí Thành là điểm tích cực để các nhà quản lý quyết tâm đổi mới, cải cách tư duy.

Theo TS. Võ Trí Thành, muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng bớt dựa vào khai thác tài nguyên để tạo ra tăng trưởng, thì phải dựa trên những lĩnh vực khác gắn với phát triển bền vững, hài hòa hơn với thiên nhiên, thân thiện hơn với môi trường. Điểm tích cực nữa là các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tái cấu trúc, chuyển đổi sâu sắc trong tổ chức, sản xuất kinh doanh, trong định hướng tầm nhìn và kế hoạch hành động.

Để làm được điều đó không có gì khác là phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm gia công, phụ thuộc. Hiện nay, xu hướng “bảo hộ” của một số nước gây khó khăn ngay cả ở những thị trường mà Việt Nam vốn có lợi thế xuất khẩu. Nguy cơ nhập siêu không chỉ nguyên phụ liệu mà còn cả hàng hóa giá rẻ đe dọa sức cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước.

Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận là khó khăn, thách thức của ngành công thương và cam kết sẽ có những giải pháp để thực hiện hiệu quả ngay trong năm 2017.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, chúng ta không thể chỉ trông đợi vào một số ngành hàng có lợi thế tạm thời, nhân công lao động rẻ cũng như những lợi thế trong các điều kiện địa chính trị, cũng không thể chỉ trông chờ vào ưu đãi của một số thị trường nhất định trong các khung khổ hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đang có.

Quan trọng là phải đổi mới và tổ chức lại sản xuất, bảo đảm năng lực cạnh tranh, đặc biệt là năng lực cạnh tranh dựa trên những nhân tố có giá trị gia tăng cao như năng suất lao động và công nghệ…

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, nhiều ngành công nghiệp vốn là lợi thế của nước ta như dệt may, da giày... sử dụng nhiều lao động cũng đang phải chịu những thách thức, áp lực từ việc robot hóa và tin học, tự động hóa của những nước có trình độ công nghệ cao.

“Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4” đòi hỏi ngành công thương vừa phải tăng cường xúc tiến đầu tư để tạo ra các đơn hàng và thị trường xuất khẩu, nhưng đồng thời phải phát triển, mở rộng thị trường và thị phần tiêu thụ hàng Việt tới các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Phát triển công nghiệp theo hướng bền vững phải là tăng cường các ngành công nghiệp gắn với sản xuất và tiêu dùng, giảm tỷ trọng gia công và khai thác tài nguyên, khoáng sản.