Phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản
Những năm qua, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét; tình trạng cấp phép tràn lan cơ bản được khắc phục; Ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chuyển dần từ phát triển theo bề rộng sang phát triển theo chiều sâu; Quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã đi vào thực tế cuộc sống. Hoạt động khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động, đóng góp quan trọng cho nguồn thu cho ngân sách nhà nước hằng năm. Tuy nhiên, hiện nay cũng đòi hỏi cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường.
Thực trạng hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng
Hiện nay, cơ chế chính sách đủ mạnh để hoạt động khoáng sản phát triển với việc cụ thể hóa theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã được tăng cường.
Mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục tăng, hình thành một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như: lọc, hóa dầu, sắt thép, đồng, chì – kẽm, phân bón, hóa chất, chế biến kim loại quý hiếm. Việc quản lý thu thuế tài nguyên thực hiện từ năm 1991 đến nay và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), nhất là dầu khí.
Số thu về thuế tài nguyên chủ yếu từ dầu thô và khí thiên nhiên khai thác từ các hợp đồng dầu khí, chiếm từ 82% đến 83% trên tổng số thu về thuế tài nguyên. Số thuế tài nguyên khai thác nội địa chiếm tỷ trọng khoảng 16-17% tổng thu NSNN, góp phần tăng cường quản lý tài nguyên, khuyến khích bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản được các bộ ngành liên quan phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục…
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong hai thập kỷ qua, nhiều loại khoáng sản của Việt Nam đã được khai thác ở quy mô lớn và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Tính đến đầu năm 2016, cả nước có khoảng 450 mỏ khai thác khoáng sản do Nhà nước quản lý, khai thác nhưng mang về chưa đến 3,5% GDP.
Tình trạng thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra thường xuyên ở hầu hết các dự án khai thác khoáng sản, do công tác lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, quyết định đầu tư dự án thiếu cơ sở, chưa tính toán đến các chi phí, lợi ích về mặt xã hội và môi trường.
Nhiều địa phương quá chú trọng vào việc phát triển kinh tế, nên tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng hệ sinh thái, nhất là các hoạt động của các mỏ khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các DN nhỏ, tư nhân.
Các khu mỏ đang khai thác hiện nay hầu hết nằm ở vùng núi và trung du, cùng với công nghệ khai thác hiện nay chưa hợp lý, nhất là đối với các kim loại, nên mức độ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, phá hủy rừng, hủy hoại về mặt đất, ô nhiễm nguồn nước, đất canh tác, không khí... từ đó ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các ngành kinh tế khác.
Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản quy mô nhỏ đang diễn ra khá phổ biến. Hiện Việt Nam có khoảng trên 170 DN hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản. Do vốn đầu tư của các DN hạn chế, khai thác bằng phương pháp thủ công, bán cơ giới, công nghệ lạc hậu và chạy theo lợi nhuận, ý thức chấp hành luật pháp chưa cao nên các chủ DN ít quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, để lại nhiều hậu quả xấu đến môi trường.
Thời gian dự án kéo dài, thủ tục hành chính phiền hà và qua nhiều công đoạn; năng lực nhà thầu, tư vấn còn nhiều hạn chế. Đa số các mỏ đang hoạt động sản lượng khai thác thấp hơn nhiều so với sản lượng được cấp phép, hoạt động không tuân thủ dự án, thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản cam kết được duyệt.
Trong khai thác mỏ kim loại, tác động rõ nét nhất là tàn phá mặt đất, ảnh hưởng lớn đến rừng và thảm thực vật. Việc khai thác vật liệu xây dựng, nguyên liệu cho sản xuất phân bón và hóa chất như đá vôi làm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước nghiêm trọng. Có thể nói, do sự phát triển ồ ạt nhưng thiếu quy hoạch, công nghệ lạc hậu và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản còn nhiều hạn chế, dẫn đến ô nhiễm môi trường ngày càng tăng ở nhiều địa phương.
Các hoạt động khai thác khoáng sản cũng có tác động rất lớn tới diện tích rừng, do phải chuyển đổi mục đích phục vụ cho khai thác khoáng sản. Đến nay, cả nước đã chuyển mục đích sử dụng 11.312 ha rừng, đất lâm nghiệp sang khai thác khoáng sản, song việc kịp thời hoàn phục môi trường, trồng lại rừng tại các khu vực kết thúc khai thác hầu như chưa được quan tâm thực hiện.
Nhiều khu vực đã kết thúc khai thác nhưng chưa được tổ chức, cá nhân thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định. Một số khu vực kết thúc khai thác đã thực hiện đóng cửa mỏ nhưng công tác cải tạo, phục hồi môi trường chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau khai thác.
Một số đề xuất
Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP từ khoảng 10% hiện nay lên 15-20% vào năm 2020 và tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo; Tăng tỷ trọng công nghiệp khai khoáng trong sản xuất công nghiệp; Hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu tầm cỡ trong khu vực, trong thời gian tới cần chú ý một số vấn đề sau:
Về phía cơ quan quản lý
Một là, tiếp tục quán triệt theo mục tiêu của Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, triển khai các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng thông qua mở rộng quyền lợi cụ thể để huy động nguồn vốn xã hội hóa; Khuyến khích khai thác tiết kiệm, hiệu quả, kinh tế, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường; Tăng cường công tác quản lý và cấp phép khai thác, kinh doanh tài nguyên khoáng sản, lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện, tiềm lực để khai thác, chế biến tài nguyên; Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước thông qua tăng cường nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý nhà nước về thăm dò, khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và xuất khẩu khoáng sản...
Hai là, khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản, đồng thời nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong thời gian tới. Khẩn trương rà soát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ có liên quan theo hướng phân công cụ thể trách nhiệm, tập trung quản lý thống nhất đầu mối quốc gia, khắc phục sự phân tán, chồng chéo về nhiệm vụ bảo vệ môi trường; Tăng cường năng lực quản lý môi trường các cấp, nhất là tập trung vào cấp quận, huyện, xã, phường; Tiếp tục rà soát các quy định về ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng quy định cụ thể về định mức trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường; Làm rõ phương án, trách nhiệm cải tạo phục hồi môi trường của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản...
Ba là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Tăng cường sự phối hợp trong thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản và môi trường trong việc kiểm tra, xác nhận hoàn thành từng phần công tác phục hồi môi trường trong quá trình khai thác. Có cơ chế quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với việc cấp phép khai thác và sử dụng tài nguyên một cách hợp lý tránh gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường như hiện nay. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, nghiệm thu Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Tăng cường quản lý sản lượng tài nguyên khai thác từ khâu cấp phép, cho đến quá trình tổ chức khai thác, tiêu thụ để chống thất thoát, trốn sản lượng tính thuế.
Bốn là, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách thu thuế tài nguyên để bảo đảm điều tiết vào NSNN hợp lý nguồn lợi từ khai thác khoáng sản. Nghiên cứu bổ sung một số loại tài nguyên có giá trị kinh tế cao vào đối tượng chịu thuế.
Đề nghị thống nhất thực hiện người được phép khai thác tài nguyên phải nộp thuế theo quy định của Luật Thuế tài nguyên. Nếu khai thác nhỏ lẻ không nộp thuế được thì người mua gom phải nộp thay, bảo đảm đúng đối tượng khai thác là người nộp thuế, tăng cường quản lý, tránh trốn thuế...
Năm là, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp khai khoáng bền vững. Theo đó, các cơ sở đào tạo cần tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nhân lực; Thiết lập một mạng lưới các cơ sở đào tạo các chuyên ngành để nâng cao khả năng hợp tác tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Trang bị cho sinh viên một nền tảng lý thuyết chuyên ngành có hệ thống, hiện đại và kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp; Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở đào tạo và các đơn vị, tổ chức, DN sử dụng nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản; Các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực và các trường nên phát huy cơ chế đào tạo đặt hàng; Phối hợp chặt chẽ giữa trường đào tạo và các đơn vị sản xuất để hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo kỹ năng chuyên môn và nghề nghiệp ngay trong thời gian sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường qua các đợt thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp...
Về phía doanh nghiệp khai khoáng
Một là, mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản phải lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.
Cải tạo, phục hồi môi trường phải bảo đảm đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần như ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn môi trường, bảo đảm an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
Hạn chế tổn thất tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình thăm dò, khai thác, chế biến; Điều tra chi tiết, quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản, Tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính cho công tác xử lý chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình khai thác và sử dụng khoáng sản như: Xử lý chống bụi, chống độc, xử lý nước thải, quy hoạch xây dựng các bãi thải…
Hai là, các DN cần đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chế biến khoáng sản tiên tiến, thân thiện môi trường, tạo ra giá trị kinh tế cao, nghiên cứu công nghệ khai thác các mỏ có điều kiện phức tạp, hạn chế xuất nguyên liệu thô... Hiện nay, nhu cầu vốn cho hiện đại hóa công nghệ lớn nên vẫn còn nhiều DN, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn nhưng chưa quan tâm thích đáng hoặc chưa có điều kiện để đổi mới hiện đại hóa công nghệ.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 “Về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 về Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
3. Tuyết Chinh (2016), Phát triển hoạt động khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, Báo Tài nguyên và Môi trường;
4. Đức Dũng (2016), Tăng hiệu quả khai thác khoáng sản, Báo Tin tức;
5. Một số trang web: kinhtetrunguong.vn, baotainguyenmoitruong.vn, sav.gov.vn