Phát triển thị trường ngoài nước 2015-2020, định hướng đến năm 2030:

Phát triển đa dạng không phụ thuộc

Theo Hoàng Giang/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cho ý kiến về Đề án phát triển thị trường khu vực thị trường ngoài nước thời kỳ 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Công thương, nhiều chuyên gia cho rằng, mở rộng, phát triển đa dạng thị trường nước ngoài là xu hướng tất yếu trong tương lai, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng vào khu vực, thế giới và đang tiếp tục nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc xuất nhập khẩu vào một số thị trường nhất định.

Chính sách hỗ trợ đúng hướng cho các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của nước ta phát triển mạnh và bền vững. Nguồn: internet
Chính sách hỗ trợ đúng hướng cho các doanh nghiệp trong nước sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của nước ta phát triển mạnh và bền vững. Nguồn: internet

Những năm gần đây, xuất khẩu đã và đang trở thành một trong những hoạt động được quan tâm tập trung trong phát triển kinh tế. Những năm đầu đổi mới, xuất khẩu chỉ chiếm 14,7% GDP và sau 10 năm, tỷ lệ này đã tăng gần gấp đôi, đạt 26,2% vào năm 1996. Đến năm 2013, đóng góp của xuất khẩu tăng lên mức 77,1 % GDP; dự báo vẫn chiếm tỷ lệ cao và có thể tăng hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Số thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD tăng từ 25 thị trường năm 2012 lên 27 thị trường năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các thị trường này chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Có thể thấy, trong giai đoạn 2011 - 2013, tỷ trọng xuất khẩu sang các khu vực thị trường chưa thực sự chuyển biến theo định hướng về cơ cấu thị trường đến năm 2020 trong Đề án phát triển thị trường khu vực thị trường ngoài nước thời kỳ 2015-2020, định hướng đến năm 2030 được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến mới đây: thị trường châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trọng điểm với tỷ trọng khoảng 46%, châu Mỹ khoảng 25%, châu Âu 20%, châu Đại Dương 4% và châu Phi khoảng 5%. Hơn nữa, xuất khẩu hàng hóa của nước ta hiện vẫn tập trung chủ yếu vào một số thị trường lớn và truyền thống như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản… 

Dự báo tình hình kinh tế thế giới thời gian tới vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn, gây sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, các biện pháp bảo hộ đang có chiều hướng gia tăng, nhất là các vụ kiện chống bán phá giá hay hàng rào kỹ thuật thương mại. Điều này sẽ gây ra những khó khăn, tác động trực tiếp đến việc phát triển thị trường nước ngoài, tìm kiếm đối tác, đầu ra của các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước.

Thời gian tới, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được tích cực đàm phán với các đối tác lớn và, khi được ký kết, sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa nước ta. Song, trong xu thế toàn cầu hóa, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, doanh nghiệp Việt không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước mà còn phải cạnh tranh gay gắt với các công ty nước ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mở rộng thị trường chính là đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Do vậy, việc mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, là yếu tố khách quan, cần thiết để doanh nghiệp Việt có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường.

Chính điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt cọ xát nhiều hơn với thế giới bên ngoài, có điều kiện để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khẳng định vị thế mới của chính mình trên trường quốc tế. Mặt khác, mở rộng thị trường sẽ giúp hoạt động xuất khẩu của nước ta giảm bớt sự phụ thuộc vào những thị trường lớn truyền thống để phát triển ổn định và bền vững hơn. 

Để có thể đạt được mục tiêu về cơ cấu thị trường đến năm 2020, Chính phủ cần tích cực chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường nước ngoài theo hướng quan tâm xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa (các doanh nghiệp hiện đang ở thế yếu hơn so với các doanh nghiệp FDI về tài chính, công nghệ và cả nguồn nhân lực).

Chính sách hỗ trợ đúng hướng cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sẽ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu của nước ta phát triển mạnh và bền vững trong bối cảnh hội nhập và tránh được tình trạng bị lệ thuộc vào các thị trường lớn hiện tại.

Bên cạnh đó, xem xét, thực hiện có hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong nước. Về lâu dài, Chính phủ cần phải xây dựng, ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ tổng thể cho doanh nghiệp về vốn, thuế; các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh; đặc biệt, cần xây dựng hệ thống ngân hàng xuất nhập khẩu hỗ trợ doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ thực sự, dựa trên thế mạnh của từng doanh nghiệp thông qua các hiệp hội. Đối với Bộ Công thương, cần đưa ra các chương trình xúc tiến thương mại theo hướng không chỉ tập trung vào thị trường gần mà phải hướng đến cả các thị trường nhiều tiềm năng khác như châu Mỹ, hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu thông tin về các thị trường xuất khẩu hiện rất phổ biến.

Bổ sung vào đề án quy định về xây dựng, hoàn thiện hệ thống cung cấp thông tin về tập quán, văn hóa, nhu cầu từng năm… của các thị trường trọng điểm, đặc biệt đối với các thị trường thường xuyên có sự biến động.