Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank

ThS. Nguyễn Thùy Trang

Dịch vụ ngân hàng điện tử mang lại những giá trị mới cho khách hàng, tiết kiệm thời gian, chi phí, tiện lợi thực hiện mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng và hiệu quả. Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những chiến lược phát triển được đặt lên hàng đầu của các ngân hàng thương mại trên thế giới. Xác định đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những trọng tâm hoạt động, Agribank đã có nhiều bước đi cụ thể, từ việc triển khai xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thanh toán đến tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vài nét về dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam

Trên thế giới, dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking) được cung ứng từ khá sớm, năm 1980 dịch vụ này được cung ứng bởi một ngân hàng ở Scotland (Tait, Fand Davis, 1989). Tuy nhiên, vào năm 1990 dịch vụ này mới chính thức được cung ứng bởi các ngân hàng (Daniel, 1998), sau đó ngày càng phát triển.

Hiện nay có nhiều cách định nghĩa về internet banking, khái niệm chung nhất có thể hiểu: Internet banking là một dịch vụ ngân hàng điện tử, là kênh phân phối từ xa các dịch vụ ngân hàng, với máy tính kết nối internet, khách hàng có thể thực hiện các dịch vụ của ngân hàng mọi lúc, mọi nơi.

Dịch vụ internet banking đóng vai trò quan trọng trong dịch vụ ngân hàng điện tử tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Lợi ích lớn nhất của internet banking là sự tiện lợi và giảm chi phí cũng như thời gian thực hiện giao dịch ngân hàng.

Các dịch vụ ngân hàng trực tuyến giúp người thực hiện giao dịch thuận tiện và dễ dàng chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, truy vấn thông tin tài khoản, mua hàng trực tuyến… chỉ trong vòng vài phút từ máy tính hay thiết bị cầm tay có nối mạng.

Khách hàng còn nhận được những lợi ích gia tăng như chiết khấu lớn hơn khi mua hàng trực tuyến, đặt dịch vụ khách sạn, du lịch online… Internet banking tạo ra kênh giao dịch thay thế, giảm chi phí cho ngân hàng cũng như khách hàng, nâng cao hiệu quả quay vòng vốn. Ngoài những tiện ích trên, internet banking được khuyến khích bởi góp phần đáng kể tạo nên nền kinh tế không dùng tiền mặt...

Internet banking xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2004, từ đó đến nay dịch vụ này ngày càng phổ biến. Nắm bắt sự phát triển nhanh chóng cũng như lợi ích mang lại, các NHTM Việt Nam đã và đang ứng dụng, triển khai những công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh nói chung, dịch vụ thanh toán nói riêng, nhất là về dịch vụ internet, dịch vụ qua thiết bị di động, dịch vụ thẻ.

Thống kê ở Việt Nam, có gần 70 NHTM đã cung ứng dịch vụ internet banking, khoảng 40 NHTM cung cấp dịch vụ thanh toán mobile banking, hơn 60 NHTM cung ứng dịch vụ thẻ.

Ngoài ra, còn có rất nhiều tổ chức trung gian thanh toán có thể hỗ trợ cho khách hàng thanh toán online, phục vụ thanh toán điện tử. Một số NHTM Việt Nam đã chủ động đầu tư, ứng dụng các giải pháp công nghệ thanh toán mới, hiện đại như: xác thực vân tay, sinh trắc, sử dụng mã QR code, thanh toán phi trực tiếp… mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.

Với sự triển khai mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi trong những năm gần đây hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm dần, từ 14,02% năm 2010 xuống còn khoảng 11% vào năm 2017. Tỷ lệ người dân có tài khoản tại NHTM ở mức khá cao.

Tính đến cuối tháng 10/2016, đã đạt trên 67,4 triệu tài khoản cá nhân, tăng 4 lần so với năm 2010, ước tính đến cuối tháng 9/2017, đạt trên 68 triệu tài khoản. Số lượng thẻ do các NHTM phát hành cũng tăng lên nhanh, đến nay đạt trên 110 triệu thẻ các loại, trong đó có khoảng gần 9% là thẻ tín dụng quốc tế.

Để đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ngày 30/12/2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu đề án đưa ra là đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán hàng và cung cấp dịch vụ. Nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt, với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.

Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, ngày 10/01/2017, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về việc tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử và thanh toán thẻ.

Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank

Xác định đẩy mạnh các dịch vụ ngân hàng điện tử là một trong những trọng tâm hoạt động, Agribank đã có nhiều bước đi cụ thể, từ việc triển khai xây dựng và hiện đại hóa hệ thống thanh toán đến tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thanh toán tiên tiến. 

Trên nền tảng công nghệ hiện đại, mạng lưới rộng lớn, Agribank hiện có trên 200 sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích. Trong số đó, nhiều sản phẩm dịch vụ của Agribank thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ huy động vốn, tín dụng, thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế, thẻ, e-banking… tạo nên thế mạnh riêng có của Agribank về sản phẩm dịch vụ.

Năm 2016, Agribank triển khai Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Với nỗ lực triển khai của toàn hệ thống, năm 2016, tất cả các dịch vụ của Agribank đều tăng trưởng so với năm 2015. Trong đó, nhóm dịch vụ e-banking, ủy thác đại lý, thẻ, dịch vụ khác đạt mức tăng trưởng tích cực trên 20%, nhóm thanh toán trong nước đạt mức tăng trưởng khả quan so với các năm trước.

Tính đến 31/7/2017, hoạt động thu dịch vụ của Agribank tăng 27% so cùng kỳ năm 2016, đạt gần 60% kế hoạch năm 2017. Một số nhóm dịch vụ tăng trưởng khá như dịch vụ e-banking tăng 42%, dịch vụ thẻ tăng 32%... Năm 2017, Agribank hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để mở rộng phạm vi, đối tượng phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Agribank chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, có khả năng phát triển nhanh để cung cấp cho khách hàng, tập trung đẩy nhanh việc triển khai dự án e-banking để xây dựng nền tảng dịch vụ đa kênh hoàn chỉnh, giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là internet banking và mobile banking.

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án e-banking, Agribank đã nghiên cứu, trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt danh mục dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu; nâng cấp, mở rộng các dịch vụ của các hệ thống gồm internet banking, nhóm dịch vụ kiều hối; thanh toán biên mậu; thanh toán hóa đơn; thu ngân sách nhà nước; thanh toán song phương với Kho bạc Nhà nước; thanh toán song phương với các ngân hàng; thanh toán liên ngân hàng và hệ thống giám sát ngân quỹ...

Agribank cũng tập trung hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng các Trung tâm dữ liệu, mạng truyền thông; nâng cao hiệu năng hoạt động của hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), tối ưu hóa năng lực xử lý của các hệ thống, bảo trì, quản lý vận hành tốt các hệ thống, đảm bảo giao dịch ổn định, thông suốt, đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, hỗ trợ triển khai chiến lược phát triển CNTT giai đoạn 2016 – 2020.

Hệ thống CNTT của Agribank đã góp phần nâng cao năng suất lao động, góp phần tạo hiệu quả trong xử lý công việc, giảm chi phí vận hành, giảm giá thành giao dịch bằng việc tự động hóa xử lý giao dịch.

Tính đến nay, khoảng 65% số lượng giao dịch của Agribank đã được tự động hóa, đáp ứng được việc tăng trưởng mạnh số lượng khách hàng, giao dịch của Agribank trong thời gian gần đây. Agribank cũng hoàn thiện các hệ thống an ninh thông tin, các quy trình về CNTT, nâng cao khả năng an toàn của hệ thống, nhằm đảm bảo an toàn tài sản cho ngân hàng và khách hàng, tạo niềm tin cho khách hàng.

Với việc xây dựng kế hoạch chi tiết, ưu tiên tập trung nguồn lực, rà soát, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án CNTT, đến nay, nhiều dự án CNTT quan trọng của Agribank đã được triển khai và đáp ứng kịp thời những nhu cầu cần thiết của hệ thống Agribank.

Đẩy nhanh phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại Agribank

Cùng với sự bùng nổ của CNTT, nhu cầu giao dịch thương mại hàng hóa, thanh toán dịch vụ trực tuyến, thực hiện dịch vụ công trên môi trường điện tử… ngày càng tăng, các NHTM ở nước ta đã nhận thức được lợi ích to lớn của internet banking và đã rất quan tâm phát triển dịch vụ này, đồng thời, chạy đua quyết liệt để chiếm lĩnh thị phần.

Để phát triển dịch vụ internet banking nhanh và bền vững, hệ thống các NHTM của nước ta nói chung và Agribank nói riêng cần tiếp tục quan tâm, chú trọng những vấn đề sau:

Thứ nhất, Agribank và các NHTM cần tiếp tục củng cố tăng cường lòng tin cho khách hàng về tính an toàn, bảo mật giao dịch, tăng nhận thức của khách hàng về internet banking như: dễ dàng sử dụng, tiện lợi, chi phí sử dụng.

Ngoài ra, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng, đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ, xử lý tình huống xảy ra, giải đáp các thắc mắc của khách hàng.

Thứ hai, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng đối với dịch vụ internet banking, trên lĩnh vực công nghệ, Agribank và các NHTM Việt Nam cần tiếp tục chú trọng đầu tư vào công nghệ bảo mật và an toàn dữ liệu từ các nước có công nghệ tiên tiến.

Các ngân hàng cũng cần quan tâm nhiều hơn về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc bảo mật và xác thực thông tin nhằm tạo lòng tin của khách hàng.

Thứ ba, không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống mạng, nâng cấp mở rộng đường truyền với băng thông rộng, dung lượng lớn, tốc độ cao. Việc cải tạo đường truyền sẽ giúp giải quyết khó khăn về mặt truyền tin trên mạng, hạn chế tối đa sự nghẽn mạng ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ.

Thứ tư, việc đẩy mạnh việc liên kết giữa các ngân hàng với nhau và liên kết với các nhà sản xuất công nghệ cần được chú trọng và đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Agribank  cũng cần tăng cường hợp tác về lĩnh vực công nghệ với các hãng sản xuất công nghệ, các tổ chức tài chính-ngân hàng khu vực và thế giới, qua đó tranh thủ sự hỗ trợ nhiều mặt: tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm… để từng bước nâng cao trình độ công nghệ và ứng dụng CNTT của Agribank.

Thứ năm, Agribank và các NHTM cần tăng cường tuyên truyền để khuyến khích sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ internet banking, cần làm cho khách hàng hiểu internet banking là gì, lợi ích vượt trội của dịch vụ này đem lại cho khách hàng.

Các NHTM Việt Nam cũng cần tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng để giới thiệu sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung và dịch vụ ngân hàng điện tử internet banking nói riêng, cung cấp cho khách hàng những kiến thức cần thiết để sử dụng dịch vụ hiệu quả.

Thứ sáu, khi dịch vụ internet banking được các ngân hàng chú trọng phát triển nhằm tạo sự tương đồng về vốn đầu tư và công nghệ tiên tiến, thì chất lượng dịch vụ được đặt ra như một thế mạnh cạnh tranh của mỗi ngân hàng, nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng.

Đi đôi với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cần xây dựng hệ thống thu nhận, phản hồi và xử lý khiếu nại của khách hàng tốt hơn để có thể quản lý được các vấn đề phát sinh, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp.

Thứ bảy, cơ quan quản lý cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh trên mạng và làm căn cứ để giải quyết tranh chấp giữa ngân hàng với khách hàng, khi xảy ra sự cố giao dịch trên dịch vụ internet banking; xây dựng chuẩn chung và cơ sở pháp lý cho văn bản điện tử, chữ ký điện tử và chứng nhận điện tử.          

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Thị Thùy Dương, Đàm Văn Huệ, Phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử tại các NHTM, Tạp chí Kinh tế và Phát triển số 188 (II), tháng 02/2013;

2. Nguyễn Phan Yến Phương, Dịch vụ ngân hàng điện tử xu hướng thanh toán trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ số 16 tháng 8/2016;

3. Phạm Đức Tài, Triển vọng thúc đẩy dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính tháng 6/2014;

4. http://www.agribank.com.vn/.