Phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi


Ngoài việc góp phần hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), điều tiết lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các dự án (DA) thủy lợi tại TP Hồ Chí Minh còn có nhiệm vụ kiểm soát triều cường, phòng, chống ngập úng, thiên tai. Ngành nông nghiệp thành phố xác định phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi (HTTL), từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Máy vớt rác tự động tại dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi.
Máy vớt rác tự động tại dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi.

Nhiều kết quả tích cực

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện, đề xuất đầu tư nhiều DA thủy lợi, công trình thủy lợi (CTTL) nhằm dần hoàn thiện HTTL trên địa bàn thành phố. Đơn cử như DA nâng cấp HTTL kênh Đông Củ Chi (huyện Củ Chi), sau hơn hai năm thực hiện (giai đoạn 1) đã đưa vào sử dụng, mang lại nhiều kết quả tích cực, bảo đảm năng lực cấp nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp; bờ kênh được cứng hóa đã làm thay đổi bộ mặt GTNT vùng nông thôn ngoại thành TP. Hồ Chí Minh. 

Đặc biệt, việc đầu tư hệ thống kiểm soát nước tưới tự động tại 24 vị trí kênh cấp 1, kênh nội đồng, lắp đặt hệ thống bốn máy vớt rác tự động đã kiểm soát tốt chất lượng nguồn nước. Từ đó, hỗ trợ, phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích là 200 ha; phát triển hạ tầng GTNT theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa tiến tới tự động hóa hệ thống quản lý vận hành công trình.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. Hồ Chí Minh, nhờ có CTTL này, thành phố đã chủ động được nguồn nước, phục vụ tưới cho 11.500 ha, tiêu thoát nước 17.000 ha; nuôi trồng thủy sản và cấp nước thô phục vụ sinh hoạt với công suất 450.000 m3/ngày đêm, góp phần tạo diện mạo mới cho phát triển huyện Củ Chi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức cho biết thêm, CTTL kênh Đông Củ Chi đã góp phần khai thác hiệu quả nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn huyện cũng như thành phố. Nhờ có CTTL này, địa phương đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt thông qua cấp nước thô cho nhà máy nước kênh Đông để xử lý thành nước sạch, cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi.

Tương tự, DA đê bao bờ hữu sông Sài Gòn, từ sông Vàm Thuật đến cầu Bến Súc có tổng chiều dài 64 km, chia làm tám DA thành phần. Đến nay, có bốn DA hoàn thành với chiều dài hơn 41 km, bốn DA còn lại cũng đang triển khai. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Hoàng, sau khi các DA trên hoàn chỉnh sẽ hình thành tuyến đê bao kiên cố, bảo đảm ngăn triều, chống ngập cho khoảng 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và khu dân cư. Đồng thời, góp phần làm thay đổi diện mạo các quận, huyện ngoại thành như huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận 12.

Chú trọng đầu tư hệ thống thủy lợi

Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống CTTL chưa đồng bộ, khép kín, chủ yếu tập trung xây dựng CTTL đầu mối nên chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của DA. Công tác quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng, sữa chữa CTTL hằng năm chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, kịp thời, dẫn đến nhiều CTTL xuống cấp…

PGS., TS. Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy hoạch xây dựng các DA thủy lợi cần kết hợp các công trình chống ngập, nhằm triển khai tổng thể như đồng bộ hệ thống mương, cống tiêu thoát nước; xây dựng đê bao, giao thông nội đồng; các DA thuộc quy hoạch thoát nước và thủy lợi; ứng dụng khoa học - công nghệ trong việc vận hành và kiểm soát nguồn nước. Từ đó sẽ giảm thiệt hại, tăng năng suất và sản lượng nông nghiệp, cải thiện hạ tầng GTNT, đưa lại diện mạo khởi sắc cho vùng nông thôn ngoại thành.

Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp cho biết, đến nay, thành phố đã triển khai thực hiện hoàn thành 45 CTTL và đang triển khai các thủ tục đầu tư 147 CTTL phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung chủ yếu tại 5 huyện ngoại thành gồm: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ. Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp thành phố sẽ kiên cố hóa, cứng hóa bờ kênh, mặt đê, hiện đại hóa quản lý vận hành HTTL kênh Đông Củ Chi và hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh; xây dựng hồ điều hòa Bến Mương - Láng The và đầu tư các CTTL khác trên địa bàn huyện Bình Chánh, Củ Chi và Cần Giờ.

Để đồng bộ HTTL, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 12 DA thủy lợi theo quy định của Luật Đầu tư công, trải dài trên bốn quận, huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và quận 12. Thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí dự kiến hơn 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Cụ thể, nhóm ưu tiên 1 có 7 DA thủy lợi với số vốn hơn 2.600 tỷ đồng; nhóm ưu tiên 2 có 5 DA, với vốn gần 1.900 tỷ đồng. Trong đó, DA nâng cấp HTTL kênh Đông Củ Chi (giai đoạn 2), có nguồn vốn lớn nhất khoảng 1.140 tỷ đồng…

Ngoài việc xây dựng các CTTL, ông Đinh Minh Hiệp cho biết, ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác; nâng cao năng lực ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập úng; bảo đảm an toàn công trình, phục vụ sản xuất, dân sinh và phát huy hiệu quả công trình, tiết kiệm nước; thực hiện các biện pháp kỹ thuật tưới, tiêu khoa học... để phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đã và đang triển khai các DA thủy lợi và chống ngập úng trên địa bàn, góp phần kiểm soát triều cường, phòng, chống thiên tai, cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, khép kín HTTL, kết nối đồng bộ các DA đã được đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu GTNT, góp phần phát triển KT-XH thành phố.