Phát triển du lịch góp phần tăng cường nguồn lực tài chính cho tỉnh Bình Phước
Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước. Là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển ngành công nghiệp du lịch, trong những năm qua, du lịch của Bình Phước đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước và kinh tế – xã hội địa phương, tuy nhiên, hiện nay, ngành này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp phát triển đồng bộ trong thời gian tới.
Tiềm năng kinh tế du lịch của tỉnh Bình Phước
Tiềm năng tự nhiên cho phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Bình Phước chính là hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú và sự đa dạng sinh học. Dựa trên thế mạnh này, tỉnh Bình Phước có thể kết hợp mở các tuyến du lịch khác trong Tỉnh, trong khu vực hoặc liên vùng, tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang tính đặc thù của địa phương theo hướng du lịch sinh thái, leo núi, đi bộ xuyên rừng, du lịch khám phá… với các điểm đến gồm: Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, Vườn Quốc gia Tây Cát Tiên (Bù Đăng)... Bên cạnh đó, địa hình Bình Phước tương đối bình nguyên, độ cao và độ dốc biến động lớn, phong phú về địa mạo… tạo ra hệ thống ao hồ, suối tự nhiên tương đối nhiều với mật độ 0,7-0,8km/km2, gắn với sông Bé, sông Đồng Nai, sông Măng...
Là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc và thuộc biên giới ở khu vực Đông Nam bộ, sự cộng cư của nhiều cộng đồng đã tạo nên sự đa dạng văn hóa tộc người của tỉnh Bình Phước.
Là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc và thuộc biên giới ở khu vực Đông Nam bộ, sự cộng cư của nhiều cộng đồng đã tạo nên sự đa dạng văn hóa tộc người của tỉnh Bình Phước. Văn hóa đồng bằng và văn hóa miền sơn cước đã tạo nên một bức tranh tổng hòa, đặc trưng và thống nhất, sẽ là tiền đề để phát triển mô hình du lịch homestay. Đặc biệt, mô hình này sẽ thích hợp đối với các thôn sóc của người S’tiêng, Mạ, Kh’mer… ở các địa phương của tỉnh Bình Phước, vốn là điểm hấp dẫn đối với du khách nước ngoài.
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, tỉnh Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng dân gian. Hiện nay, Bình Phước lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, dân tộc đặc sắc như nghề dệt thổ cẩm, cách ủ rượu cần truyền thống, dân ca dân vũ, các loại hình diễn xướng dân gian và lễ hội truyền thống. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bình Phước hiện có 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch cuối tuần và du lịch văn hóa. Toàn Tỉnh có 10 công ty lữ hành, trong đó 2 công ty lữ hành quốc tế, 8 công ty lữ hành nội địa. Tỉnh cũng có hơn 500 cơ sở lưu trú, trong đó 76 cơ sở được xếp hạng lưu trú và đang hoạt động. Với đa dạng sản phẩm du lịch, nhiều năm qua Bình Phước là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Thống kê cho thấy, giá trị tăng thêm ngành Du lịch Bình Phước có xu hướng tăng, với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2018 là 16,01%. Cụ thể, năm 2016, doanh thu ngành Du lịch đạt 421,33 tỷ đồng; năm 2017 là 466,58 tỷ đồng và năm 2018 là 528,64 tỷ đồng (chiếm 1,29% tổng giá trị tăng thêm - GRDP của toàn Tỉnh). Số lượng khách du lịch đến Bình Phước liên tục tăng, năm 2018 đạt gần 8,3 triệu lượt khách. Tăng trưởng tổng lượng khách bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 đạt 11,1%/năm. Năm 2019, toàn Tỉnh đón 912.270 lượt khách, doanh thu 570,7 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, với những thế mạnh sẵn có, hàng năm, lượng du khách đến Bình Phước đạt từ 200.000 đến 300.000 lượt khách, doanh thu có xu hướng tăng nhanh qua các năm.
Một số tồn tại, thách thức
Hơn 2 thập kỷ tái lập Tỉnh, du lịch Bình Phước vẫn được đánh giá là “tiềm năng” và chưa được “đánh thức” bởi những tồn tại, hạn chế.
Một là, công tác lập quy hoạch tổng thể và chi tiết chưa kịp thời. Phát triển du lịch trong quy hoạch chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao, khả năng thu hút đầu tư còn yếu…
Hai là, các loại hình, sản phẩm du lịch chưa đa dạng: Hiện nay, Bình Phước có 4 loại hình sản phẩm du lịch đang được khai thác phát triển chủ yếu gồm: du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch cuối tuần. Toàn Tỉnh có 10 công ty lữ hành hoạt động đưa đón khách du lịch và 500 cơ sở được xếp hạng lưu trú du lịch, tuy nhiên, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn Tỉnh hầu hết chỉ mới đáp ứng dịch vụ nghỉ dưỡng từ trung bình trở xuống.
Ba là, hệ thống lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu: Về lưu trú chưa có hệ thống nhà hàng khách sạn đáp ứng khách du lịch có nhu cầu cao cấp như khách sạn 3 đến 5 sao để có thể thu hút khách MICE – lượng khách thường có chi tiêu cao. Đa số các cơ sở lưu trú phân bổ không đều, chủ yếu tập trung ở các khu trung tâm huyện, thị xã. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú còn thấp…
Bốn là, chưa đồng bộ trong hạ tầng giao thông và cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp du lịch. Hiện nay, giao thông đi lại, các phương tiện vận chuyển tại Bình Phước và kết nối các tỉnh lân cận chưa phát triển đa dạng, chưa thực sự thuận lợi cho khách du lịch. Các khu du lịch, vui chơi, giải trí mạnh còn ai nấy làm, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa quy hoạch của tỉnh và đầu tư của khu vực công – tư hay kết hợp công – tư trong việc phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ.
Năm là, hoạt động quảng bá du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giải pháp phát triển du lịch tại Bình Phước
Để ngành Du lịch tại Bình Phước phát triển nhanh và bền vững, đóng góp xứng đáng vào ngân sách và kinh tế - xã hội địa phương, thời gian tới cần chú trọng triển khai một số giải pháp đồng bộ sau:
Về quy hoạch
Tỉnh có thể mời các chuyên gia về quy hoạch và du lịch cùng trao đổi để đưa ra quy hoạch chi tiết và đồng bộ về du lịch tại Bình Phước ngay từ đầu để hạn chế tình trạng “mạnh ai nấy làm”, không đồng bộ như hiện nay. Chú trọng phát triển du lịch song song với việc bảo tồn thiên nhiên, đời sống văn hóa, xã hội tại Bình Phước. Đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp du lịch, có chính sách kết hợp công tư như Nhà nước và tư nhân cùng làm du lịch, hay đổi đất lấy hạ tầng (phải theo quy hoạch của tỉnh), ban hành các quy chuẩn hoạt động cho hệ thống các dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí theo hướng phù hợp quy định chuẩn Việt Nam và quốc tế để quản lý tốt chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến du lịch.
Về giao thông
Phối hợp phát triển giao thông kết nối Bình Phước và các tỉnh lân cận. Chú trọng phát triển giao thông trong nội bộ Tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của khách tham quan, mua sắm. Đa dạng hóa các phương tiện đi lại, kết nối Bình Phước với các khu vực lân cận và trong nội tỉnh. Làm các bảng chỉ dẫn đường kết hợp với quảng bá các khu vực du lịch của Tỉnh.
Về lưu trú
Công khai quy hoạch, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước xây dựng dịch vụ lưu trú các loại hình từ bình dân như nhà nghỉ, homestay đến loại hình cao cấp như các khách sạn 4 - 5 sao đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, có thể áp dụng mô hình kết hợp công - tư xây dựng nhà hàng - khách sạn 3 sao phối hợp với đơn vị quản lý chuyên nghiệp để kinh doanh thu ngân sách cải thiện đời sống cho cán bộ công chức, viên chức của Tỉnh.
Tỉnh cần có các chính sách ưu đãi hỗ trợ các nhà đầu tư nhằm thu hút họ đầu tư vào du lịch cũng như các ngành phụ trợ cho du lịch tại Bình Phước như Vân Đồn đã làm. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bằng cách đơn giản hóa và công khai, minh bạch các thủ tục, các quy trình liên quan đến việc mở doanh nghiệp hay kinh doanh du lịch, các dịch vụ phụ trợ tại Bình Phước.
Về ăn uống
Phát triển hệ thống các quán ăn, nhà hàng giới thiệu đặc sản của địa phương, món ăn thuần Việt song song với các quán ăn, nhà hàng fast food, thức ăn Nhật Bản, Hàn Quốc… đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách. Đầu tư, xây dựng các chuỗi nhà hàng ăn uống, khu ẩm thực, lễ hội ẩm thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống, tiếp thu tinh hoa ẩm thực thế giới; Tổ chức các hoạt động hướng dẫn vệ sinh, an toàn thực phẩm cho người kinh doanh các loại hình ăn uống (miễn phí hoặc có thu phí), tổ chức kiểm tra, kiểm soát nguyên liệu, quy trình chế biến thực phẩm để hạn chế các trường hợp mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến uy tín của địa danh.
Về vui chơi, giải trí
Quy hoạch bài bản các khu vui chơi giải trí du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử... Học hỏi các mô hình làng nghề, làng truyền thống (như du lịch Hàn Quốc đã làm) để giới thiệu văn hóa Bình Phước cho du khách. Kết hợp các dịp lễ hội tại địa phương để tổ chức các hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách (học hỏi các mô hình Thái Lan đã làm với lễ hội té nước Songkran, lễ hội hoa đăng Loy Krathong… để áp dụng cho các lễ hội tại Bình Phước).
Quy hoạch các loại hình giải trí về đêm cho du khách như: các hình thức đốt lửa trại kết hợp các trò chơi dân gian của Việt Nam, biểu diễn ca múa nhạc truyền thống của các dân tộc địa phương…
Về mua sắm, giới thiệu đặc sản, quà lưu niệm cho du khách: Có thể kết hợp với các làng nghề, với cư dân tại chỗ để cho du khách vừa tham quan, vừa kết hợp thưởng thức đặc sản tại địa phương cũng như mua quà lưu niệm tại địa phương. Đầu tư, xây dựng các khu phố mua sắm, trung tâm mua sắm, chuỗi cửa hàng kinh doanh hàng hóa, đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ có xuất xứ trong nước, cửa hàng miễn thuế; tổ chức các chương trình khuyến mại thường niên hằng năm...
Về thiết kế tour
Thiết kế tour du lịch Bình Phước và tour kết hợp du lịch liên tuyến Đà Lạt – Bình Phước, Bình Phước – Campuchia… và liên kết với các hãng lữ hành trong và ngoài nước để giới thiệu Bình Phước với du khách trong và ngoài nước. Đầu tư phát triển dịch vụ du lịch gắn với thể thao trên cơ sở tài nguyên du lịch và lợi thế về địa hình của Việt Nam; tổ chức các sự kiện thể thao để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, có thể kết hợp tour du lịch với cung cấp các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp trên cơ sở khai thác giá trị y học cổ truyền, y học hiện đại...
Về đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch
Tăng cường đào tạo nhân sự ngành Du lịch, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cho Bình Phước. Theo đó, Tỉnh nên kết hợp với các trường đại học trong khu vực cũng như mời các chuyên gia, giảng viên giỏi về du lịch để đào tạo nhân lực cho địa phương. Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm du lịch. Chú trọng đào tạo kiến thức phù hợp cho người dân tộc để họ phát huy thế mạnh làng nghề, văn hóa, truyền thống, cùng tham gia vào phát triển du lịch tại địa phương. Ngoài ra, đối với Sở Du lịch, Văn hóa và Thể thao, cần phối hợp với các trường đại học triển khai chiến lược đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý hoạt động du lịch địa phương.
Về công tác quảng bá du lịch
Ngoài việc phối hợp với các công ty du lịch quảng bá, giới thiệu tour đến du khách, Tỉnh nên tham gia các hội chợ du lịch, tích cực tổ chức, quảng bá các hoạt động văn hóa đặc trưng của địa phương như: Lễ hội cầu mưa của người dân tộc S'Tiêng, Lễ hội miếu Bà Rá từ ngày 1-4/3 âm lịch, Tết mừng lúa mới của người M’Nông (lễ Cơm mới)… Đồng thời, liên kết với google cũng như các website du lịch như: Agoda, Traveloka, ivivu, mytour, booking… để quảng bá về Bình Phước như một điểm đến thú vị.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê tỉnh Bình Phước (2019), Niên giám thống kê tỉnh Bình Phước năm 2018, Bình Phước;
2. Lê Thị Quỳnh Như (2020), Một số giải pháp phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Bình Phước, Tạp chí Công Thương;
3. Thanh Tuyền (2018), Bình Phước phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, Báo Pháp luật điện tử TP. Hồ Chí Minh;
4. Buôn Krông, Tuyết Nhung (2017), Tiềm năng phát triển du lịch bền vững của tỉnh Bình Phước, khoahocthoidai.vn;
5. Một số website: vntrip.vn. vietravel.com.