Phát triển hoạt động thương mại biên giới trong tình hình mới
Đến nay, trên toàn tuyến biên giới có 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở, có 28 khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Hoạt động thương mại biên giới đã phát triển mạnh và dần trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới.
“Đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Việt Nam có chung khoảng 4.927 km đường biên giới với ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trải dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam, tiếp giáp với 2 tỉnh biên giới của Trung Quốc (khoảng 1.450km), 10 tỉnh biên giới của Lào (2.340km) và 9 tỉnh biên giới của Campuchia (khoảng 1.137km). Tính đến nay, trên toàn tuyến biên giới có 24 cửa khẩu quốc tế, 26 cửa khẩu chính, 86 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở, có 28 Khu kinh tế cửa khẩu đã được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tổng số 295 chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu.
Trên nền tảng đó, thời gian gần đây, hoạt động thương mại biên giới đã phát triển mạnh và dần trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới trọng yếu của đất nước. Cơ cấu hàng hóa thương mại biên giới có nhiều thay đổi theo hướng đa dạng, phong phú hơn. Thông qua hoạt động thương mại biên giới, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm được xuất khẩu biên mậu sang Trung Quốc đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và các dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ khác của Việt Nam. Đồng thời, thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam đã nhập khẩu được một số nguyên, nhiên vật liệu, vật tư cần thiết từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước như than cốc, phân bón và hóa chất công nghiệp… Trong khi đó, một số hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng của Việt Nam được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, từng bước thâm nhập hoặc xây dựng được các kênh phân phối ổn định tại hai thị trường này.
Tính riêng năm 2015, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới đất liền về cơ bản tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khá. Tổng kim ngạch mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt khoảng 27,56 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2014. Trong đó, tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc chiếm khoảng 85%, tuyến biên giới Việt – Lào chiếm khoảng 4% và tuyến biên giới Việt Nam – Capuchia chiếm 11%. Tuy nhiên, vẫn còn có sự biến động trái chiều giữa các tuyến biến giới. Cụ thể như: Xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt – Trung tăng 10,1% so với năm 2014, lại giảm 26,6% tại tuyến Việt Nam – Lào và chỉ tăng nhẹ 3% ở tuyến Việt Nam – Campuchia.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, quy mô thương mại biên giới Việt – Trung năm 2015 lớn hơn năm 2014, xuất nhập khẩu đạt 5.842,3 triệu USD, tăng 10,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 2.665,7 triệu USD, giảm 12,1%; nhập khẩu đạt 3.176,6 triệu USD, tăng 40%; các phương thức tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan đạt 17.380,4 triệu USD, tăng 47,1% so với năm 2014. Trao đổi với cư dân biên giới đạt 227,1 triệu USD tăng 188,4%. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc rất phong phú, đa dạng.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt – Lào cũng chiếm khoảng 4% trong tổng quy mô thương mại biên giới của cả nước, đạt khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng hơn 400 triệu USD, giảm 9% và nhập khẩu đạt khoảng gần 700 triệu USD, giảm 32%.
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Campuchia năm 2015 chiếm khoảng 11% thương mại biên giới cả nước, ước đạt 3,05 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt khoảng hơn 400 triệu USD, giảm 9% và nhập khẩu đạt khoảng gần 700 triệu USD, giảm 32%.
Hoạt động kinh doanh thương mại biên giới cũng ngày càng đa dạng hơn với nhiều phương thức như: Xuất nhập khẩu trực tiếp, tạm nhập – tái xuất, chuyển khẩu, kho ngoại quan, trao đổi của cư dân biên giới. Giá trị hàng hóa mua, bán, trao đổi cư dân biên giới của 25 tỉnh biên giới Việt Nam năm 2015 đạt khoảng 250 triệu USD. Hàng hóa mua, bán, trao đổi cư dân biên giới chủ yếu là nông, lâm sản, nông cụ, hàng tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày…
Bên cạnh những kết quả trên, công tác quản lý hoạt động thương mại biên giới vẫn còn tồn tại một số hạn chế như:
- Tại tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc: Hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là hệ thống kho lạnh chưa được đầu tư; Một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ khi mua bán, trao đổi với Trung Quốc là theo hình thức đi chợ, doanh nghiệp không có hợp đồng mua bán sẵn; Thông tin về thương mại biên giới phục vụ công tác quản lý và điều hành còn thiếu, hạn chế, đặc biệt là thông tin thương mại biên giới với Trung Quốc rất nhạy cảm…
- Tại tuyến biên giới Việt – Lào: Hàng hóa Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt của hàng hóa Thái Lan, Trung Quốc tại thị trường Lào. Tuy hàng hóa có cơ cấu tương đồng nhưng chất lượng, mẫu mã, ngôn ngữ quảng cáo trên sản phẩm và giá cả của hàng hóa Thái Lan và Trung Quốc đều tốt hơn; Các biện pháp tạo thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện qua lại hai biên giới còn hạn chế…
- Tại tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia: Hoạt động của các chợ biên giới còn hạn chế, cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đầu tư và hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, phục vụ chủ yếu nhu cầu hàng ngày của cư dân biên giới; Việc thay đổi chính sách bán hàng miễn thuế đối với một số mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm (rượu, thuốc lá…) đã khiến cho lượng khách hàng đến các khu thương mại thuộc khu kinh tế cửa khẩu sụt giảm…
Thương mại biên giới kỳ vọng vào sức bật mới
Cùng với những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển của hoạt động kinh tế của Việt Nam với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trong năm 2016, dự báo thương mại biên giới sẽ thuận lợi hơn so với năm 2015. Dự báo thương mại biên giới qua các cửa khẩu biên giới đến năm 2016 sẽ đạt khoảng 30 tỷ USD.
Nhằm tận dụng những cơ hội trên, chúng tôi cho rằng cần thiết phải quan tâm chú trọng tới một số nội dung sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh hợp tác với các nước có chung biên giới để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới; Thúc đẩy đàm phán với các nước có chung biên giới với Việt Nam về việc ký kết các hiệp định, thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại biên giới trong giai đoạn hiện nay; Sớm nghiên cứu đề án thành lập “Hiệp hội kinh doanh biên mậu” để đảm bảo quyền lợi cho các thương nhân của Viêt Nam trong kinh doanh với Trung Quốc và các nước láng giềng; Ký kết Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2016, thay thế Hiệp định năm 1998…
Thứ hai, đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chính quyền địa phương tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực biên giới nói chung và khu vực cửa khẩu nói riêng nhằm đảm bảo cơ sở hạ tầng thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới phát triển.
Thứ ba, cần điều chỉnh mức kinh phí cho hoạt động xúc tiến thương mại biên giới tại những khu vực biên giới, tập trung hỗ trợ thương nhân, phát triển các phương thức kinh doanh, các mặt hàng chủ lực, có tiềm năng doanh thu lớn và ổn định. Đa dạng hóa các hình thức, phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các nước bạn trong tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị vào sâu trong hệ thống phân phối nội địa của các nước.
Thứ tư, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách về phát triển thương mại biên giới, nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đồng thời, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động thương mại biên giới phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động thương mại biên giới.