Tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền

pv.

(Taichinh) - Vừa qua, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã làm việc tại Tây Ninh. Nội dung chuyến công tác này nhằm góp phần cùng Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có những chính sách tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền của cả nước trong thời gian tới.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát thực tế tại Khu kinh tế cửa khẩu và Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát thực tế tại Khu kinh tế cửa khẩu và Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.

Tham gia Đoàn công tác có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ nghiên cứu thuộc Ban và đại diện một số bộ, ban , ngành như: Bộ Công an,Bộ Tư lệnh Biên phòng,…Tham dự buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương về phía Tỉnh ủy Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh; Thường trực Tỉnh ủy và đại diện các sở ban ngành của tỉnh Tây Ninh…và đại diệnlãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằngmặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển và đạt những thành tựu quan trọng. Có 15/23 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả cao hơn. Giá trị sản xuất các khu vực kinh tế tăng khá. Sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh sau suy giảm, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo giá trị gia tăng cao; nhiều doanh nghiệp chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Xuất khẩu tăng nhanh hằng năm, sản phẩm đa dạng, giảm bớt xuất khẩu nguyên liệu thô, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Thu hút đầu tư ngoài nước tiếp tục khởi sắc, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều thay đổi; tập trung nguồn lực đầu tư kiến thiết thị xã Tây Ninh trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh trước thời hạn hai năm. Các mặt văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên; một số vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm, giải quyết cơ bản.

Đặc biệt tình hình phát triển kinh tế - xã hội Quý I năm 2015 tăng trưởng khá; tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 9,4% so với cùng kỳ. Nông - lâm - thuỷ sản; công nghiệp - xây dựng; dịch vụ đạt tỷ trọng khá cao. Giá trị sản xuất các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cũng tăng so cùng kỳ.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, trên từng lĩnh vực vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội chưa đạt Nghị quyết; kinh tế tuy tăng trưởng nhưng chưa bền vững; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; nông nghiệp phát triển chưa vững chắc; thương mại - dịch vụ chuyển biến chưa nhiều; thị trường xuất khẩu còn khó khăn; kinh tế cửa khẩu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; môi trường đầu tư có mặt chưa thông thoáng; thu ngân sách còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chi cho phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới kết quả chưa toàn diện; tốc độ đô thị hoá chưa cao; tài nguyên môi trường chưa được quản lý chặt chẽ, khai thác, sử dụng có hiệu quả; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; cải cách hành chính chưa đồng bộ. Văn hoá, xã hội có mặt còn bất cập; một số vấn đề xã hội bức xúc giải quyết chưa dứt điểm; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị chậm được thu hẹp. Về ý nghĩa của vấn đề phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh cho rằng là hết sức cần thiết, không chỉcó ý nghĩa quan trọng trong việc đối ngoại, hội nhậpmà còn làđảm bảo an ninh, quốc phòng, xây dựng đườn biên giới hòa bình, ổn định của đất nước.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá caonhững nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã đạt được trong thời gian qua trong tình hình bối cảnh chung đang rất khó khăn.

Trao đổi về tình hình phát triển tuyến biên giới đất liền, đồng chí Trưởng Ban nhấn mạnh, việc phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh là một vấn đề quan trọng. Thực hiện chương trình công tác năm 2015,để xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới trên đất liền, với 435 xã, ở 103 huyện, thuộc 25 tỉnh trong cả nước,Ban Kinh tế Trung ương đã có khảo sát một số địa phương, trong đó tỉnh Tây Ninh - một tỉnh có các cửa khẩu quan trọng của nước ta.Đồng chí Trưởng Ban ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của tỉnh Tây Ninh, đồng thời đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy hoàn thiện thêm báo cáo nêu rõ một số vấn đề như: quy hoạch; chính sách thương mại biên giới, kể cả chính sách của phía bạn; kết cấu hạ tầng; sắp xếp bố trí dân cư; thị trường lao động - hàng hóa; kinh tế quốc phòng;… góp phần cùng Ban Kinh tế Trung ương xây dựng Báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư để có những chính sách tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới đất liền của cả nước trong thời gian tới.

Trong chương trình làm việc của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, huyện Bến Cầu, đồng chí Trưởng Ban và Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và làm việc với Huyện ủy Bến Cầu cũng như đại diện lãnh đạo Khu kinh tế cửa khẩu cũng như các ban, ngành liên quan.

Buổi làm việc tập trung nghiên cứu một số vấn đề như: Điểm đặc thù tuyến biên giới đất liền Campuchia ở Mộc Bài, Tây Ninh; điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở cả phía Việt Nam và phía bạn; vấn đề phân cấp quản lý; tăng cường phát triển khu kinh tế cửa khẩu; thực trạng dân cư biên giới, đặc biệt ở những xã có cửa khẩu; vấn đề giao đất, giao rừng; Cơ cấu và quản lý lao động, quản lý xuất nhập cảnh; Tình hình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia, đặc biệt là đầu tư FDI vào Campuchia và tác động đến Việt Nam; Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh. Về vấn đề này, đồng chí Trưởng Ban nhấn mạnh, ở đâu có Đoàn Kinh tế quốc phòng, có bộ đội biên phòng mạnh thì ở đó kinh tế - xã hội phát triển, người dân vùng biên giới an cư, lạc nghiệp…