Phát triển khu công nghiệp bền vững: Những vấn đề đặt ra
Trong những năm qua, các khu công nghiệp đã có những đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của khu công nghiệp cũng đã có tác động không nhỏ đến nền kinh tế - xã hội dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Phân tích tác động đến nguồn lực đất đai tại một số địa phương phát triển khu công nghiệp, cụ thể như tỉnh Hưng Yên theo 3 khía cạnh: diện tích đất, chất lượng đất và cơ cấu sử dụng đất, từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và cải thiện đời sống của người dân vùng ven các khu công nghiệp.
Bối cảnh chung
Trong công cuộc đổi mới, việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế đã tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì thế, phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần quan trọng vào chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. Tuy nhiên, việc xây dựng các KCN đòi hỏi phải chuyển đổi một diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp sang đất công nghiệp. Điều này đã tác động rất lớn đến nguồn lực đất đai, qua đó ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người dân vùng ven các KCN.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2014, Việt Nam đã có 294 KCN được thành lập, thu hút được 5.593 dự án đầu tư nước ngoài và 5.464 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là hơn 110 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 2,1 triệu lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp. Ngoài ra, các KCN phát triển đã kéo theo sự đầu tư về cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước...); Thúc đẩy phát triển công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý, tổ chức sản xuất; tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước...
Tuy nhiên, sự phát triển của các KCN cũng kéo theo sự thu hồi và chuyển đổi một diện tích lớn đất nông nghiệp thành đất công nghiệp. Đến hết năm 2014, diện tích đất dành cho các KCN là 84.000 ha trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp. Đứng trên quan điểm phát triển, việc thu hồi đất để xây dựng các KCN chính là điều kiện, thời cơ tốt nhất để chúng ta chuyển một bộ phận quan trọng lực lượng lao động ở nông nghiệp, nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất đã làm cho một bộ phận dân cư bị thiếu, hoặc mất hoàn toàn đất ở và đất sản xuất nông nghiệp từ đó ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của người dân vùng ven các KCN.
Tác động của khu công nghiệp đến nguồn lực đất đai
Để đánh giá tác động của việc phát triển KCN đến nguồn lực đất đai của hộ gia đình nông dân, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra 466 hộ gia đình tại các thời điểm: Trước khi có KCN (2004), ngay sau khi có KCN (2006) và năm 2014 theo 3 nhóm:
- Nhóm hộ I: 116 hộ có trên 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng KCN.
- Nhóm hộ II: 180 hộ có dưới 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng KCN.
- Nhóm hộ III: 170 hộ không bị mất đất sản xuất nông nghiệp.
Tính bình quân cho 466 hộ điều tra cho thấy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ sau khi có KCN đã giảm mạnh chỉ còn 46,96% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân hộ trước khi có KCN. Trong đó nhóm hộ I giảm nhiều nhất từ 2676,4m2/hộ xuống còn 340,67 m2/hộ tức là giảm 87% diện tích đất.
Nhóm hộ III giảm từ 2843,2 m2/hộ xuống còn 1503,7 m2/hộ (giảm 47%). Thực trạng này gây ra những khó khăn nhất định cho người dân. Mất đất sản xuất đồng nghĩa với việc người dân bị mất việc làm và phải chuyển đổi chiến lược sinh kế bằng cách chuyển sang làm dịch vụ, lao động tại các KCN hoặc lên thành phố để kiếm kế sinh nhai.
Để đánh giá mức độ tác động của việc thu hồi đất nông nghiệp đối với sinh kế của hộ, bài viết nghiên cứu về nhu cầu sử dụng đất của hộ tại 3 thời điểm: Trước khi có KCN, ngay sau khi có KCN và năm 2014, tức là thời điểm sau khi KCN đã đi vào hoạt động một cách ổn định.
Qua bảng có thể thấy, ở cả 3 nhóm hộ, trước khi có KCN tỷ lệ hộ bị thiếu đất sản xuất nông nghiệp thấp, ngay sau khi có KCN, với diện tích đất lớn bị thu hồi ở nhóm hộ I và II thì số hộ bị thiếu đất sản xuất nông nghiệp tăng lên đáng kể từ 5,56% lên 30,09% ở nhóm hộ I và từ 10% lên 42,22% ở nhóm hộ II, đồng thời, số hộ thừa đất sản xuất nông nghiệp giảm mạnh (từ 11,11% xuống không còn hộ thừa đất ở nhóm hộ I, và giảm từ 11,11% xuống còn 6,67% ở nhóm hộ II).
Đến năm 2014, sau khi các KCN đã đi vào hoạt động ổn định thì tình trạng số hộ thừa đất ở cả 3 nhóm hộ lại gia tăng và tình trạng thiếu đất sản xuất của cả 3 nhóm hộ đồng loạt giảm. Khi được hỏi về nguyên nhân của tình trạng này, các hộ gia đình đều cho rằng trước khi có KCN, với diện tích đất canh tác khá cao, hầu hết các hộ đều thấy đủ đất để sản xuất. Những hộ thừa đất sản xuất là những hộ có sản xuất thêm tiểu thủ công nghiệp, làm dịch vụ hoặc con cái đã lớn, đi học và có việc làm phi nông nghiệp. Còn một số hộ thiếu đất sản xuất là những hộ có nhu cầu sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Tuy nhiên, khi có KCN, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm mạnh (bình quân giảm hơn 1 nửa diện tích) trong khi các hộ gia đình chưa kịp chuyển sang chiến lược sinh kế mới. Trong thời gian ngắn, các hộ gia đình khá khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm nên chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, đại đa số các hộ đều thấy gia đình mình bị thiếu đất sản xuất. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ bị thiếu đất ngay sau khi KCN được xây dựng.
Đến năm 2014, sau khi các KCN đã hoạt động một cách ổn định, các hộ gia đình đã có đủ thời gian để tìm kiếm cho mình một sinh kế mới. Nhiều hộ gia đình thuộc nhóm hộ I đã chuyển hẳn sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp hoặc làm dịch vụ, với diện tích đất ít ỏi còn lại, họ không còn mặn mà với việc sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, số hộ thừa đất sản xuất lại tăng lên đáng kể so với thời điểm ngay sau khi có KCN.
Nguồn lực đất đai thay đổi đã tác động đến vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của người dân bị mất đất dưới hai khía cạnh tích cực và tiêu cực:
Tác động tích cực
Thứ nhất, với những hộ gia đình có đất nằm trong vùng quy hoạch KCN sẽ bị thu hồi đất và được đền bù một khoản tiền nhất định. Đây là cơ hội và nguồn lực giúp hộ gia đình nông dân có thể chuyển đổi sinh kế và có thu nhập ổn định. Thực tế cho thấy, ở các vùng có KCN, nhiều hộ gia đình sau khi bị thu hồi đất đã sử dụng số tiền được đền bù để đầu tư sản xuất kinh doanh, dịch vụ hoặc xây nhà để cho công nhân các KCN thuê. Nhờ đó, thu nhập của hộ gia đình tăng lên gấp nhiều lần so với khi còn sản xuất nông nghiệp.
Thứ hai, với những hộ gia đình không bị mất đất sản xuất nông nghiệp hoặc bị thu hồi với diện tích nhỏ vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng các loại cây công nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp (DN) của KCN; hoặc chuyển sang trồng các loại rau, củ, quả nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của công nhân các KCN. Sự chuyển dịch này đã đem lại mức thu nhập cao hơn cho hộ gia đình.
Tác động tiêu cực
Mất đất sản xuất đồng nghĩa với mất việc làm, mất kế sinh nhai. Khi bị mất đất người lao động đứng trước 4 lựa chọn: (i) Sử dụng khoản tiền đền bù để chuyển đổi sinh kế sang kinh doanh dịch vụ phục vụ cho nhu cầu của công nhân các nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn hoặc chuyển sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp; (ii) Học nghề để xin vào làm việc tại các DN KCN; (iii) Rời quê lên các đô thị để tìm kiếm việc làm; (iv) Chấp nhận thất nghiệp. Trong các lựa chọn này, hai lựa chọn đầu có thể giúp hộ gia đình có được mức thu nhập cao hơn và ổn định hơn so với sản xuất nông nghiệp. Lựa chọn thứ ba khiến cho thu nhập của các hộ bấp bênh, đồng thời người lao động sẽ phải đối mặt với rủi ro của cuộc sống nơi đô thị và nguy cơ trở thành lao động bán thất nghiệp do công việc không ổn định. Lựa chọn thứ tư sẽ khiến cho người lao động đối mặt với một cuộc sống khó khăn trong tương lai.
Thực tế cho thấy, các địa phương dường như chỉ mới quan tâm chú trọng đến việc phát triển các KCN mà chưa có định hướng cụ thể tạo việc làm cho người dân bị mất đất do phát triển KCN. Chính vì thiếu những định hướng về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển đổi sinh kế cho người dân nên không ít hộ gia đình đã sử dụng khoản tiền được đền bù do thu hồi đất vào việc xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ đạc trong gia đình hoặc dùng để chi tiêu hết mà không sử dụng để đầu tư sản xuất kinh doanh với mục đích sinh lời.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Trọng Đắc và các cộng sự, khi nghiên cứu về sự thay đổi sinh kế của người dân sau khi bị mất đất ở Nghĩa Hiệp – Yên Mỹ - Hưng Yên thì tỷ lệ nhóm hộ bị mất đất có nhà tầng và nhà mái bằng cao hơn hẳn so với nhóm hộ chưa bị mất đất, tỷ lệ tương ứng là 58,34% - 10%. Mặt khác, do nhận được tiền đền bù người nông dân bỗng chốc trở lên giàu có nhưng nhàn rỗi nên dễ xa vào các tệ nạn xã hội.
Giải pháp tạo lập sinh kế bền vững cho người dân bị mất đất
Đối với chính quyền các cấp
- Cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân trong việc chuyển đổi sinh kế như: Chính sách về tạo việc làm, các chính sách an sinh xã hội... Trong đó, vấn đề tạo việc làm cho người lao động sau khi bị mất đất sản xuất là rất quan trọng. Với những lao động còn đủ tuổi được tuyển dụng vào làm việc tại các DN, cần có chính sách ưu đãi trong đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và ưu tiên trong tuyển dụng để họ có thể được vào làm việc trong các DN KCN. Với những lao động đã hết tuổi được tuyển dụng cần có định hướng giúp họ lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh, sử dụng tiền đền bù một cách hợp lý, hiệu quả. Tất cả những chính sách này đều cần phải thực hiện trước khi tiến hành thu hồi đất để ngay sau khi bị thu hồi đất, người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp và hộ gia đình có thể chuyển đổi sinh kế một cách bền vững.
- Có quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho các DN trong KCN (nếu phù hợp).
Đối với doanh nghiệp
- Cần có chính sách đào tạo và thu hút lao động tại chỗ vào làm việc tại DN. Ví dụ, đối với KCN Dệt may thuộc KCN nên liên kết lại với nhau để tổ chức các khóa đào tạo nghề cho người dân địa phương ngay tại DN, giúp người dân có thể học nghề tại chỗ sau đó nhận họ vào làm việc tại DN của mình.
- Có chính sách cho người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Với giải pháp này, khi những hộ gia đình bị thu hồi đất lại lấy ngay tiền đền bù để góp vốn đầu tư vào các nhà máy xí nghiệp được xây dựng trên đất của họ. Như vậy, họ trở thành cổ đông của DN và được hưởng các lợi ích như: Dễ dàng được tiếp nhận vào làm việc tại DN với mức lương ổn định và các chế độ đãi ngộ khác như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế; nhận được lợi tức từ việc góp vốn cho DN. Bên cạnh đó, DN cũng được hưởng lợi trong việc giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian xây dựng, nhanh chóng đưa DN đi vào hoạt động, tránh trường hợp dự án bị đình trệ do không thoả thuận được về việc giải phóng mặt bằng với người mất đất; bổ sung kênh huy động vốn cho DN.
Đối với hộ gia đình
- Sử dụng tiền đền bù một cách hợp lý: Nên đầu tư vào sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư cho việc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Qua nghiên cứu thực tế tại các địa phương có KCN ở Hưng Yên đã cho thấy, hầu hết các hộ gia đình sử dụng tiền đền bù vào việc đầu tư sản xuất kinh doanh hoặc đầu tư cho con cái đi học để vào làm việc tại các KCN đều có thu nhập tăng lên so với trước khi có KCN. Trong khi đó, những hộ sử dụng tiền đền bù để xây nhà, mua sắm tài sản mà không đầu tư cho sản xuất kinh doanh có thu nhập giảm đi so với trước khi có KCN.
- Tích cực tìm hiểu thị trường hoặc học hỏi kinh nghiệm của các hộ khác nhằm chuyển đổi chiến lược sinh kế từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Tóm lại, việc thu hồi đất để xây dựng các KCN là một tất yếu khách quan nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình xây dựng KCN không thể tránh khỏi phải thu hồi và chuyển đổi một diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp. Quá trình này có tác động không nhỏ đến nguồn lực đất đai qua 3 khía cạnh: Giảm diện tích đất nông nghiệp, giảm chất lượng đất và thay đổi cơ cấu sử dụng đất. Từ những tác động đến nguồn lực đất đai, sự phát triển của các KCN đã tác động không nhỏ đến vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của người dân ven các KCN.
Tuy nhiên, trong thực tế cho thấy, người dân đang cảm thấy rằng sự phát triển KCN đã tác động tích cực đến đời sống của họ, cụ thể họ có dễ dàng kiếm được việc làm hơn và thu nhập của họ cao hơn sau khi có KCN. Để có được điều này, phụ thuộc vào các chính sách của chính quyền các cấp, chính sách phát triển của các DN và sự chủ động, sáng tạo của mỗi hộ gia đình.
Nếu chính quyền địa phương có những định hướng, quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch sử dụng đất rõ ràng; DN có những hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với người lao động địa phương và các hộ gia đình chủ động trong việc chuyển đổi sinh kế thì những tác động của KCN đến sự phát triển kinh tế hộ gia đình nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung là rất tích cực.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2013), Báo cáo Kế hoạch phát triển các KCN năm 2013 và Kế hoạch phát triển năm 2014, Ngày 28/3/2014;
2. Lại Ngọc Thanh, Phạm Thị Bích Thủy (2015), Impact of industrial zones, livelihood changes, vulnerability and adaptation ability of households nearby industrial zones, Socio – economic issues in development, Hà Nội 2015;
3. Nguyễn Trọng Đắc (2007), Sinh kế của hộ nông dân sau khi mất đấtsản xuất nông nghiệp do xây dựng KCN ở xã Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên: Thực trạng và giải pháp, Đề tài Khoa học Công nghệ cấp Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Mã số: B2006 – 11- 37;
4. Trần Thị Minh Châu (2014), Vốn hóa đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật.