Phát triển khu vực kinh tế phi chính thức thông qua thương mại điện tử ở Việt Nam

Ths. Lê Trịnh Diễm Loan

Trên nền tảng của công nghệ thông tin – truyền thông, thương mại điện tử Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tham gia vào kinh doanh thương mại điện tử, ngoài số ít các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn thì chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ - thành phần quan trọng của khu vực kinh tế phi chính thức. Nhằm góp phần phát triển và tăng cường công tác quản lý khu vực kinh tế phi chính thức thông qua thương mại điện tử nói riêng và kinh tế mạng nói chung, bài viết đánh giá thực trạng khu vực này trong thương mại điện tử ở Việt Nam, đồng thời gợi ý một số giải pháp cụ thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các động của thương mại điện tử tới khu vực kinh tế phi chính thức

Xu hướng tìm kiếm và mua bán hàng hóa, dịch vụ qua mạng ngày càng tăng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng. Hiện có trên 120 quốc gia với tỷ lệ truy cập internet trên 80%. Thông qua mạng internet, thị trường hàng hóa, dịch vụ trực tuyến đã phát triển nhanh chóng, góp phần kết nối cung – cầu theo một cách thức nhanh chóng, minh bạch và tiết kiệm.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử (TMĐT) chưa đạt tầm khu vực và thế giới nhưng cũng góp phần giải quyết nhu cầu mua sắm của khách hàng như Lazada.vn, vatgia.vn, enbac.com, cungmua.com…

TMĐT cũng mang đến phương thức làm việc mới và linh hoạt: hợp đồng làm việc bán thời gian, làm việc tại nhà, làm việc từ xa đối với hàng loạt công việc như gia công phần mềm, nhập dữ liệu, số hóa văn bản, tìm kiếm và phân tích dữ liệu, quản trị website. Các rào cản chi phí khi gia nhập thị trường TMĐT cũng như khi rời khỏi thị trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhỏ, các cá nhân và hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh trên mạng.

Phần lớn các hoạt động này là hợp pháp, tuy nhiên, môi trường kinh doanh trên Internet tạo nhiều kẽ hở cho các giao dịch phi pháp và một số hoạt động ngoài sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là đánh thuế các giao dịch TMĐT.

Sự tách biệt tài sản và các hoạt động khỏi nguồn thu nhập gây khó khăn cho việc hoạch định chính sách thuế cũng như thu thuế. TMĐT tạo ra các mô hình kinh doanh mới như: chợ ảo, cộng đồng ảo, dịch vụ thông tin, đấu giá trực tuyến… Các mô hình này giúp DN thực hiện kinh doanh và có thu nhập. Chúng không được đăng ký, thống kê, báo cáo, không nộp thuế và không liên quan đến an sinh xã hội, nghĩa là thuộc thành phần kinh tế phi chính thức.

Thực trạng khu vực kinh tế phi chính thức trong thương mại điện tử ở Việt Nam

Tình hình doanh nghiệp không đăng ký  website

Thống kê cho thấy, số lượng tên miền Việt Nam thuộc khối các DN Việt Nam (com.vn) đang được duy trì trong năm 2014 là 112.921 tên miền, năm 2015 là 116.809 tên miền. Nếu tính cả tên miền quốc tế (.com) thì tổng số tên miền website các DN Việt khoảng hơn 200.000 tên miền.

Tuy nhiên, thực tế, số lượng website TMĐT đã được xác nhận thông báo, đăng ký trong năm 2014 chỉ có khoảng 5.010 và năm 2015 là 10.015. Như vậy, tỷ lệ website chịu sự quản lý của Nhà nước là rất thấp (khoảng 5%). Số còn lại là các website không đăng ký, không nằm trong sự quản lý của Nhà nước. Điều này cho thấy, khu vực kinh tế phi chính thức chiếm phần lớn trong TMĐT Việt Nam.

Hàng hóa, dịch vụ mua sắm trên các website

Hiện nay, sản phẩm, dịch vụ được chào bán trên các website rất đa dạng, phong phú. Dù là các DN có đăng ký/thông báo website hay không có đăng ký/thông báo website thì các nhóm sản phẩm được mua bán cũng không có sự khác biệt, phổ biến gồm:

Dịch vụ bất động sản, dịch vụ việc làm, đào tạo; vé máy bay, tàu xe; dịch vụ phần mềm, thiết kế website, lưu trữ; đồ thể thao, dã ngoại; dịch vụ lưu trú, du lịch; ô tô, xe máy; mẹ và bé; sách, văn phòng phẩm, quà tặng; thực phẩm, đồ uống, sức khỏe, sắc đẹp; xây dựng nhà cửa, nội thất, ngoại thất; điện tử, kỹ thuật số, thiết bị âm thanh, hình ảnh; thời trang và phụ kiện; máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng; hàng điện lạnh, thiết bị gia dụng.

Các tiện ích và công cụ hỗ trợ

- Đăng ký thành viên: Hầu hết các website này không yêu cầu khách hàng đăng ký tài khoản thành viên để thực hiện mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên website. Khi khách hàng có nhu cầu giao dịch thì các website sẽ cung cấp biểu mẫu đặt hàng và cho phép khách hàng điền thông tin vào biểu mẫu. Một số website chỉ cung cấp số điện thoại, địa chỉ facebook hay email để khách hàng liên hệ đặt và mua hàng;

- Quản lý đặt hàng: Các website đều có tính năng xác nhận đơn hàng của khách hàng qua email, tin nhắn, công cụ giúp lọc/tìm kiếm sản phẩm. Tuy nhiên, việc cung cấp các công cụ quản lý đặt hàng giúp khách hàng theo dõi quản lý đơn hàng của mình hay cho phép tải ứng dụng mua hàng trên điện thoại di động của các website này còn hạn chế.

- Công tác tích hợp: Công tác tích hợp các mạng xã hội của các website đều được thực hiện, chủ yếu là mạng xã hội Facebook. Các mạng xã hội khác như Google Plus, Twitter, LinkedIn… ít được tích hợp hơn.

- Các công cụ hỗ trợ khách hàng: Điện thoại là công cụ hỗ trợ khách hàng phổ biến nhất trên các website. Bên cạnh đó, một số website có hỗ trợ bằng email hay tư vấn trực tuyến.

Doanh thu của doanh nghiệp thương mại điện tử không đăng ký/thông báo

Theo báo cáo TMĐT Việt Nam, doanh thu TMĐT bán lẻ của Việt Nam trong năm 2014 là 2,97 tỷ USD, chiếm 2,12% tổng doanh thu bản lẻ toàn xã hội. Trong đó, các DN có đăng ký/thông báo là 195 triệu USD, chiếm 6,6% doanh thu TMĐT; phần còn lại là 93,4% thuộc khu vực khu vực kinh tế phi chính thức. Đến cuối năm 2015, doanh thu bán lẻ TMĐT đạt 4,07 tỷ USD chiếm 2,8% tổng doanh thu bán lẻ TMĐT toàn xã hội.

Mặc dù có sự gia tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn tỷ trọng nhưng chủ yếu vẫn là từ khu vực khu vực kinh tế phi chính thức và so với các nước thì vẫn còn khá khiêm tốn (năm 2015, tại Mỹ, doanh thu TMĐT bán lẻ là 355 tỷ USD chiếm 7,4% tổng doanh thu bán lẻ; tại Hàn Quốc chiếm 11,2%; tại Trung Quốc là 13,5%).

Như vậy, khu vực khu vực kinh tế phi chính thức đóng vai trò quan trọng trong TMĐT ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình hoạt động thì khu vực này gặp một số khó khăn như: Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển, khách hàng thiếu tin tưởng vào chất lượng hàng hóa hoặc lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến; chi phí cho dịch vụ vận chuyển giao nhận còn cao; cạnh tranh không lành mạnh; an ninh mạng chưa đảm bảo; khó khăn trong việc tích hợp thanh toán điện tử.

Để quản lý hiệu quả khu vực kinh tế phi chính thức trong thương mại điện tử

Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông

Đây là điều kiện tiên quyết cho việc triển khai TMĐT. An ninh là vấn đề được quan tâm nhất khi phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông. An ninh đề cập đến sự bảo vệ hệ thống thông tin, tài sản và kiểm soát truy cập tới bản thân các thông tin, đồng thời là yếu tố tạo niềm tin giữa người tiêu dùng và DN.

Đào tạo kiến thức và kỹ năng thương mại điện tử

TMĐT luôn đòi hỏi những thay đổi liên tục trong chiến lược kinh doanh, hoạt động và công nghệ. Thiếu đội ngũ kinh doanh có kiến thức và kỹ năng TMĐT là nguyên nhân chính không thực hiện được yêu cầu trên. Do vậy, các DN thuộc khu vực kinh tế phi chính thức cần tập trung đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nhân viên thông qua các hình thức đạo tạo như ngắn và dài hạn, tham gia các lớp tập huấn về công nghệ thông tin.

Hoàn thiện pháp luật về thuế liên quan đến thương mại điện tử

Ở nước ta hiện nay chỉ có hệ thống luật thuế chung áp dụng cho cả thương mại truyền thống và TMĐT. Để áp dụng luật thuế hiệu quả đối với TMĐT cần có các quy định bổ sung, giải nghĩa cụ thể, chi tiết những điều khoản, phán ánh được môi trường TMĐT. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý thuế trong TMĐT thông qua việc hoàn thiện chiến lược và các sự hợp tác giữa cơ quan nhà nước với các nhà cung ứng dịch vụ trực tuyến.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Công Thương, Báo cáo TMĐT năm 2014 và 2015;

2. Bộ Thông tin và truyền thông, Sách Trắng về Công nghệ thông tin – truyền thông năm 2014;

3. TS. Nguyễn Đình Luận, Tổng quan về TMĐT Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 7/2016.