Phát triển kinh tế bền vững: Nhìn từ góc độ nợ công của Việt Nam

TS. Vũ Thanh Nguyên, Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư PGS, TS. Phạm Quang Thao, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Phát triển kinh tế bền vững là mô hình được nhiều quốc gia trên thế giới hướng đến nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và vấn đề môi trường - xã hội. Để theo đuổi mô hình này, Chính phủ các quốc gia cần các nguồn lực, nhất là nguồn tài chính để hỗ trợ, khuyến khích và tạo bàn đạp cho nền kinh tế chuyển sang sản xuất xanh, thân thiện môi trường. Trong điều kiện các nguồn lực trong nước hạn hẹp, Việt Nam đã đẩy mạnh huy động nguồn lực bên ngoài thông qua các khoản nợ công để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững là rất cần thiết. Tuy nhiên, tổng mức nợ công bao nhiêu thì đảm bảo ngưỡng an toàn là nội dung bài viết tập trung phân tích.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Quản lý nợ công nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia, nhất là sau các cú sốc khủng hoảng kinh tế và đại dịch COVID-19. Để tiến tới sự bền vững của nợ công, ngoài các giải pháp điều chỉnh cơ cấu, quy mô… của nợ công, thì vấn đề then chốt chính là hiệu quả sử dụng vốn vay và bố trí nguồn trả nợ hợp lý.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển và trên tiến trình phát triển này không thể thiếu vắng nguồn lực huy động từ trong và ngoài nước. Do đó, việc quản lý và đảm bảo nợ công theo hướng ổn định tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, phát triển an sinh xã hội, đảm bảo sự bền vững của môi trường là vấn đề cần được giải quyết từ hệ thống chính trị đến hành động của mỗi chủ thể trong nền kinh tế.

Nợ công và những tác động đến phát triển kinh tế bền vững

Trong quá trình phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia, Nhà nước sẽ có lúc cần đến sự huy động nguồn lực nhiều hơn từ trong và ngoài nước. Hay nói cách khác, khi các khoản thu truyền thống như: thuế, phí, lệ phí… không đáp ứng được nhu cầu chi tiêu, thì Nhà nước sẽ phải vay nợ để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình và sẽ có trách nhiệm chịu trách nhiệm trong việc chi trả khoản nợ đó.

Như vậy, có thể hiểu, nợ công là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ quốc gia đó đi vay (mọi cấp từ trung ương đến địa phương). Việc đi vay này nhằm mục đích tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách được tính lũy kế đến một thời điểm nào đó. Để hình dung quy mô của nợ Chính phủ, thì người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hầu hết những cách tiếp cận hiện nay đều cho rằng, nợ công là khoản nợ mà Chính phủ của một quốc gia phải chịu trách nhiệm trong việc chi trả khoản nợ đó, nhưng có những khác nhau về phạm vi và đối tượng. Theo cách tiếp cận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (2013), nợ công được hiểu là nghĩa vụ nợ của 4 nhóm chủ thể bao gồm: Nợ của chính phủ trung ương và các bộ, ban, ngành trung ương; Nợ của các cấp chính quyền địa phương; Nợ của ngân hàng trung ương và nợ của các tổ chức độc lập mà chính phủ sở hữu trên 50% vốn; Nợ từ việc quyết lập ngân sách phải được sự phê duyệt của Chính phủ hoặc Chính phủ là người chịu trách nhiệm trả nợ trong trường hợp tổ chức đó vỡ nợ.

Theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ công là toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của khu vực công, bao gồm nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ và của các tổ chức công. Tại Việt Nam, theo Điều 4 Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 ngày 23/11/2017, nợ công bao gồm 3 nhóm: Nợ chính phủ; Nợ được chính phủ bảo lãnh; Nợ chính quyền địa phương. Như vậy, quan điểm nợ công của Việt Nam hẹp hơn so với các quan điểm của các tổ chức trên thế giới, trong đó chỉ khoanh vùng nợ công là những khoản nợ trực tiếp liên quan đến chính phủ bao gồm nợ chính quyền các cấp và nợ được chính phủ bảo lãnh.

Bản chất kinh tế của nợ công chính là hệ quả của việc Nhà nước tiến hành vay vốn và Nhà nước phải có trách nhiệm hoàn trả. Các khoản vay này sẽ phải hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn, nhà nước sẽ phải thu thuế tăng lên để bù đắp. Vì vậy, vay nợ thực chất là cách đánh thuế dần dần, được hầu hết chính phủ các nước sử dụng để tài trợ cho các hoạt động chi ngân sách. Tỷ lệ nợ công/GDP chỉ phản ánh một phần nào đó về mức độ an toàn hay rủi ro của nợ công. Mức độ an toàn hay nguy hiểm của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng phát triển của nền kinh tế.

Khi xét đến nợ công, chúng ta không chỉ cần quan tâm tới tổng nợ, nợ hàng năm phải trả mà phải quan tâm nhiều tới rủi ro và cơ cấu nợ. Vấn đề quan trọng phải tính là khả năng trả nợ và rủi ro trong tương lai, chứ không chỉ là con số tổng nợ trên GDP. Do đó, để đánh giá tính bền vững của nợ công, tiêu chí tỷ lệ nợ công/GDP được coi là chỉ số đánh giá phổ biến nhất cho cách nhìn tổng quát về tình hình nợ công của một quốc gia. Mức an toàn của nợ công được thể hiện qua việc nợ công có vượt ngưỡng an toàn tại một thời điểm hay giai đoạn nào đó không.

Nợ công có mối quan hệ tương đối phức tạp với phát triển kinh tế bền vững, thể hiện qua nhiều kênh tác động với các hướng khác nhau. Nợ công có thể tác động đến phát triển kinh tế qua các biến trung gian, như: lạm phát; lãi suất; thuế và tỷ giá. Dù qua các kênh tác động nào đi chăng nữa, thì sự tác động này đều diễn tiến theo 2 hướng, đó là:

(i) Tác động tích cực. Một quốc gia muốn phát triển cần phải có nguồn lực, ở một chừng mực nào đó khi nguồn nội lực trong nước eo hẹp, các khoản nợ công sẽ là nguồn lực giúp các quốc gia có đủ vốn để đáp ứng nhu cầu chi tiêu và đầu tư của mình, tạo nền tảng cho nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, nợ công còn giúp các chính phủ khai thác được nguồn nội lực trong nước thông qua các nguồn tài chính nhàn rỗi trong dân cư. Các khoản nợ công vay từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế còn giúp các quốc gia mở rộng quan hệ kinh tế song phương và đa phương. Trên cơ sở đó, quốc gia đi vay không chỉ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn với chi phí ưu đãi mà còn nhận được sự chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới. Đây chính là nền tảng rất quan trọng để kiến tạo giá trị thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, theo kịp với sự tiến bộ của các quốc gia phát triển trên thế giới.

(ii) Tác động tiêu cực. Nợ công lớn sẽ làm giảm tiết kiệm quốc gia, dẫn tới hiện tượng thoái lui đầu tư hay lấn át đầu tư tư nhân. Ngoài ra, sự gia tăng của nợ công còn kéo theo một tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế gia tăng. Một kịch bản đã xảy ra ở nhiều quốc gia, đó là khi nợ công gia tăng, ngân hàng trung ương các nước đã tài trợ sự thâm hụt ngân sách nhà nước bằng cách in thêm tiền. Cách làm này xét về dài hạn đã kéo theo một tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế gia tăng khi cung tiền tệ lớn hơn nhu cầu tiền trong nền kinh tế. Không chỉ dừng lại ở đó, việc gia tăng nợ công còn sẽ khiến chính phủ ít nhiều phải gia tăng thuế, từ đó gây ra những biến dạng không đáng có trong nền kinh tế. Việc gia tăng thuế trong tương lai để bù đắp cho các khoản chi tiêu hiện tại của chính phủ sẽ khiến trong tương lai thu nhập của hộ gia đình sụt giảm, từ đó tiết kiệm và tiêu dùng giảm theo, điều này khiến sản lượng và nhu cầu đầu tư trong tương lai giảm, sự tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Như vậy, bên cạnh những tác động tích cực đến phát triển bền vững nền kinh tế, nợ công còn kéo theo những hệ lụy làm ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, tiêu dùng và đầu tư của các chủ thể trong nền kinh tế. Do đó, cần có các biện pháp sử dụng và quản lý nợ công hiệu quả để tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thực trạng nợ công ở Việt Nam hiện nay

Tại Việt Nam, tỷ lệ nợ công/GDP đang có xu hướng giảm dần, trong giai đoạn 2017-2022 quy mô nợ công/GDP lần lượt ở các mức 61,4%, 58,3%, 56,1%, 55,9%, 43,1% và 38,0%.

Cùng với đó, nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần, cụ thể: Nợ chính phủ cũng giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn đến 34,7% GDP năm 2022; Nợ được chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP năm 2017 xuống 36,8% GDP năm 2022; Nợ chính quyền địa phương năm 2022 chỉ khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 là 1,1% GDP.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2022, nợ nước ngoài của quốc gia giảm còn 36,8% GDP so với năm 2017 là 49% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu là 6,2% (năm 2021) và 5,4% (năm 2022) (Bảng 1).

Bảng 1: Quy mô nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2022

Chỉ tiêu

Mục tiêu hàng năm

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Nợ công/GDP (%)

≤ 60%

61,4

58,3

56,1

55,9

43,1

38,0

Nợ Chính phủ/GDP (%)

≤ 50%

51,7

50,0

49,2

50,8

39,1

34,7

Nợ nước ngoài/GDP (%)

≤ 50%

49

46,0

45,8

47,9

38,4

36,8

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả từ số liệu của Bộ Tài chính

Từ quy mô nợ công của Việt Nam giai đoạn 2017-2022 có thể thấy, các chỉ tiêu an toàn nợ công nằm trong ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP; Trần nợ chính phủ hàng năm không quá 50% GDP; Trần nợ nước ngoài quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; Trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) không quá 25%. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam giảm là do giai đoạn 2017-2022 quy mô GDP tăng 1,6 lần (tăng 114 tỷ USD).

Trong khi đó, số nợ công tuyệt đối tăng thêm 21,2 tỷ USD, tương đương khoảng 1,1 lần, không nhiều so với số tăng GDP, chính vì vậy đã khiến tỷ lệ nợ công/GDP giảm. Cùng với sự sụt giảm về quy mô nợ công thì tỷ trọng nợ công tính trên thu nhập của một người cũng chứng kiến sự sụt giảm, từ 56,8% năm 2017 giảm còn 41,8% năm 2022 (Bảng 2).

Việt Nam tiếp tục duy trì mức nợ công thấp ngay cả khi nền kinh tế phải đối mặt với thách thức từ dịch bệnh COVID-19, năm 2022 mức nợ công vào khoảng 38% GDP. Cùng với đó, nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần. Như vậy, về mặt quy mô, mức độ nợ công của Việt Nam đang có chiều hướng tích cực trong giai đoạn 2017-2022 và tiếp tục ở những năm kế tiếp.

Bảng 2: Tỷ trọng nợ công trên thu nhập đầu người của Việt Nam giai đoạn 2017-2022

Chỉ tiêu

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Nợ công/người(triệu đồng)

29

32

36

37

37

40

GDP/người (triệu đồng)

51

58

80

82

84

95,6

Tỷ trọng nợ trên thu nhập tính trên 1 người (%)

56,8

55,2

45

45

44

41,8

Nguồn: Tính toán của nhóm tác giả từ số liệu của Bộ Tài chính

Nợ công được duy trì theo hướng an toàn khi cơ cấu nợ công có sự gia tăng tỷ trọng vay nợ trong nước với kỳ hạn dài hơn so với vay nợ nước ngoài (Hình 1). Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ nợ nước ngoài của Việt Nam giảm còn 36,8% GDP so với năm 2017 là 49% GDP.

Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Việt Nam tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 là 5,4%, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so thu ngân sách nhà nước khoảng 21,5%. Điều này cho thấy, dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ nằm trong tầm kiểm soát, cho dù biến động tỷ giá khá mạnh.

Hình 1: Cơ cấu giữa nợ trong nước và nợ nước ngoài của Chính phủ giai đoạn 2017-2022 (%)

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ số liệu của Bộ Tài chính
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ số liệu của Bộ Tài chính

Xét về cơ cấu, nguồn vay của Chính phủ hiện nay phần lớn đến từ các kênh trong nước, tỷ lệ nợ trong nước gia tăng nhanh và chiếm phần lớn lượng huy động hằng năm của Chính phủ. Với đặc thù, vay nợ trong nước của Chính phủ chủ yếu thông qua kênh phát hành trái phiếu chính phủ, nên khả năng quản trị được khoản nợ là tương đối cao. Theo số liệu của Bộ Tài chính năm 2021, kỳ hạn bình quân của trái phiếu chính phủ là 13,92 năm (giai đoạn 2012-2015 kỳ hạn trái phiếu phổ biến trên 4 năm) và lãi suất phát hành bình quân là 2,3%/năm (giai đoạn 2011-2013 mức lãi suất phát hành từ mức 12%-13%/năm).

Đồng thời, tỷ lệ nợ nước ngoài khá thấp, các khoản vay nước ngoài đều từ các tổ chức như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Nhật Bản… với kỳ hạn khoảng 20-30 năm, lãi suất ưu đãi khoảng 1,2%/năm. Như vậy, hầu hết các khoản vay nợ trong và ngoài nước đều có kỳ hạn dài và lãi suất hợp lý, điều này góp phần giảm thiểu rủi ro về tỷ giá, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam năm 2021 của Fitch Ratings cũng cho thấy, nợ chính phủ của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các quốc gia có cùng mức xếp hạng tín nhiệm “BB”. Như vậy, các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép.

Nhìn chung, cơ cấu nợ công có một sự cải thiện rõ rệt về chất lượng. Nợ công Việt Nam đã chuyển biến từ nợ có nguồn gốc nước ngoài chiếm đa số, kỳ hạn vay ngắn và lãi suất bình quân cao, đối tượng vay có rủi ro lớn sang nợ vay có nguồn gốc trong nước chiếm đa số, kỳ hạn vay dài hơn và lãi suất bình quân thấp hơn, đối tượng cho vay có rủi ro lớn giảm tương đối. Đối với nguồn vay từ trong nước, để đảm bảo tính đầy đủ và kịp thời trong việc trả nợ, nhiều khả năng buộc phải huy động nguồn vốn từ các công cụ nợ có kỳ hạn ngắn (từ 3 năm trở xuống).

Trên thực tế, yêu cầu này sẽ làm gia tăng áp lực trả nợ, đồng thời tăng rủi ro tái cấp vốn cho ngân sách nếu kỳ hạn của các khoản vay mới không được tính toán cẩn trọng, cũng như phân bổ hợp lý lịch trả nợ của Chính phủ qua các năm. Cùng với đó, các khoản vay nước ngoài cũng đang tiềm ẩn rủi ro khi chi phí vay có thể kém thuận lợi hơn trong bối cảnh việc tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức giai đoạn tới khả năng sẽ giảm. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có kế hoạch vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt, nhằm đáp ứng nhu cầu quốc gia, đồng thời hạn chế những hệ lụy lâu dài cho sau này.

Bên cạnh đó, khi xem xét nợ công của Việt Nam từ góc độ đảm bảo tăng trưởng bền vững cho giai đoạn phát triển mới cũng cho thấy một số bất cập như:

Thứ nhất, rõ ràng với các tiêu chí nợ công tuy đang ở mức an toàn nhưng vẫn tiệm cận mức trần, thêm vào đó xu hướng tỷ lệ nợ công giảm trong giai đoạn gần đây cần phải được nhìn nhận thêm từ phía sự thay đổi trong cách tính GDP mới và sự sụt giảm tỷ giá ngoại tệ của các đồng tiền Việt Nam vay.

Thứ hai, những vấn đề được đặt ra trong hiệu quả giải ngân và sử dụng vốn đầu tư công. Việc vay nợ không phải là vấn đề mà mấu chốt trong quan hệ tín dụng này mà ở đây chính là việc hoàn trả nợ vay từ hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư công. Thực tiễn cho thấy, việc giải ngân và hiệu quả đầu tư công của Việt Nam chưa cao, còn nhiều vướng mắc, chậm trễ dẫn đến tăng chi phí sử dụng vốn.

Thứ ba, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng tăng lên. Trong 5 năm (2017-2021), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước diễn biến không đồng đều với xu hướng tăng lên vào cuối giai đoạn, từ mức 19,7% năm 2017 lên khoảng 27,4% năm 2021 và tiếp tục là khoảng 28,2% năm 2022, đang tạo ra các gia tăng áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn vay để trả nợ.

Thứ tư, mặc dù cơ cấu nợ công đã có sự thay đổi theo hướng phát huy nguồn lực trong nước bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, song về cơ bản kỳ hạn của trái phiếu chưa đa dạng và thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn (Hình 2). Điều này, trong dài hạn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công cho phát triển do áp lực chi phí sử dụng vốn.

Hình 2: Cơ cấu kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (%)

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ số liệu của Bộ Tài chính
Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ số liệu của Bộ Tài chính

Thứ năm, chính sách quản lý nợ công của Việt Nam mới chủ yếu tập trung vào huy động các nguồn vay ưu đãi, nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế, tuy nhiên, cần giám sát và đánh giá tất cả các khoản vay và giao dịch nợ để đảm bảo phù hợp với các thông số rủi ro đề ra trong chiến lược nợ; giám sát rủi ro toàn bộ danh mục nợ chính phủ, kết nối giữa chính sách quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công, cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nợ công…

Giải pháp điều chỉnh nợ công, thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam

Để đảm bảo nợ công của Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, ngoài việc tiếp tục duy trì trạng thái thuận lợi của các chỉ tiêu cũng cần tập trung vào giải quyết một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Trước tiên, cần đầu tư có trọng tâm và trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực. Chính phủ cần tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu và dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, lan tỏa đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và liên vùng, liên địa phương, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, quy mô lớn và hiện đại; phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức.

Đồng thời, nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh hơn nữa việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và xã hội hóa cung cấp dịch vụ công.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và các địa phương trong triển khai thực hiện. Chú trọng công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ báo cáo quy định.

Ngoài ra, hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý cho hoạt động đối tác công tư (PPP) nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hình thức này sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực đầu tư công phù hợp.

Hai là, sử dụng hợp lý các công cụ tài trợ thâm hụt ngân sách nhà nước. Theo đó, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ nhằm duy trì sự ổn định của lãi suất và lạm phát, kích thích nguồn vốn nhàn rỗi từ khu vực tư nhân đầu tư vào trái phiếu chính phủ, góp phần xử lý thâm hụt ngân sách nhà nước.

Ba là, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh. Cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công.

Bốn là, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh. Cho vay lại theo hướng tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay dài hạn để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro đối với danh mục nợ công..

Năm là, chú trọng phát triển nguồn vốn trong nước. Phát triển thị trường vốn trong nước nhằm cân đối giữa nguồn vốn trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài, giảm thiểu sự phụ thuộc vào bên ngoài; Đa dạng kỳ hạn trái phiếu phát hành nhằm tạo hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư dài hạn. Điều chỉnh lãi suất, tăng tính thanh khoản của thị trường.

Bên cạnh đó, định khoản mục vay nợ công để tăng tính chủ động, đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay thông qua đa dạng hóa nguồn vốn và phương thức vay trong và ngoài nước để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bộ Tài chính (2022), Bản tin nợ công số 13 và 14;
  2. Hồng Loan (2022), Nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/tttc/pages_r/l/chi-tiet-tin-tin-tuc-tai;
  3. Trần Thị Hồng Minh, Nguyễn Văn Tùng (2022), Cơ cấu lại nền kinh tế: Nhìn lại giai đoạn 2016-2021 và những định hướng giai đoạn 2025-2030, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-;
  4. Thùy Dương (2023), Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2022 tăng 15% so với năm 2021, https://www.vietnamplus.vn/tong-thu-ngan-sach-nha-nuoc-nam-2022-tang-15-so-voi-nam-2021/839309.vnp;
  5. IMF (2013), Staff Guidance Note on the application of the joint bank-fund debt sustainability framework for low-income countries, http://www.imf.org/external/np/pp/ eng/2013/110513;
  6. UNCTAD (2016), Debt and debt sustainability, https://debt-andfinance.unctad.org/Documents/UNCTAD_Munevar.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023