Nước Mỹ trước rắc rối về trần nợ công
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gần đây cảnh báo Quốc hội rằng, nước này có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1/6. Khi thời hạn đến gần, việc Đồi Capitol không thể đạt được thỏa hiệp về việc nâng trần nợ có nguy cơ đẩy Mỹ và cả thế giới vào một thảm họa tài chính chưa từng có.
Chính phủ đóng cửa khác với vỡ nợ
Theo FP, việc Mỹ vỡ nợ có thể khiến đồng USD giảm giá và làn sóng tháo chạy khỏi chứng khoán Mỹ, đồng thời gióng lên hồi chuông báo tử cho “niềm tin và sự tín nhiệm trọn vẹn”, làm suy yếu quyền bá chủ tài chính của "đất nước cờ hoa".
Khi trần nợ được tạo ra vào năm 1917, mục đích của nó là giúp Bộ Tài chính Mỹ linh hoạt hơn trong việc vay tiền chứ không phải đặt giới hạn cho nó. Trên thực tế, giới hạn nợ cho phép Chính phủ thanh toán các hóa đơn của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ tranh cãi về trần nợ. Thực tế là đã 78 lần kể từ năm 1960 và phần lớn xảy ra dưới thời các tổng thống của đảng Cộng hòa. Năm 2011, Mỹ từng tiến gần đến mức phải phá vỡ mức trần. Mặc dù nước này không bị vỡ nợ, nhưng Standard and Poor's đã phải hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử, do tình trạng bế tắc chính trị nghiêm trọng và sự bất ổn của Chính phủ.
Bà Laura Blessing, thành viên cấp cao tại Viện Các vấn đề Chính phủ tại Đại học Georgetown, cho biết kể từ đó, trần nợ không chỉ mang tính đảng phái mà còn trở nên nguy hiểm. “Chúng ta đang ở trong môi trường mà các nhà lập pháp sẵn sàng chơi một số trò chơi bên miệng hố chiến tranh rất nguy hiểm với trần nợ kể từ năm 2011”, bà nhận xét.
Nhiều nhà lập pháp của đảng Dân chủ thất vọng với những gì họ coi là chiến thuật của GOP có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế Mỹ và vị thế toàn cầu của nước này. Hạ nghị sĩ Brendan Boyle, thành viên cấp cao của Ủy ban Ngân sách Hạ viện, cho biết, khủng hoảng trần nợ hiện tại “sẽ gửi tín hiệu sai đến các đồng minh cũng như đối thủ của chúng ta trên khắp thế giới”. “Nó cho thấy mức độ rối loạn chức năng có thể làm tổn hại đến uy tín của chúng ta trên trường quốc tế. Và nếu chúng ta thực sự vọt qua vách đá dẫn đến vỡ nợ, nó ẽ làm tổn hại đáng kể đến vị thế toàn cầu của chúng ta”, ông nói.
Mỹ đạt mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1 và Bộ Tài chính đã phải hết sức cố gắng duy trì các khoản thanh toán kể từ đó. Trong khi đó, những nỗ lực để đạt được thỏa thuận và tránh vỡ nợ tỏ ra không hiệu quả, bất chấp khủng hoảng đang rình rập. Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo chỉ đồng ý nâng trần nợ khi chính quyền của Tổng thống Biden loại bỏ hầu hết các chương trình quan trọng. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã giới thiệu Đạo luật Giới hạn, tiết kiệm, tăng trưởng, trong đó có nội dung sẽ tạm dừng giới hạn nợ cho đến ngày 31/3 năm sau hoặc cho đến khi khoản nợ tăng thêm 1,5 nghìn tỷ USD. Song đạo luật này sẽ cắt giảm một số chính sách quan trọng của Tổng thống Biden, bao gồm xóa nợ cho sinh viên và Đạo luật giảm lạm phát. Tổng thống Biden dự kiến sẽ tổ chức nhiều cuộc đàm phán hơn với các nhà lãnh đạo Quốc hội trong tuần này, nhưng kỳ vọng về kết quả của chúng khá thấp.
Đảng Cộng hòa không gặp khó khăn gì khi tăng trần nợ ba lần dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Nhưng với việc ông Biden ở Nhà Trắng, các ưu tiên tài chính đột ngột thay đổi. “Họ đang cố bắt trần nợ làm con tin để khiến chúng tôi đồng ý với một số khoản cắt giảm hà khắc, những khoản cắt giảm cực kỳ khó khăn và gây tổn hại”, Tổng thống Biden từng phát biểu tại Nhà Trắng vào thứ Sáu tuần trước. Trong khi đó, người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện McCarthy từ chối trả lời các câu hỏi cụ thể, nhưng đổ lỗi cho nguyên nhân khiến Mỹ sắp vỡ nợ là do Tổng thống Biden và lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer của đảng Dân chủ “không hành động”. Bà Blessing cho biết, trong khi cuộc tranh chấp chính trị hiện tại phảng phất tình hình năm 2011, đây có khả năng là giai đoạn nguy hiểm nhất cho đến nay. Sự không chắc chắn về kinh tế và một chính phủ phân cực đã tạo tiền đề cho tình trạng nguy hiểm.
Theo Hạ nghị sĩ Boyle, có những thành viên của đảng Cộng hòa nghĩ rằng, chúng ta từng trải qua một vụ vỡ nợ trước đây, bởi vì họ đang nhầm lẫn giữa việc Chính phủ đóng cửa với vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử quốc gia, và đây sẽ là một sự kiện gây sốc khiến nước Mỹ lao dốc và cả nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Chính phủ đóng cửa xảy ra khi Quốc hội không thể thông qua, hoặc tổng thống không ký, luật tài trợ cho hoạt động của các cơ quan chính phủ. Còn vỡ nợ có nghĩa là Chính phủ không thể thanh toán các hóa đơn đúng hạn và Bộ Tài chính Mỹ sẽ phải ưu tiên thanh toán các hóa đơn bằng số tiền có sẵn cho đến khi Quốc hội sửa đổi giới hạn. Tiền lương của quân đội, người nhận an sinh xã hội và người nắm giữ trái phiếu đều có thể bị ảnh hưởng. Vỡ nợ sẽ được coi là trường hợp xấu nhất. Ngay cả khi trần nợ bị vi phạm trong thời gian ngắn, các chuyên gia vẫn cho rằng thiệt hại sẽ rất lớn.
Thiệt hại khôn lường
Moody's Analytics dự đoán, vỡ nợ có thể nhanh chóng dẫn đến sụt giảm GDP thực tế, gần 1 triệu người bị mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên gần 5% từ mức 3,4% hiện tại. Những con số này càng trở nên tồi tệ hơn khi trần nợ bị vi phạm lâu hơn, với con số thất nghiệp lên tới hơn 7 triệu trong trường hợp vỡ nợ kéo dài.
Quy mô của những tác động lan tỏa trên quy mô toàn cầu gần như không thể đo lường được vì chưa từng có điều gì tương tự xảy ra. Ông Joseph Gagnon, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, cho biết vì tín phiếu và trái phiếu Mỹ được coi là tài sản an toàn cuối cùng, nên cú sốc hệ thống do vỡ nợ sẽ vượt xa cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Sự uy tín của Bộ Tài chính Mỹ vốn luôn là một phần quan trọng của khuôn khổ tài chính quốc tế. Ông Cristian de Ritis, Phó Kinh tế trưởng tại Moody's Analytics cho biết, trái phiếu của Chính phủ Mỹ vốn luôn được coi tốt như tiền, nên việc mất niềm tin vào các hợp đồng đó sẽ làm gián đoạn thương mại và một loạt thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm cả việc giá cổ phiếu giảm mạnh và trái phiếu doanh nghiệp bị hạ bậc tín nghiệm. “Rõ ràng là người dân Mỹ sẽ bị tác động trực tiếp nhất bởi ảnh hưởng và tình trạng mất việc làm”, ông nói. “Nhưng trên toàn cầu, sẽ có những hiệu ứng dây chuyền, vì những người nắm giữ trái phiếu nước ngoài sẽ không được thanh toán và vì nợ của Kho bạc Mỹ là cơ sở cho rất nhiều hợp đồng khác”.
Vỡ nợ cũng có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Điều này sẽ làm tăng thêm nghi ngờ về vai trò lãnh đạo và độ tin cậy của Mỹ ngay cả với các đồng minh thân cận nhất. Hạ nghị sĩ Andy Kim, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện khẳng định: “An ninh kinh tế là an ninh quốc gia của chúng ta”. “Đó là một phần quan trọng tạo nên sức mạnh toàn cầu của Mỹ. Khả năng trở thành quốc gia mạnh nhất thế giới không chỉ bắt nguồn từ súng, bom và thiết bị quân sự, nó chủ yếu dựa vào khả năng trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới của chúng ta”.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Boyle cho rằng, đối với những nhà lập pháp ở các quốc gia khác từng nghi ngờ về sự ổn định của Mỹ, hiệu quả của Chính phủ và tình trạng dân chủ của nước này sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6.1.2021, thì việc vỡ nợ sẽ chỉ làm tăng thêm mối lo ngại của họ. Chưa hết, Giáo sư Jonathan Kirshner, thuộc ngành khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Boston College nhận định, trong xu hướng phi USD hóa ở một số nơi như hiện nay, vụ vỡ nợ sẽ là cú đấm vào sự thống trị của đồng USD mà Mỹ đã được hưởng như là đồng tiền dự trữ của thế giới trong 75 năm qua. Bởi nó sẽ khiến việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn và làm tăng chi phí thế chấp và các khoản vay khác đối với người Mỹ.