Kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công

Trần Huyền

Công tác quản lý nợ công trong năm 2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ, cơ cấu danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiểm soát hiệu quả các chỉ tiêu nợ công năm 2022

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 về Chiến lược nợ công đến năm 2030; Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 12/4/2022 về Chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2022-2024 và Kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022; trình Chính phủ phê duyệt hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại năm 2022; đồng thời đã báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023.

Trên cơ sở đó, đã chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ công, nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ số nợ năm 2022 trong phạm vi Quốc hội quyết định. 

Danh mục nợ tiếp tục được cơ cấu theo hướng bền vững. Năm 2022, tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn với kỳ hạn từ 10 năm trở lên. Nhờ vậy, tiếp tục duy trì kỳ hạn còn lại của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ dài hơn so giai đoạn trước, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn, góp phần giảm thiểu rủi ro tỷ giá, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Đồng thời, sử dụng hiệu quả các giải pháp quản lý nợ bền vững, Chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch vay, trả nợ hằng năm, quản lý chặt chẽ bảo lãnh Chính phủ và vay về cho vay lại; tăng cường giám sát, kiểm soát bội chi và vay nợ của ngân sách địa phương, qua đó, góp phần giảm nợ công.

Nhờ đó, đến cuối năm 2022, dư nợ công của Việt Nam ước đạt 38% GDP, dư nợ Chính phủ ước đạt 34,7% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia ước đạt 36,8% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ước đạt 16,3% tổng thu ngân sách nhà nước, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Kết quả tích cực từ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý, kiểm soát nợ công đã góp phần nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, “triển vọng ổn định”; Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, “triển vọng ổn định”.

Đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ

2023 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025. Một trong những mục tiêu được Bộ Tài chính đề ra là tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ theo quy định; bám sát các Nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hàng năm. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Chú trọng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công, ngân sách, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi khuôn khổ pháp lý về ngân sách nhà nước để tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định pháp luật về nợ công, ngân sách và đầu tư công nhằm tiếp tục cải thiện thể chế quản lý nợ công, tiệm cận thông lệ quốc tế.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, công cụ phù hợp, huy động thêm nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng linh hoạt nguồn vốn huy động cho Chương trình và nguồn vốn huy động theo kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, hằng năm.

Về huy động vốn trái phiếu Chính phủ, chủ động điều hành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ theo khả năng hấp thụ của thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương với lãi suất phù hợp với điều kiện thị trường. Phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, linh hoạt phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn dưới 5 năm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay của ngân sách trung ương, hài hòa dòng trả nợ của ngân sách trung ương trong thời gian tới, giảm chi phí vay nợ so với vay trái phiếu kỳ hạn dài hơn.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục tăng cường tiếp xúc, quảng bá với nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong và ngoài nước, cải thiện hiệu quả công tác đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia để hướng tới mục tiêu đến năm 2030 đạt mức xếp hạng Đầu tư, góp phần củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn sẽ góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa, tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.