Phát triển kinh tế: Hết thời lợi thế lao động giá rẻ

PV.

Lâu nay, khi quảng bá về tiềm năng, lợi thế, chúng ta thường xem lao động giá rẻ như là lợi thế so sánh trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, có vẻ lợi thế này nay không còn thực sự hấp dẫn nhà đầu tư bởi lao động giá rẻ chưa phải là tất cả trong quyết định đầu tư của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

"Hết thời" lao động giá rẻ!

Lâu nay Việt Nam thu hút mạnh mẽ làn sóng đầu tư nước ngoài bởi lợi thế nguồn lao động, nhân công giá rẻ. Lợi thế này cũng chính là lý do các nhà đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc sang đầu tư ở nước ta.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu thu hút đầu tư bằng nguồn lao động giá rẻ đã trở nên "lỗi thời", tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế vì thiếu vắng nguồn nhân lực cao.

Thậm chí, coi nhân công giá rẻ là một lợi thế của lao động Việt Nam là một sự ngộ nhận, bởi dưới cái nhìn của nhà quản lý, giá nhân công chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan với năng suất lao động.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới, lao động ngành dệt may và giày dép của Việt Nam sẽ bị tác động 86% bởi tự động hoá. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối phó tình hình khó khăn của việc tạo thêm việc làm. Mỗi năm, Việt Nam cần đến 1,5 triệu việc làm mới.

Nếu như trước đây, chúng ta hiểu về lao động giá rẻ là dựa trên chênh lệch ngoại tệ, mức thu nhập bình quân của từng quốc gia, vùng lãnh thổ thì nay thu nhập bình quân ở những nhóm lao động có tay nghề, lao động đặc thù sẽ được rút ngắn, thậm chí dung hòa không phân biệt.

Vì vậy, lao động giá rẻ thời kỳ hội nhập không phải hiểu theo kiểu một ngày người lao động nhận được bao nhiêu tiền công mà là một ngày, lao động đó làm ra được giá trị là bao nhiêu.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong điều kiện hiện nay, nếu chúng ta nâng cao chất lượng để tăng giá trị sử dụng lao động thì cũng giống kiểu “bán thô” nguồn lực. Và tất nhiên, nếu chỉ thu hút đầu tư được bằng lợi thế nhân công giá rẻ, thì thật đáng lo ngại khi lao động của chúng ta không tham gia được vào chuỗi sản xuất đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

Mô hình tăng trưởng mới

Hiện nay, Việt Nam đang thực sự có một nguồn lao động dồi dào. Thế nhưng nhìn vào chất lượng nguồn lao động thì dân số vàng hiện nay chưa thực sự là cơ hội vàng. Bởi theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong các quốc gia của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Chi phí lao động thấp đồng nghĩa với năng suất lao động thấp. Nguồn vốn mà các nhà đầu tư bỏ ra càng nhiều thì họ càng kỳ vọng sẽ đầu tư vào nơi có nguồn lao động chất lượng cao”, ông Simon Matthews - Tổng giám đốc ManpowerGroup tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế, đã qua rồi thời kỳ, thu hút và hấp dẫn nhà đầu tư bằng nguồn lao động giá rẻ, đổi lại, chúng ta phải đầu tư nguồn nhân lực cao, vì như vậy, nền kinh tế mới phát triển thực sự bền vững và chất lượng. 

Chia sẻ về cách thức tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới tại Hội nghị Diễn đàn cấp cao Việt Nam diễn ra ngày 3/11 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, trước đây, Việt Nam phát triển kinh tế dựa vào nhân công rẻ và vốn lớn. Bây giờ,  kinh tế Việt Nam phải phát huy mô hình tăng trưởng khác, tập trung về chất lượng, năng suất lao động và tính cạnh tranh của nền kinh tế.

"Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ dao động từ 6,5% đến 6,7% nhưng cách thức tăng trưởng thì phải khác đi, không còn dựa vào công thức nhân công rẻ và vốn lớn nữa", Phó Thủ tướng cho biết.

Do vậy, cần nâng cao chất lượng giáo dục nhằm xây dựng đội ngũ công nhân có kỹ năng và tay nghề để tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu có mức giá trị gia tăng cao hơn thay thế cho lợi thế nhân công giá rẻ như hiện nay. Bởi, muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chúng ta không thể cứ ở trình độ gia công mãi như hiện nay.