Trở thành công xưởng của thế giới:
Cơ hội và thách thức của Việt Nam
(Taichinh) - Là thành viên ASEAN và là một trong những điểm đến hấp dẫn của FDI, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành một trong những công xưởng của khu vực và thế giới.
Công xưởng mới đang định hình
Ngân hàng ANZ mới đây nhận định, Đông Nam Á sẽ chiếm mất vị thế “công xương của thế giới” của Trung Quốc trong 10 - 15 năm tới, khi các công ty chuyển tới khu vực này để tranh thử nguồn lao động dồi dào, giá rẻ ở các khu vực như sông Mekong. Ngân hàng ANZ ước tính các nước ASEAN có thể nâng giá trị thương mại nội khối lên đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN, vốn từng vượt qua Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2013, có thể lên đến 106 tỷ USD trong năm 2025. Là thành viên ASEAN và là một trong những điểm đến hấp dẫn của FDI, Việt Nam đứng trước cơ hội trở thành một trong những công xưởng của khu vực và thế giới.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc dịch chuyển nói trên sẽ là một phần trong sự nổi lên của ASEAN trở thành “trụ cột thứ ba” của tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Sự dịch chuyển này có thể được hỗ trợ bởi kết nối giữa lực lượng lao động giá rẻ ở những nước như Mianma, Campuchia và Lào với các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và các nhà sản xuất trình độ cao ở Singapore và Malaysia.
Theo GS.TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang trở thành cứ điểm của thế giới trong sản xuất một số sản phẩm điện tử như máy tính bảng, điện thoại di động, đồ điện tử gia dụng, chíp điện tử. Trong năm 2015 hoặc trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, Việt Nam sẽ thực sự trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn công nghệ cao.
Hai năm trở lại đây, ngành điện tử đã vượt qua dệt may để trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kết quả này là do Sam Sung đẩy mạnh đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Hiện tại, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực này với 3 nhà máy được xây dựng ở Việt Nam có tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD. Ngoài ra, Samsung đang “nhắm” tới đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam như công nghiệp, giao thông… Ước tính tới năm 2017, tổng số vốn của Samsung đầu tư vào Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD.
Cùng với Samsung, nhiều tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử như LG, Intel, Microsoft, Canon... cũng đang đầu tư mạnh vào Việt Nam.
Năm 2014, nhà máy Nokia Bắc Ninh đã chính thức được đổi tên thành Microsoft Mobile Việt Nam và bắt đầu sản xuất smartphone từ tháng 8/2014. Đến nay, 39 dây chuyền sản xuất đã được đưa về Bắc Ninh từ các nhà máy ở Hungary, Trung Quốc và Mexico, để biến nhà máy tại Việt Nam thành cứ điểm sản xuất smartphone cung ứng cho toàn thế giới.
Không chỉ ngành công nghệ, ngành dệt may, da giày của Việt Nam cũng có thể sẽ đón làn sóng đầu tư mới để trở thành một trong những công xưởng thế giới. Hiện tại, Việt Nam có trên 600 nhà máy, xưởng giày dép thuộc nhiều hãng, thương hiệu giày da trên toàn thế giới, chiếm hơn 80% thị phần của ngành thì số lượng FDI vẫn liên tục tăng và có cơ hội tăng lên.
Ông Scott Thomas, đại diệp Hãng sản xuất giày dép Wolverine Worldwide (Mỹ), doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đặt nhà máy tại Việt Nam vào năm 1994 cho biết, Wolverine Worldwide đang muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, thay vì tập trung 75% đơn hàng tại quốc gia này theo kế hoạch đến năm 2020 và phần lớn đơn hàng sẽ được chuyển sang Việt Nam.
Theo Hiệp hội Da giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso), xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng ngày một rõ nét, ước tính tỷ lệ dịch chuyển hiện nay là 25%, cao hơn cùng kỳ năm 2013.
Trong năm 2014, các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma đã chuyển lượng lớn đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh sang nhà máy của Việt Nam. Bên cạnh đó, tập đoàn lớn là Target Sourcing Services, một trong 10 nhà phân phối lớn nhất thế giới cùng với Tập đoàn Dansu cũng đã khảo sát và có ý định mở rộng đầu tư và sản xuất tại Việt Nam.
Lợi thế của Việt Nam
Việt Nam không chỉ là nơi thuận lợi nhất để tiếp cận thị trường Trung Quốc vốn vẫn có sức mua lớn, mà vị trí ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó cũng đang khiến Việt Nam trở thành nơi thuận lợi nhất để xuất hàng hóa cho toàn bộ các nước từ Đông Bắc Á cho đến Đông Nam Á, nhất là khi Việt Nam lại nằm ngay trên tuyến đường thương mại trên biển nhộn nhịp nhất hành tinh.
Là nền kinh tế đã và đang tăng trưởng tương đối cao và ổn định, Việt Nam có dân số trên 90 triệu người, trong đó dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao, với nhu cầu tiêu dùng rất cao, kể cả hàng xa xỉ. Đây là một trong những lý do hấp dẫn các nhà đầu tư.
TS. Patrick Dixon, một trong những chuyên gia quản trị hàng đầu thế giới đương đại cho rằng, vấn đề lợi thế nhân công ở Việt Nam hiện nay, được đánh giá là xã hội trẻ và năng động. Một phần tư dân số có độ tuổi dưới 14, độ tuổi trung bình chỉ là 27 với tỷ lệ biết chữ lên tới 94%.
Việt Nam cũng là điểm hấp dẫn đối với các dự án sử dụng nhiều lao động khi chi phí lao động tương đối rẻ, khéo tay trong khi các ràng buộc về lao động, ô nhiễm môi trường không quá khắt khe. Giá nhân công ở Việt Nam rẻ chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và Thái Lan. Đây sẽ là một yếu tố khiến các nhà đầu tư sẽ phải xem xét việc dịch chuyển các nhà máy ở Trung Quốc sang nước khác, trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh lợi thế về nguồn nhân lực, vị trí địa kinh tế, những ưu đãi của Chính phủ dành cho doanh nghiệp công nghệ cao và sự hợp tác tích cực của chính quyền địa phương, thời gian gần đây, Việt Nam đã và đang có nhiều thay đổi trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Vươn tới những nấc thang cao hơn
Trong ngắn hạn, việc các công ty nước ngoài đưa cơ sở chế tác sang Việt Nam có thể giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Trong điều kiện nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kỹ năng thì các công việc đơn giản, lắp ráp, giá trị gia tăng chưa nhiều trong tổng giá trị của sản phẩm.
Tuy nhiên, cái đích xa hơn mà Việt Nam cần nhắm đến là tham gia vào những khâu có giá trị cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia như các khâu tiếp thị, thiết kế, nghiên cứu phát triển… thay vì chỉ đơn thuần gia công, lắp ráp.
Trong dài hạn, việc Việt Nam trở thành một “công xưởng” mới của ASEAN hay của thế giới là có thể, nhưng điều quan trọng hơn là “công xưởng” ấy phải tạo ra tác động tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Do vậy, cần chủ động sàng lọc dự án FDI để đảm bảo thu hút FDI theo định hướng đề ra, hạn chế đến mức tối đa những dự án thâm dụng tài nguyên, tiêu tốn năng lượng có thể tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế và cho môi trường…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Việt Nam là nước có lợi thế giá nhân công thấp (vùng Thâm Quyến - Trung Quốc là 27 USD/ngày còn Việt Nam là 6 USD/ngày) nhưng lợi thế đó không bền vững. Một điều đáng lưu ý nữa, Việt Nam so với Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn nhiều, nên khó trở thành công xưởng thay Trung Quốc.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trong kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới, Việt Nam không thể tiếp tục cơ cấu cũ. Việt Nam phải cố gắng để vượt lên và nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kết cấu hạ tầng, nỗ lực trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Đồng thời, cần tiếp tục tạo điều kiện để thực hiện giải ngân vốn đầu tư tốt hơn, hấp thụ tốt hơn. Đối với cơ sở hạ tầng, cần đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistic.
Bên cạnh đó, để giành được lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh cải tiến, phát triển vùng nguyên phụ liệu; xây dựng chiến lược cụ thể để kịp thời và chủ động khai thác các cơ hội từ hội nhập kinh tế.