Phát triển kinh tế nông nghiệp từ “lực đẩy” tài chính vi mô

PV.

Là quốc gia có tỷ lệ dân số làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cao, với nhu cầu vốn vay phục vụ cho sản xuất nông nghiệp lớn là điều kiện tốt để tài chính vi mô phát triển… Tuy nhiên, thực tiễn người dân tiếp cận được nguồn vốn này rất hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhu cầu và tiềm năng lớn

Có thể nói, việc phát triển và cung cấp các khoản vay nhỏ, các dịch vụ, sản phẩm tài chính tới đối tượng hộ gia đình sản xuất - kinh doanh  thoát nghèo, ổn định cuộc sống là xu thế tất yếu trong nền kinh tế thị trường.

Trước thực tiễn đó, những năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong việc tài chính vi mô tới các hộ gia đình khu vực nông thôn phục vụ cho sản xuất nhỏ lẻ. Điều này, đã góp phần quan trọng làm chuyển biến tích cực bộ mặt kinh tế nông thôn.

Dịch vụ tài chính vi mô được khách hàng sử dụng đánh giá rất tích cực, ngoài ý nghĩa kinh tế thì dịch vụ tài chính vi mô có ý nghĩa xã hội hết sức quan trọng, là công cụ xóa đói giảm nghèo phát huy được nhiều tác dụng.

Nắm bắt rõ nhu cầu vốn từ các tổ chức tài chính vi mô, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích các ngân hàng, tổ chức đầu tư phát triển dịch vụ này.

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị một gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.

Hưởng ứng đề nghị của Thủ tướng, nhiều ngân hàng vào cuộc, cam kết đưa ra nhiều gói tín dụng phục vụ vốn cho người dân và DN. Điển hình như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với gói tín dụng 50.000 tỷ đồng phục vụ “nông nghiệp sạch”, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao… để đưa nguồn vốn về tới tay người dân, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Những rào cản cần gỡ bỏ

Sự phát triển và vai trò của dịch vụ tài chính vi mô đối với người dân trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn kinh tế thị trường là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu vay vốn từ dịch vụ tài chính vi mô thì vẫn còn khá khiêm tốn, người dân vẫn gặp khá nhiều rào cản khi tiếp cận với nguồn vốn này.

Hiện nay, hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam còn phát triển rất chậm. Số lượng tổ chức tài chính vi mô được cấp phép hoạt động rất ít (hiện mới có 5 tổ chức tài chính vi mô được cấp phép). Các tổ chức này nhỏ cả về quy mô và phạm vi hoạt động.

Mặc dù, Đề án phát triển hệ thống tài chính vi mô đã được Chính phủ thông qua, nhưng kết quả triển khai và nguồn vốn thực sự đến với người dân còn hạn chế.

Thực tiễn cho thấy, hành lang pháp lý là yếu tố quan trọng để tạo môi trường thúc đẩy sự phát triển hệ thống tài chính vi mô. Do đặc điểm riêng và sứ mạng riêng của mình, các hoạt động tài chính vi mô cần phải được điều chỉnh bởi một hệ thống các văn bản, quy định riêng biệt.

Hầu hết các điều kiện pháp lý đối với tài chính vi mô vẫn mang dáng dấp quy định điều hành ngân hàng thương mại mà chưa có điều khoản, nguyên tắc đặc thù dành cho các tổ chức tài chính vi mô.

Mặt khác, hoạt động của các ngân hàng cũng như DN, đều phải đảm bảo lợi nhuận và an toàn vốn, trong khi người vay kinh doanh lĩnh vực này nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro từ thiên tai thời tiết, đa số có quy mô sản xuất nhỏ lẻ…

Ngoài ra, Luật Tổ chức tín dụng hiện hành quy định hoạt động của tổ chức tài chính thuộc tổ chức chính trị xã hội, tổ chức phi Chính phủ, nhưng đến  nay các quy định vẫn đang trong giai đoạn sửa đổi bổ sung do chưa có cơ chế rõ ràng.

Trước những vướng mắc trên, các chuyên gia cho rằng, cần có sự đổi mới về hành lang pháp lý theo hướng linh hoạt, đơn gian và phù hợp với đặc điểm chung của đối tượng vay. Đặc biệt, nữa là cần có sự phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc cấp phép, quản lý hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô là yếu tố cần được xem xét đến. 

Bên cạnh đó, cần có chính sách tuyên truyền tốt hơn để thay đổi tư duy của các cấp, tạo điều kiện quản lý và phát triển. Thực tiễn hiện nay, các tổ chức tài chính vi mô vẫn bị đánh giá cho vay với lãi suất cao, trong khi các tổ chức này thường hoạt động ở vùng sâu, vùng xa nên chi phí hoạt động sẽ cao hơn.

Để phát triển hệ thống tài chính vi mô, ngoài nỗ lực của bản thân các tổ chức tài chính vi mô, còn cần có sự quan tâm của nhiều phía: các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, nghề nghiệp.