Việt Nam tích cực thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện
Đó là nội dung quan trọng được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trao đổi với phóng viên báo chí sau khi kết thúc Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FBCDM) do Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì tổ chức sáng ngày 23/2/2017, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
Phóng viên: Xin bà cho biết những nội dung quan trọng về tài chính toàn diện đối với Việt Nam, vai trò của NHNN đối với vấn đề này như thế nào?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Phiên họp thứ nhất Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC (FBCDM) do Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì đã diễn ra rất thành công. Tại Hội nghị này, vấn đề tài chính toàn diện đã được các diễn giả, đại biểu thảo luận sôi nổi và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tại Việt Nam, tài chính toàn diện là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện thông qua việc tham gia tích cực vào nhiều chương trình, diễn đàn, hội nghị của quốc tế và khu vực liên quan đến tài chính toàn diện. Trong đó, Chính phủ đã giao NHNN với vai trò là chủ trì và phối hợp chặc chẽ với các, bộ, ban ngành để triển khai các cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính toàn diện.
Theo đó, NHNN đã rất tích cực triển khai thực hiện, tham gia các chương trình, diễn đàn nhằm trao đổi, tìm giải pháp triển khai hiệu quả tài chính toàn diện tại Việt Nam. NHNN cũng nhận thức rõ, thúc đẩy tài chính toàn diện là phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam nói chung, hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng như xu hướng ưu tiên của cộng đồng quốc tế hiện nay. Tài chính toàn diện mang lại tác động tích cực khi gặp phải các bất ổn về thu nhập, an toàn thực phẩm, xác định hiệu quả đối tượng mục tiêu trong các chương trình trợ cấp xã hội và tiếp cận các dịch vụ. Tài chính toàn diện rất quan trọng để giảm nghèo và tiến tới phát triển thịnh vượng.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức quốc tế sẵn sàng dành nguồn lực tài chính, kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện thể chế, xây dựng và triển khai chiến lược tài chính vi mô toàn diện.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá vai trò của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng như thế nào trong hợp tác tài chính toàn diện?
Tại Hội nghị, thành viên 21 nền kinh tế APEC và các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao vai trò của Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nỗ lực hợp tác hội nhập tài chính quốc tế. Đồng thời, triển khai tích cực nhiều giải pháp phát triển tài chính toàn diện.
Đối với Việt Nam, phát triển tài chính toàn diện hiện nay đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó đang triển khai các đề án quan trọng như: Quản lý nợ công, tái cơ cấu ngân sách, tái cơ cấu tổ chức tín dụng...
NHNN Việt Nam với chức năng vừa là Ngân hàng Trung ương vừa thực hiện quản lý, điều hành thị trường tiền tệ. Do vậy, NHNN sẽ nắm bắt diễn biến kinh tế vĩ mô; Tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo rất quyết liệt, bám sát về diễn biến thị trường tiền tệ để có chính sách điều hành chặt chẽ đối với thị trường tài chính tiền tệ.
Việt Nam hiện đang quan tâm đến vấn đề tài chính toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bà có thể rói rõ hơn vấn đề này được trao đổi tại Hội nghị như thế nào?
Những vấn đề liên quan đến phát triển tài chính nông nghiệp và nông thôn là luôn là một chủ đề được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách để phát triển tài chính nông nghiệp nông thôn.
Do vậy, tại Hội nghị lần này, NHNN đã đề xuất tài chính toàn diện về nông nghiệp nông thôn là chủ đề trọng tâm của Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC.
Các đại biểu tham dự Hội nghị, khi tham gia thảo luận đánh giá cao sáng kiến, đề xuất thực tiễn và giải pháp về tài chính toàn diện của NHNN Việt Nam đưa ra.
Trân trọng cảm ơn bà!