Phát triển kinh tế nông thôn ở các nước và thực tiễn tại Việt Nam

Theo Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2019

Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân nông thôn. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới của các nước và một số địa phương của Việt Nam, bài viết hàm ý giải pháp giúp nâng cao hiệu quả công cuộc phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước quán triệt và đẩy mạnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phát triển kinh tế nông thôn ở một số quốc gia

Nhật Bản với phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”

Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, phong trào “mỗi làng một sản phẩm” ban đầu được triển khai ở tỉnh Oita (miền tây nam Nhật Bản). Từ đó đến nay, trải qua gần 30 năm triển khai, phong trào này đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Sự thành công của phong trào “mỗi làng một sản phẩm”đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều khu vực, quốc gia khác trên thế giới. Thực tế đã có một số quốc gia, nhất là những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thu được những thành quả phát triển kinh tế nông thôn nhất định nhờ áp dụng kinh nghiệm phong trào này. Phong trào “mỗi làng một sản phẩm” đã khuyến khích, tận dụng nguồn lực địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng, bảo tồn các làng nghề truyền thống và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Kinh nghiệm cho thấy, có 3 nguyên tắc cơ bản để phát triển phong trào “mỗi làng một sản phẩm” thành công, đó là: hành động địa phương nhưng suy nghĩ toàn cầu; tự tin sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Hàn Quốc với phong trào “Làng mới”

Phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc (gọi tắt là Làng mới) dù được phát động cách đây hơn 40 năm nhưng dư âm của nó vẫn thôi thúc người dân Hàn Quốc. Phong trào “Làng mới” chú trọng 10 cách thức triển khai sau: Mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; Mở rộng, làm mới đường trong thôn; Làm vệ sinh thôn xóm; Xây dựng khu giặt giũ chung; Đào giếng nước chung; Cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; Cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; Sửa cầu; Sửa hệ thống đập sông ngòi và Xây dựng điểm gom phân bắc.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, 10 cách thức này đã góp phần tạo nên không khí cạnh tranh sôi nổi trong nông thôn Hàn Quốc. Sau 10 năm triển khai, phong trào đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn Hàn Quốc. Cụ thể, phong trào đã xây dựng được 61.797 km đường vào thôn; 43.558 km đường trong thôn; 79.516 cầu cống nhỏ; 37.012 nhà văn hóa; 15.559 km đường cống nước thải; 2.777.500 hộ nông thôn được cấp điện; 717 xí nghiệp nông nghiệp; 22.143 nhà kho; 225.000 ngôi nhà được cải tạo và quy hoạch mới cho 2.747 ngôi làng…

Phát triển kinh tế nông thôn tại một số địa phương của Việt Nam

Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương, hướng đi đúng đắn, phù hợp nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân nông thôn. Nhận thức được điều này, thời gian qua với sự định hướng của các cấp chính quyền, nhiều địa phương trong cả nước đã đẩy mạnh và gắn chặt việc phát triển kinh tế nông thôn với xây dựng NTM, qua đó đã thu nhiều kết quả quan trọng. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, bài viết điểm xuyết một số địa phương đã phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM thành công như sau:

Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: Kinh tế nông nghiệp tại Đông Triều không phải là thế mạnh của Thị xã, song có vai trò hết sức quan trọng đến sự ổn định và phát triển (trên 70% dân số của huyện sống ở khu vực nông thôn). Vì vậy, Đông Triều hết sức chú trọng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn và xác định xây dựng NTM là bước tiến quan trọng để mở ra định hướng phát triển toàn diện đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Ngay từ năm 2011, Đông Triều đã đăng ký về đích xây dựng NTM vào năm 2014.

Chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 – 2020, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng nông thôn mới là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể; Phấn đấu đến năm 2020, khoảng 40 - 50 % số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Với phương châm chỉ đạo bám sát thực tiễn, kế hoạch, quy hoạch, Thị xã Đông Triều đã ưu tiên các xã làm tốt, các xã đăng ký về đích sớm, vận động các doanh nghiệp ủng hộ kinh phí, tạm ứng vật tư thanh toán trả chậm để hỗ trợ vật tư cùng với sự đóng góp của nhân dân xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, kênh mương… Trong xây dựng NTM, Đông Triều còn hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, cơ giới hóa và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Lao động nông thôn cũng được quan tâm đào tạo nghề, tạo nhiều việc làm mới trong sản xuất công nghiệp than, nhiệt điện và sản xuất vật liệu xây dựng đất sét nung để chuyển dịch cơ cấu lao động. Tính chung 4 năm gần đây, Thị xã đã tổ chức đào tạo nghề cho 10.654 người, đạt tỷ lệ 65%.

Hệ thống hạ tầng nông thôn Thị xã Đông Triều theo đó cũng có sự thay đổi nhanh chóng. Trong 4 năm gần đây, Thị xã đã cứng hóa được 250,46 km đường giao thông xã, thôn và trục chính nội đồng; 30 hồ đập với dung tích 43 triệu m3 đều được duy tu nâng cấp cùng hệ thống kênh mương thủy lợi được cứng hóa 260,5km/400,25km, đảm bảo nước tưới cho sản suất và sinh hoạt; xây dựng mới và cải tạo 200 trạm biến áp, 722,6 km đường điện, 100% hộ dân được sử dụng điện an toàn từ lưới điện quốc gia; xây dựng mới và nâng cấp 29 trường học đưa tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 73/87 trường; xây dựng và đưa vào sử dụng 50 phòng học thông minh; xây mới các công trình văn hóa gần 1.000 tỷ đồng, xây  mới 76 nhà và sửa chữa, nâng cấp 48 nhà văn hóa thôn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh trên địa bàn Thị xã hiện nay đã đạt trên 90%…

Tỉnh Nam Định: Nam Định là tỉnh ven biển ở trung tâm phía Nam Đồng bằng sông Hồng, có diện tích tự nhiện là 1.652,3 km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 115.000ha, với đất lúa là 75.000ha. Nam Định có 10 huyện, thành phố với 229 xã, phường, thị trấn, trong đó có 209 xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp. Tổng số dân là 1.828 nghìn người, trong đó có gần 80% dân số sống ở nông thôn. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 31% cơ cấu kinh tế của Tỉnh, do đó, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định quán triển đẩy mạnh triển khai. Khảo sát cho thấy, mô hình NTM được Nam Định triển khai đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển đã góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân; góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh. Cơ cấu sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản đã chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị tăng bình quân trên 3% năm. Sản lượng lương thực hằng năm đạt gần 1 triệu tấn, trong đó có từ 350-400 ngàn tấn thóc hàng hóa. Sản xuất muối, nuôi trồng và khai thác thủy sản, ngành nghề nông thôn tiếp tục được duy trì, phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tăng cường. Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn được củng cố. Đến nay, 209/209 xã, thị trấn trên địa bàn Nam Định đã hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng NTM; 96/96 xã lập và được UBND huyện, thành phố phê duyệt Đề án xây dựng NTM.

Một số vấn đề đặt ra

Qua nghiên cứu một số kinh nghiệm phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM có thể thấy rằng, vai trò phối hợp của chính quyền địa phương và người dân là hết sức quan trọng. Kinh nghiệm rút ra xuất phát từ sự học hỏi và điều kiện thực tế triển khai phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Nhằm góp phần phát triển kinh tế nông thôn, ngoài gắn với xây dựng NTM, thời gian tới cần chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng, trong nhân dân các xã về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của nhà nước về xây dựng NTM, để mỗi người dân hiểu rõ, từ đó đồng tâm, chung sức, tự giác, chủ động tham gia.

Thứ hai, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng NTM cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Thứ ba, mỗi địa phương phải căn cứ vào đặc điểm, lợi thế và yêu cầu bức thiết của người dân, cần phát huy dân chủ rộng rãi, tiếp thu ý kiến của nhân dân, có cách làm chủ động, sáng tạo, lựa chọn những nội dung bức thiết cần làm trước, cần tập trung đầu tư, những nội dung có thể làm sau, cách thức huy động nguồn lực tổng hợp, tạo ra sự liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, phân công thực hiện cho các tổ chức trong hệ thống chính trị... phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của từng xã, không rập khuôn, máy móc.

Thứ tư, đa dạng hóa việc huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình, sự hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương là cần thiết để tạo đà, tạo niềm tin cho nhân dân, tạo cơ sở để thu hút nguồn lực triển khai, lồng ghép các chương trình mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua các hình thức thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết và nhất là tăng vốn tín dụng cho các hộ, các tổ hợp tác, hợp tác xã vay để phát triển sản xuất...

Tóm lại, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, do đó, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt. Chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 – 2020, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát triển sản xuất nông nghiệp là then chốt, xây dựng NTM là căn bản, nông dân giữ vai trò chủ thể; Phấn đấu đến năm 2020, khoảng 40 - 50 % số xã đạt chuẩn NTM.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới cần định hướng phát triển nông nghiệp bền vững; thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng và hiệu quả cao; xây dựng NTM, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống của dân cư nông thôn; phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; bảo vệ và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Cùng với đó, rà soát, hoàn hiện cơ chế, chính sách và tiêu chí xây dựng NTM phù hợp với đặc thù từng vùng; Quy hoạch lại các điểm dân cư phân tán tại địa bàn miền núi, đồng bào dân tộc; Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, tín dụng ưu đãi và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; Có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại và thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tại địa bàn nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề với các hình thức đa dạng, phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn; Tập trung giải quyết tình trạng du canh, du cư, di cư tự do…  

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Tuấn Anh (2012), Kinh nghiệm xây dựng NTM ở một số nước trên thế giới, Tạp chí Cộng sản;

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2005), Chương trình phát triển nông thôn làng xã mới giai đoạn 2006 - 2010, Hà Nội;

3. Phi Long (2011), Nhiều xã điểm hoàn thành xây dựng mô hình nông thôn mới;

4. Trần Quang Minh (2010), Nông nghiệp Hàn Quốc trên đường phát triển, NXB Từ điển Bách khoa;

5. Hoàng Bá Thịnh (2016), Xây dựng NTM ở Hàn Quốc và Việt Nam,
Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 7(104), tr 3- 11.