Phát triển kinh tế trang trại cao su, điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước
Nhằm hoạch định chiến lược phát triển kinh tế trang trại cao su, điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước, bài viết tập trung phân tích ma trận SWOT và ma trận hoạch định chiến lược có định lượng QSPM, qua đó đề xuất giải pháp nhằm phát triển kinh tế trang trại cao su, điều ở tỉnh Bình Phước trong thời gian tới.
Đặt vấn đề
Mặc dù mô hình trang trại Cao su - Điều trong những năm qua đã đạt được thành tựu nhất định, tuy nhiên, đến thời điểm này so với tiềm năng và kỳ vọng, mô hình vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh Bình Phước. Với xu hướng hội nhập như hiện nay, có rất nhiều cơ hội lớn, cũng như thách thức mới mà các trang trại phải đối diện. Vì vậy, lựa chọn những chiến lược đúng đắn sẽ cho phép đề xuất những giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Phước giai đoạn hiện nay.
Phương pháp nghiên cứu
Các bước xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước được thực hiện theo Hình 1.
Số liệu thứ cấp được thu thập thông qua các báo cáo của Chi cục Thống kê, Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước.
Số liệu sơ cấp được thu thập từ việc khảo sát 26 trang trại cao su, điều và ý kiến của 30 chuyên gia. Các chuyên gia tiến hành chấm điểm tầm quan trọng cho từng yếu tố dao động từ 1 đến 4 (Các yếu tố bên trong: 1 = rất yếu, 2 = yếu, 3 = mạnh, 4 = rất mạnh; Các yếu tố bên ngoài: 1 = phản ứng của trang trại rất yếu kém, 2 = phản ứng của trang trại ở mức trung bình, 3 = phản ứng của trang trại trên mức trung bình, 4 = phản ứng của trang trại rất tốt). Sau đó, lấy trung bình cộng số điểm tầm quan trọng của mỗi yếu tố và làm tròn số. Trọng số được tính bằng cách lấy tỷ phần tầm quan trọng cho mỗi yếu tố. Tổng trọng số của tất cả các yếu tố bằng 1. Điểm hấp dẫn, đó là giá trị bằng số biểu thị tính hấp dẫn tương đối của mỗi chiến lược trong nhóm các chiến lược có thể thay thế nào đó. Số điểm hấp dẫn được phân từ 1 = không hấp dẫn, 2 = ít hấp dẫn, 3 = khá hấp dẫn, 4 = rất hấp dẫn.
Kết quả phân tích
Ma trận SWOT
Ma trận SWOT được sử dụng để phân tích khả năng phát triển kinh tế trang trại cao su, điều.
Hình thành chiến lược từ ma trận SWOT:
Nhóm chiến lược SO: Sử dụng các điểm mạnh bên trong trang trại và tận dụng lợi thế của các cơ hội bên ngoài hình thành nên chiến lược: Phát triển nguồn nhân lực và phát triển thị trường.
Nhóm chiến lược ST: Sử dụng các điểm mạnh bên trong trang trại để ngăn chặn cũng như giảm thiểu tác động của những thách thức bên ngoài hình thành nên chiến lược: Đầu tư theo chiều sâu và xây dựng hệ thống thông tin kỹ thuật.
Nhóm chiến lược WO: Tận dụng lợi thế của các cơ hội bên ngoài nhằm cải thiện những điểm yếu bên trong trang trại hình thành nên nhóm chiến lược: Đào tạo nguồn nhân lực và liên minh hợp tác giữa các trang trại.
Nhóm chiến lược WT: Giảm các điểm yếu bên trong trang trại và tránh các nguy cơ bên ngoài hình thành nhóm chiến lược: Quy hoạch vùng sản xuất tập trung và liên kết “4 nhà” (Nhà nước, DN, nhà khoa học và nhà nông).
Ma trận QSPM
Trên cơ sở các chiến lược được hình thành từ ma trận SWOT theo từng nhóm SO, ST, WO, WT, kết hợp thảo luận với các chuyên gia để cho điểm hấp dẫn (AS), tổng điểm hấp dẫn (TAS) được xác định là kết quả của nhân trọng số với điểm hấp dẫn (AS) ở từng hàng, tổng điểm hấp dẫn chỉ ra tương quan hấp dẫn của từng phương án chiến lược. Tổng điểm hấp dẫn càng cao, thì phương án chiến lược đó càng hấp dẫn.
Những chiến lược được lựa chọn
Như vậy, dựa vào tổng số điểm hấp dẫn của các chiến lược, theo định hướng phát triển và mục tiêu dài hạn, các trang trại cao su, điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước cần ưu tiên lựa chọn những chiến lược cho giai đoạn phát triển như sau: (1) Chiến lược phát triển thị trường; (2) Chiến lược xây dựng hệ thống thông tin kỹ thuật; (3) Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực; (4) Chiến lược liên kết “4 nhà”.
Một số giải pháp thực hiện chiến lược
Về thực hiện chiến lược phát triển thị trường
Quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu đặc biệt là thương hiệu hạt điều ở tỉnh Bình Phước, tránh tình trạng các doanh nghiệp pha trộn hạt điều kém chất lượng làm ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu của Tỉnh.
- Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, đảm bảo chất lượng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, lựa chọn giống cho năng suất cao, chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường. Liên tục cập nhật thông tin thị trường và chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
- Không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, vừa có thể kiểm soát các quan hệ kinh tế theo hướng bảo đảm lợi ích hợp lý cho cả phía trang trại lẫn doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư công nghệ bảo quản và chế biến nông sản hiện đại.
Về thực hiện Chiến lược xây dựng hệ thống thông tin, kỹ thuật
Nhà nước cần tài trợ nghiên cứu giống mới. Các giống đã nghiên cứu thành công và đã trải nghiệm trên thực tế phải được chuyển giao đến người dân thông qua hệ thống khuyến nông và khuyến khích nông hộ sử dụng giống mới rộng rãi.
Trung tâm ứng dụng khoa học, công nghệ nông nghiệp của Tỉnh cần nghiên cứu lượng phân bón và thuốc tối ưu cho từng loại giống cây trồng, tương ứng với từng loại đất. In tài liệu hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu cụ thể, rõ ràng chi tiết cho từng giai đoạn sinh trưởng, loại cây trồng, từng loại giống chủ lực trên địa bàn Tỉnh, kinh phí in ấn do Nhà nước hỗ trợ. Cụ thể hóa việc hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật theo phương pháp "cầm tay chỉ việc", hiện trường với hoàn cảnh và cây trồng cụ thể. Việc đào tạo cần tiến hành theo nhóm nhỏ cùng trồng một loại cây để có thể tiến hành theo chuyên đề cụ thể.
Về thực hiện Chiến lược đào tạo nguồn nhân lực
Cần mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại và những người có nguyện vọng muốn phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng trang trại. Nội dung đào tạo, bao gồm: Các kiến thức về quản trị kinh doanh trang trại hình thức đào tạo phải hết sức phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện của các đối tượng. Đồng thời, đào tạo bồi dưỡng tay nghề cho lực lượng lao động để họ có khả năng làm việc trong các trang trại.
Về thực hiện Chiến lược liên kết “4 nhà”
Đối với trang trại, diện tích canh tác lớn nên có lượng đầu vào và đầu ra khá lớn. Việc liên kết "4 nhà" sẽ giúp cho các trang trại chủ động được đầu vào, đầu ra; đồng thời, dễ dàng tiếp cận được với giống mới, khoa học, kỹ thuật mới hiệu quả, năng suất cao hơn.
Doanh nghiệp là động cơ của mối liên kết. Do đó, DN giữ vai trò quan trọng liên kết "3 nhà" còn lại để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; hỗ trợ đầu vào và thu mua sản phẩm cho trang trại; từng bước tiến tới xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản.
Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong việc tạo “đầu vào” có chất lượng cao, giảm giá thành nhờ công nghệ…
Nhà nước giữ vai trò nhạc trưởng để tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp, đảm bảo cho sự liên kết “3 nhà” còn lại chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước cần có cơ chế, cũng như chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp và người sản xuất.
Tài liệu tham khảo:
1. Lã Thúy Hường (2012), Phát triển kinh tế trang trại ở TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, (35), 99-107;
2. Lê Bảo Toàn, Bùi Văn Thịnh (2016), Vận dụng ma trận SWOT và QSPM để xây dựng và lựa chọn chiến lược kinh doanh: Trường hợp chiến lược kinh doanh đến năm 2020 cho Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ (46), 40–50;
3. Lê Thị Xoan (2016), Xây dựng chiến lược kinh doanh cho công ty cổ phần nước khoáng Khánh Hòa, Tạp chí phát triển Khoa học và Công nghệ (19), 135-145;
4. David, F.R. (2015), Chương 6: Phân tích và lựa chọn chiến lược. Quản trị hiến lược: Khái luận và các tình huống, NXB Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.