Hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế trang trại bền vững ở tỉnh Thanh Hóa


Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (1988) “về đổi mới quản lý trong nông nghiệp”, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách đổi mới trong nông nghiệp nói chung và chính sách cụ thể có liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế trang trại nói riêng nhằm định hướng, tạo thuận lợi để chuyển nông nghiệp sản xuất nhỏ sang phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, trong quá trình thực thi chính sách cũng bộc lộ những hạn chế. Bài viết đề xuất một số giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế trang trại bền vững ở tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Chính sách phát triển kinh tế trang trại tại Thanh Hóa

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII (2010) về “Chuyển mạnh kinh tế nông nghiệp sang phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển bền vững”, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp. Các chính sách này được hoạch định và thực thi trên địa bàn Tỉnh khá toàn diện, bao gồm quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, chính sách đất đai, chính sách tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thị trường…

Các chính sách này đã góp phần định hướng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế trang trại bền vững, thống nhất quan điểm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Tỉnh và đưa ra các giải pháp hữu hiệu thực hiện mục tiêu chính sách. Nhờ những chính sách đó, Thanh Hóa bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định về phát triển lực lượng sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh và năng lực cạnh tranh sản phẩm trên thị trường; giải quyết nhiều vấn đề xã hội và bảo vệ, tái tạo môi trường sinh thái có lợi cho phát triển.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chính sách phát triển kinh tế trang trại của Tỉnh tồn tại một số hạn chế sau:

Một là, mặc dù các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trong Tỉnh được ban hành khá nhiều, song còn thiếu đồng bộ và có yếu tố mâu thuẫn như: chính sách thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội và chính sách bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm; chính sách nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và bố trí nguồn lực thực thi chính sách…

Hai là, các chính sách được hoạch định khá toàn diện nhưng tính khả thi của chính sách này không cao; việc ban hành chính sách phần nhiều xuất phát từ nhu cầu của phát triển bền vững kinh tế trang trại, nhưng ít chú ý đến nguồn lực để thực thi chính sách nên trong quá trình thực thi chính sách gặp nhiều khó khăn. Trong việc thực thi chính sách đất đai, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chứng nhận trang trại diễn ra chậm, số lượng các trang trại được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ đạt gần 60% tổng số trang trại. Ở nhiều trang trại, diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số diện tích đất của các trang trại.

Các chính sách đổi mới trong nông nghiệp nói chung và chính sách cụ thể có liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế trang trại nói riêng trên địa bàn Thanh Hóa khá toàn diện, gồm quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, chính sách đất đai, chính sách tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thị trường…, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn Tỉnh.

Ba là, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế trang trại tuy có hiệu lực cao, nhưng cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Mặc dù, tỷ lệ chủ trang trại được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về phát triển kinh tế trang trại cao nhưng tỷ lệ được đào tạo có bằng cấp thấp, nhất là bằng đại học, thể hiện chất lượng nguồn lực chủ chốt của trang trại còn có vấn đề. Hầu như lực lượng lao động trong các trang trại là lao động phổ thông, chưa được đào tạo, bồi dưỡng.

Bốn là, chính sách bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm có tính hiệu lực thấp, nhiều trang trại hoạt động trên địa bàn Tỉnh ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm không kiểm soát được. Trong số các loại hình trang trại ở tỉnh Thanh Hóa, trang trại gây ô nhiễm nhiều nhất là trang trại chăn nuôi.

Năm là, chính sách thị trường tiêu thụ sản phẩm của kinh tế trang trại trên địa bàn Tỉnh vẫn còn không ít vấn đề nảy sinh. Phần lớn số trang trại gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của trang trại trên địa bàn Tỉnh được tiêu thụ chủ yếu trong Tỉnh, tỷ lệ tiêu thụ bên ngoài Tỉnh thấp.

Sáu là, mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ ở các các trang trại còn thấp. Các chủ trang trại chủ yếu tự học và áp dụng công nghệ vào sản xuất bằng kinh nghiệm truyền thống. Vai trò của cơ quan khuyến nông, của hiệp hội phát triển kinh tế trang trại của Tỉnh ... chưa thể hiện rõ. Các nguồn thông tin kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chủ yếu do các chủ trang trại tự học và một phần từ cơ quan khuyến nông. Kỹ thuật tưới tiêu, kỹ thuật bảo vệ môi trường, kỹ thuật trồng trọt chủ yếu là tự học hoặc truyền lại cho nhau.

Một số giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế trang trại

Hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế trang trại bền vững ở tỉnh Thanh Hóa là một quá trình, trong đó tất cả các chính sách có quan hệ tác động lẫn nhau. Căn cứ điều kiện của địa phương, trước hết cần tập trung hoàn thiện các nhóm chính sách sau:

Chính sách đất đai

Để tiếp tục khuyến khích những người nông dân làm ăn giỏi khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và thực sự có đủ điều kiện về đất đai, hình thành nên các trang trại có quy mô diện tích đủ lớn, cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các hộ nông dân làm ăn giỏi, các chủ trang trại phát triển sản xuất hàng hóa lớn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các loại đất hoang hóa chưa sử dụng… theo định hướng quy hoạch chung của Tỉnh và từng địa phương.

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện quyết liệt chủ trương "dồn điền đổi thửa”; Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất chưa được cấp. Trên cở sở quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, các huyện, thị xã công bố công khai quỹ đất phát triển trang trại.

Chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng cho kinh tế trang trại

Đổi mới chính sách đầu tư và chính sách tín dụng phục vụ kinh tế trang trại đang đặt ra rất cấp thiết ở tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian tới, cần tăng mức đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách của Tỉnh và các huyện, thị xã cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và kinh tế trang trại nói riêng. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trên từng địa bàn để xây dựng hệ thống hạ tầng dẫn đến trang trại như hệ thống đường, điện, thủy lợi...

Bên cạnh đó, tăng dần vốn vay trung hạn và dài hạn cho các trang trại, thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất, có thời hạn trả nợ riêng đối với tín dụng cho các chương trình ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thời hạn vay trả vốn phải phù hợp với chu kỳ sản xuất của cây trồng, vật nuôi và thời gian khấu hao cơ bản trong nông nghiệp. Cần tạo điều kiện để các trang trại tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về việc vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh của trang trại và Thông tư số 14/2010-NHNN ngày 14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP…

Chính sách nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất trong các trang trại

Để kinh tế trang trại phát triển bền vững, trong những năm tới, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục tăng cường công tác kỹ thuật phục vụ sản xuất của các trang trại như khuyến nông, bảo vệ thực vật, ưu tiên đầu tư các cơ sở ươm, tuyển chọn, khảo nghiệm, nhân giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất chất lượng cao phù hợp với từng vùng, miền. Cần hỗ trợ kinh phí cho các trang trại tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ, trước hết hỗ trợ kinh phí ở những vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, các trang trại sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có khả năng xuất khẩu. Đối với trang trại nuôi trồng thủy sản, ứng dụng quy trình kỹ thuật công nghệ nuôi thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi thâm canh một số loại thủy sản, đặc sản phù hợp với điều kiện của Tỉnh. Đối với các trang trại lâm nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ để hỗ trợ quản lý, bảo vệ và phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trồng rừng, nhất là khai thác rừng trồng; hướng dẫn, khuyến khích mở rộng diện tích rừng sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững…

Chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế trang trại

Để phát triển kinh tế trang trại theo hướng chất lượng cao, cần đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và chuyên môn kỹ thuật cho các chủ trang trại và lao động trong trang trại. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân, Hiệp hội kinh tế trang trại Tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chủ trang trại, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại. Hình thức đào tạo phải thiết thực, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực quản lý trang trại và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo từng loại hình và định hướng kinh doanh của trang trại. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng từ nguồn ngân sách địa phương và đóng góp của các chủ trang trại.

Chính sách bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm của kinh tế trang trại

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các cơ quan có liên quan ở Tỉnh, tiến hành điều tra toàn diện và đánh giá hiện trạng môi trường trong nông nghiệp nói chung, các trang trại nói riêng. Trước mắt, tập trung điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường ở những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như các trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các cơ sở chế biến nông sản; trên cơ sở đó đề xuất giải pháp thích hợp để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí định lượng cụ thể về đánh giá môi trường trong sản xuất kinh doanh của từng loại hình trang trại. Gắn tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường với các chính sách hỗ trợ kinh tế trang trại, coi tiêu chí về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những điều kiện để thực hiện chính sách hỗ trợ cụ thể đối với từng trang trại.

Chính sách thị trường

Tăng cường liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các chủ trang trại. Chính quyền Tỉnh và các huyện, thị xã, một mặt, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; mặt khác, tạo điều kiện và giúp chủ trang trại liên kết với nhau và ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm ổn định, lâu dài cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp chuyên tiêu thụ sản phẩm, giúp các chủ trang trại tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.

Hàng năm, Tỉnh bố trí ngân sách và giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội kinh tế trang trại, Hiệp hội các ngành hàng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp; hỗ trợ cho các chủ trang trại tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm kinh tế - kỹ thuật nông nghiệp trong và ngoài nước, giúp các chủ trang trại quảng bá sản phẩm, thương hiệu, giới thiệu nông sản hàng hóa chất lượng cao do các trang trại sản xuất. Các chủ trang trại chủ động tham gia các hội chợ chuyên ngành được tổ chức trong nước cũng như ở nước ngoài để tìm kiếm thị trường mới, nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng đối với các loại sản phẩm chủ yếu và có thế mạnh. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng nông sản thế mạnh của trang trại.     

Tài liệu tham khảo:                  

  1. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010), Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII;
  2. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa (2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 1017),
    Một số chỉ tiêu chủ yếu về trang trại;
  3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa (2017), Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 27/NQTW về tái cơ cấu nông nghiệp;
  4. UBND tỉnh Thanh Hóa (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.