Phát triển kinh tế tư nhân: Cần nỗ lực của doanh nghiệp và Chính phủ

Theo Tuệ Anh/daibieunhandan.vn

Quyết tâm của Đảng và Chính phủ là phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, TS. PHAN ĐỨC HIẾU, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng “việc làm này cần sự nhận thức đầy đủ và nỗ lực của cả hai phía: Doanh nghiệp và Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của riêng ai”.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Dấu hiệu tích cực
Năm 2017, cả nước có gần 127 nghìn doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1,295 triệu tỷ đồng, tăng 15,2% về số DN và 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Theo ông vì sao DN tư nhân có sự phát triển mạnh mẽ như vậy?

Tăng số lượng DN mới gia nhập thị trường là dấu hiệu tích cực. Xét về lâu dài và trong hoàn cảnh nước ta, muốn có khu vực tư nhân phát triển thì trước hết phải đạt được tăng trưởng về số lượng. Có nhiều lý do, nhưng tôi cho rằng có một phần tác động của cải cách môi trường kinh doanh gần đây của Chính phủ.

Ở góc độ chuyên gia, theo ông những chính sách của Chính phủ đã đủ để thúc đẩy DN tư nhân phát triển chưa? Việc triển khai những chính sách đó đã tốt chưa?

Những cải cách trong năm vừa qua của Chính phủ là mạnh mẽ và khá rộng. Cải cách tập trung mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực, nhưng chủ yếu ở giai đoạn gia nhập thị trường. Tác động đạt được là cắt giảm chi phí và thời gian tuân thủ quy định pháp luật. Cách thức triển khai đã ghi nhận sự tích cực, chủ động của nhiều bộ, ngành - đây là điều chưa từng có trong hơn 10 năm qua. Những cải cách này tại thời điểm hiện nay là cần thiết và đúng. Tuy vậy, theo tôi, về lâu dài cần mở rộng phạm vi và mục tiêu cải cách. Về mục tiêu cải cách, cần mở rộng đến việc cắt giảm rủi ro pháp lý và loại bỏ những quy định cản trở sáng tạo và hiệu quả. Về phạm vi, cần mở rộng đến các nội dung về chính sách cạnh tranh, quyền tài sản, tư pháp và rút khỏi thị trường.

Quyết tâm của Chính phủ là đưa kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo ông, sự phát triển DN tư nhân như hiện nay đã theo đúng tinh thần này chưa?

Chúng ta phải nhìn nhận một cách toàn diện rằng quyết tâm của Đảng và Chính phủ là phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc làm này cần có nhận thức đầy đủ và nỗ lực của cả hai phía: DN và Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của riêng ai. Vai trò của Chính phủ là tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi; DN phải chủ động, nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cao lực cạnh tranh để tận dụng cơ hội và phát triển mạnh mẽ hơn. Dư địa để cho khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều, không chỉ môi trường trong nước mà cả khu vực, quốc tế.

Chủ động nâng cao kiến thức kinh doanh

Thực tế cho thấy DN tư nhân vẫn gặp nhiều “rào cản”. Theo ông phải khắc phục những tình trạng đó như thế nào để kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN tư nhân phát triển?
Đây là vấn đề không mới và Chính phủ đã nhận thức được đầy đủ. Qua theo dõi gần đây, tình trạng nói trên cũng đã có cải thiện, nhưng chưa được như kỳ vọng. Trong thời gian sắp tới, cần cải thiện việc tổ chức thực hiện các quy định pháp luật, nhấn mạnh đến tính công bằng và nghiêm. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa vẫn là chất lượng quy định pháp luật. Nếu pháp luật hợp lý, chính xác, dễ hiểu, rõ ràng thì những rào cản trong thực thi cũng sẽ tự khắc bị mất đi.
Ngoài ra, việc công khai hóa hoạt động của cơ quan nhà nước trong thực thi pháp luật cũng là cần thiết. Ví dụ, công khai bản án, công khai quá trình giải quyết hành chính. Ngoài ra, đã đến lúc DN cũng cần nâng cao nhận thức pháp luật, tính toán và coi dịch vụ tư vấn pháp luật thành chi phí trong hoạt động kinh doanh. Thậm chí DN cần mạnh mẽ, thay đổi tư duy coi pháp luật là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chứ không phải là sợ pháp luật, sợ cơ quan nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, nền tảng phát triển của kinh tế Việt Nam là hơn 600 nghìn DN tư nhân đang hoạt động và dự kiến đến năm 2020 là 1 triệu DN. Tuy nhiên, muốn khu vực này lớn mạnh, cần đo lường “sức khỏe” thực chất của họ để có những chương trình hỗ trợ phù hợp. Ông nhận định thế nào về ý kiến này ?

Việc theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của DN một cách kịp thời và đầy đủ, để có biện pháp hỗ trợ, động viên là hết sức cần thiết. Đây chính là một nội dung mới của tư duy quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước không phải là nhằm thanh tra, xử phạt hay “siết chặt”, “tăng cường” quản lý mà trước hết là phải nắm bắt được chính xác tình hình hoạt động thực tế của DN, để hỗ trợ họ tuân thủ pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý.

Quản lý nhà nước phải được thực hiện bằng cách giảm tối đa tác động đến hoạt động kinh doanh bình thường của DN. Các chương trình hỗ trợ DN phải được thiết kế lấy thị trường để phân bổ nguồn lực, tránh việc hỗ trợ làm méo mó hoặc hạn chế cạnh tranh. DN đặc biệt cần lưu ý rằng môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện thì áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, áp lực thị trường ngày càng lớn; do đó, việc chủ động, tích cực nâng cao kiến thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, quản trị DN và sáng tạo là đặc biệt cần thiết ngay từ lúc này.

Xin cảm ơn ông!