Phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Văn Tùng

Mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) được thúc đẩy bởi tiến bộ công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ đã tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Việc ứng dụng thành tựu CMCN 4.0 là cơ hội lớn để KTTH phát triển. Cụ thể:

Một là, tạo ra nhận thức thống nhất giữa các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp (DN). Việc tích hợp CMCN 4.0 với nền KTTH có thể mang lại cơ hội đi tắt đón đầu, tạo cơ hội cho các nước chưa phát triển (trong đó có Việt Nam) bỏ qua giai đoạn phát triển công nghiệp và bảo tồn tài nguyên.

Việc hình thành kinh tế tuần hoàn và áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong mô hình đó mới manh nha và chỉ là những hành động riêng lẻ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… điều này không đủ tạo ra sự chuyển đổi cần thiết ở quy mô lớn để chuyển nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn.

Hai là, CMCN 4.0 đề cập đến một tập hợp các quy trình tự động hóa, đa dạng hóa từ internet vạn vật (IoT), in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), điện toán đám mây, giao tiếp giữa máy và máy, giao tiếp giữa máy và người…

Dưới tác động của CMCN 4.0, các sản phẩm, dịch vụ hệ thống sản xuất đều được thiết kế lại; nguyên, vật liệu đầu vào của sản xuất được xử lý hiệu quả hơn và chất thải được thu hồi, phân loại và tái chế phù hợp để làm đầu vào cho một quá trình sản xuất khác.

Các lợi ích chính kết hợp của CMCN 4.0 và KTTH là sự quản lý, sử dụng tài nguyên và xử lý chất thải. Đây là điểm khởi đầu và kết thúc của mô hình KTTH. Các DN khai thác, chế biến và sản xuất nguyên liệu thô có thể sử dụng thành tựu CMCN 4.0 để đạt hiệu quả cao hơn, trong khi các công nghệ tương tự được sử dụng để phân loại, tái chế… biến chất thải thành nguyên liệu thô mới.

Ba là, CMCN 4.0 với đặc trưng phân tích dữ liệu là vấn đề cốt lõi để tăng tốc quá trình chuyển sang nền KTTH. Quá trình này được thể hiện ở các khía cạnh sau:

(i) KTTH tạo ra các nhu cầu công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, sử dụng và tái chế. Các nhu cầu chính là công nghệ: thu gom, phân loại và tái chế tiên tiến; xử lý vật liệu hiệu quả; thiết kế; sản xuất; và các nền tảng tương tác để tăng cường kết nối. Những nhu cầu này được bao phủ bởi công nghệ robot, phân tích Big data và AI, cảm biến và kết nối, học máy và giao diện người - máy. Tất cả những công nghệ này được chỉ định là sản phẩm của CMCN 4.0.

(ii) CMCN 4.0 được thiết kế dựa trên mô hình kinh doanh và tiếp cận khách hàng kỹ thuật số; số hóa sản phẩm và dịch vụ; số hóa và tích hợp chuỗi giá trị dọc và ngang. Các yếu tố này có tính tương đồng với KTTH, khi đều dựa trên việc cung cấp sản phẩm và quy trình mới, tích hợp các chuỗi giá trị và thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Từ góc độ này, CMCN 4.0 và nền KTTH có chung những động lực thay đổi. KTTH là động lực để hình thành nền sản xuất bền vững trong khi CMCN 4.0 cung cấp động lực cho sự đổi mới và hình thành KTTH.

(iii) Phân tích dữ liệu, AI, IoT… cho phép lập bản đồ vật liệu và khởi tạo các dịch vụ quản lý vật liệu mới. Trong phân loại chất thải và xử lý vật liệu, sự ra đời của các kỹ thuật mô tả đặc tính tiên tiến và robot có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong thực tiễn. Kết quả khảo sát của Hiệp hội Chất thải rắn Quốc tế (năm 2017) về tương lai của ngành công nghiệp chất thải và CMCN 4.0 cho thấy, công nghệ cảm biến và vật liệu phân hủy sinh học sẽ có tác động lớn đến sản phẩm.

(iv) KTTH ra đời làm thay đổi quan điểm về quyền sở hữu và quản lý vật chất cả ở cấp độ người tiêu dùng và DN, tạo ra nhu cầu cho các mô hình kinh doanh mới. Chẳng hạn như: Các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng chia sẻ, tương tác ngang hàng và cộng sinh công nghiệp. Nhiều nội dung trong số này dựa trên sự sẵn có của CMCN 4.0 bao gồm: Thông tin truyền thông, ứng dụng internet, website, thương mại điện tử, nền tảng khách hàng và các cơ sở dữ liệu.

(v) Thiết kế lại sản phẩm, dịch vụ và hệ thống sản xuất được thúc đẩy trong bối cảnh CMCN 4.0 theo hướng tạo ra các giá trị mới dựa trên việc tối đa hóa tiện ích của khách hàng thông qua việc kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Đây là yếu tố cốt lõi của KTTH nhằm tạo ra giá trị kinh tế và tiết kiệm nguyên liệu.

Bốn là, dưới tác động của CMCN 4.0, chuỗi giá trị sản xuất được xem xét lại về chức năng tuần hoàn và khách hàng được cung cấp dịch vụ chứ không đơn thuần là các sản phẩm. Đa dạng hóa và hiện đại hóa công nghệ là cơ sở cho khả năng phát triển, chuyển từ việc tối đa hóa nguồn cung nguyên liệu sang việc cung cấp đúng nguyên liệu cho đúng sản phẩm vào đúng địa điểm. Kết hợp ý tưởng hiện đại hóa công nghệ này với các nguyên tắc của nền KTTH dẫn đến một cách tiếp cận khác trong chuỗi giá giá trị cung ứng và quản lý nguyên vật liệu ở cả cấp độ DN và quốc gia.

Thách thức đối với phát triển kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Bên cạnh những cơ hội, bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay cũng đặt ra nhiều thách thức cho phát triển KTTH tại Việt Nam. Cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam còn thiếu khung khổ pháp lý thống nhất về phát triển KTTH, CMCN 4.0 và gắn kết chúng lại với nhau. Việc hình thành KTTH và áp dụng CMCN 4.0 trong mô hình đó mới manh nha và chỉ là những hành động riêng lẻ của các DN, tổ chức, cá nhân… điều này không đủ tạo ra sự chuyển đổi cần thiết ở quy mô lớn để chuyển nền kinh tế tuyến tính sang nền KTTH.

Thứ hai, chuyển đổi sang nền kinh tuần hoàn đòi hỏi phải tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ (KHCN) trên mọi lĩnh vực. Trong khi đó, Việt Nam nói chung và các DN nói riêng có trình độ công nghệ thấp, không đồng bộ, chậm đổi mới.

Phần lớn quy mô của các DN là vừa và nhỏ sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang, do đó, hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng (Đỗ Thị Dung, 2018).

Thứ ba, phát triển KTTH trong bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi phải hình thành nền kinh tế tri thức và năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) cao. Tuy nhiên, hoạt động R&D trong các DN ở Việt Nam còn ít, sự gắn kết giữa các tổ chức R&D với các trường đại học và các DN lỏng lẻo.

Tỷ lệ DN có R&D trong ngành sản xuất thiết bị điện là 17%; ngành sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất là 15%; ngành sản xuất chế biến thực phẩm 9%; ngành sản xuất sản phẩm từ cao su và nhựa 7%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan 6,0% và ngành Dệt là 5%.

Tỷ lệ nhân sự có hoạt động R&D tương ứng với các ngành trên lại càng nhỏ bé hơn, lần lượt là: 0,4%; 1,4%; 0,4%; 0,5%; 0,03%; 0,07%. Chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo là 2,72, thấp hơn rất nhiều so với Singapore (8,44), Malaysia (6,07) và Thái Lan (5,52) (Nguyễn Thị Thơm, 2020).

Thứ tư, đầu tư ứng dụng CMCN 4.0 và KHCN cho KTTH nói riêng còn thấp, cơ cấu chưa phù hợp. Tỷ lệ đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước (NSNN) bình quân giai đoạn 2000-2010 đạt 1,85%/năm, giai đoạn 2011-2018, tỷ lệ này chỉ đạt 1,4%/năm. Tổng chi cho KHCN từ năm 2010 đến nay chỉ đạt khoảng 0,44% GDP, thấp hơn nhiều so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%).

Cơ cấu vốn đầu tư cho KHCN còn bất cập. Tại các nước Đông Á, nguồn vốn từ NSNN cho hoạt động này chỉ chiếm 20-30%, của khu vực tư nhân là 70-80%; ở các nước OECD, cơ cấu này là gần 20% và trên 80%. Trong khi đó, tại Việt Nam cơ cấu vốn NSNN chi cho KHCN trong giai đoạn 2011-2015 là 60%/40% và giai đoạn 2016-2019 là 52%/48% (Nguyễn Thị Thơm, 2020).

Thứ năm, chất lượng lao động tại Việt Nam còn thấp, bao gồm cả các ngành có đặc thù KTTH. Lao động qua đào tạo có chứng chỉ toàn nền kinh tế chỉ đạt 24,5% năm 2020. Hầu hết lao động trong ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản là lao động thủ công, lao động qua đào tạo có chứng chỉ mới đạt 4%; ngành xây dựng đạt 14,10%; ngành chế biến chế tạo đạt 17,7%; ngành cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải mới đạt 37,5% (CIEM-Aus4Refm, 2020).

Nguồn nhân lực KHCN còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa phù hợp. Tỷ lệ cán bộ trong lĩnh vực R&D tính trên đầu người tương đối thấp, từ năm 2013 tới nay hầu như không tăng, đạt khoảng 7,02% (chỉ bằng 20% EU, 7,6% Hàn Quốc, 29,8% Malaysia, 58% Thái Lan).

Những cơ hội, thách thức trên đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam là cần sớm xây dựng đồng bộ các giải pháp, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế pháp lý và tổ chức thực hiện. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các giải pháp gắn kết KTTH và CMCN 4.0, tận dụng những thành tựu CMCN 4.0, thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tăng cường tiếp cận và tiếp nhận chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững.