Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh chuyển đổi số

TS. Nguyễn Thị Hồng Yến - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, phát triển kinh tế - xã hội Thái Nguyên cần có những đổi mới nhất định để phù hợp với yêu cầu mới. Bài viết phản ánh thực trạng và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên

Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Trong những năm qua, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới có nhiều biến động gây ảnh hưởng chung đến phát triển kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên Thái Nguyên vẫn đạt được mức tăng trưởng cao.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 150.195 tỷ đồng (tương ứng với 6,3 tỷ USD) đứng thứ 2 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và đứng thứ 6 vùng thủ đô sau Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. GRDP bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng (tương ứng với 4.161 USD), đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc và nằm trong top 12 tỉnh thành có GRDP đầu người cao nhất cả nước (Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, 2022).

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 của Thái Nguyên ước đạt 8,59%, vượt kế hoạch (kế hoạch là tăng 8%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,23%, đóng góp 0,41 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,75%, đóng góp 6,15 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,35%, đóng góp 2,03 điểm phần trăm. Kết quả này cho thấy, các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ nói chung và của Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả, hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh đã lấy lại đà tăng trưởng.

Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp... nhưng với sự nỗ lực của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp của Thái Nguyên vẫn đạt được mức tăng trưởng cao, vượt kế hoạch đã đề ra, tiếp tục đóng vai trò “trụ cột”, là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Tỉnh.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của Tỉnh năm 2018 tăng 112,13%, năm 2019 là 111,14%. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 nên chỉ số trên đã giảm mạnh xuống còn 104,45%. Tuy nhiên, với sự nỗ lực khắc phục khó khăn và vươn lên, chỉ số này đã nhanh chóng lấy lại đà tăng, đạt 107,71% vào năm 2021 và đạt 110,83% vào năm 2022.

Không chỉ phát triển mạnh về công nghiệp, các ngành kinh tế khác của tỉnh Thái Nguyên cũng đạt được các kết quả ấn tượng về sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản và hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch… Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018 – 2022 có xu hướng tăng từ 116,1 tỷ đồng năm 2018 lên 126,5% vào năm 2022 (Hình 2).

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt trên 31 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ và đạt 96,6% kế hoạch. Xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30,3 tỷ USD (chiếm 97,7% kim ngạch xuất khẩu), tăng 6,4%; khu vực kinh tế trong nước đạt 719,1 triệu USD, tăng 16,1% so cùng kỳ (trong đó, xuất khẩu địa phương ước đạt 695 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ).

Chiếm tỷ trọng lớn nhất (94,5%) trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh năm 2022 là nhóm điện thoại thông minh, máy tính bảng, linh kiện điện tử và phụ tùng khác đạt 29,3 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ, tiếp đến là sản phẩm may đạt 502,2 triệu USD, tăng 9,7%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu 327,3 triệu USD, tăng 26,3%; chè các loại đạt 2,3 triệu USD, tăng 13,2%...

Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội của tỉnh Thái Nguyên năm 2022 (theo giá hiện hành) đạt 59,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021, là mức tăng cao thứ hai trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ sau năm 2020 là 15,9%. Đây là kết quả tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022 đạt 18,54 nghìn tỷ đồng, vượt kế hoạch tỉnh giao 3% và tăng 3,37% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu cân đối đạt 18,46 nghìn tỷ đồng, tăng 2,56% so với kế hoạch và tăng 3,64% so cùng kỳ năm trước.

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số, tạo cơ hội bứt phá để “đi tắt, đón đầu” trong Cách mạng công nghiệp, xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững. Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết số 01/NQ-TU đã mở ra hướng đi mới, tạo sức sống mới và sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, qua đó có tác động tích cực toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trước tiên là thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp về chuyển đổi số.

Theo đó, các cấp ủy đảng đã khẩn trương tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết; 100% cuộc họp đã được triển khai giải pháp phòng họp không giấy; duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 4 đủ điều kiện trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về tỉnh, 09 đơn vị cấp huyện và 178 đơn vị cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh… góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo môi trường hành chính công khai, minh bạch, phục vụ (Lê Quang Tiến, 2022).

Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được Thái Nguyên quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả. Các địa phương, cơ sở tiếp tục duy trì các mô hình hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế bền vững; Tăng cường công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Lồng ghép các hoạt động giảm nghèo trong chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là kinh tế có độ mở lớn nên sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình kinh tế, chính trị thế giới phức tạp, khó lường: lạm phát tăng cao trên toàn cầu; giá cả nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao; giá cả hàng hóa thiết yếu có xu hướng tăng cao, đặc biệt là thời điểm cuối năm; nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm; dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được khống chế nhưng với các biến thể mới có thể còn diễn biến phức tạp trên thế giới... (Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, 2022).

Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh chuyển đổi số

Để tạo đã cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh chuyển đổi số, tỉnh Thái Nguyên cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển công nghiệp. Kịp thời nắm bắt tình hình những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... về hoạt động sản xuất kinh doanh, nguyên liệu sản xuất, lao động... để có giải pháp hỗ trợ cụ thể để doanh nghiệp ổn định sản xuất, xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp.

Thứ hai, phát huy sự chung sức, đồng lòng của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh để tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 29/4/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Thái Nguyên gắn với thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ tư, đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân ở vùng khó khăn. Số hóa tài liệu, giáo trình, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Chuyển đổi số 100% cơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc tỉnh.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số; khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, từng bước thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên (2022), Báo cáo số 969/BC-CTK về Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022;
  2. Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên (2022), Nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế số tỉnh Thái Nguyên;
  3. Lê Quang Tiến (2022), Tỉnh Thái Nguyên đẩy mạnh triển khai công tác chuyển đổi số để phát triển kinh tế - xã hội, Tạp chí Tổ chức Nhà nước.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023