Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: "Nhận diện" cơ hội và thách thức

Lý Tuấn

Thách thức lớn nhất của Khu vực Đông Nam Bộ, phần lớn do ảnh hưởng bởi thể chế. Do đó, pháp luật kinh tế tuần hoàn cần có thể chế cụ thể, đặc biệt giải quyết được bài toán liên ngành, nếu như không kết nối được các bộ, ngành với doanh nghiệp thì việc phát triển kinh tế xanh rất khó để thực hiện.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính trình bày phần tham luận. Ảnh: LT
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính trình bày phần tham luận. Ảnh: LT

Chiều 29/7/2022, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư - Hỗ trợ phục hồi và phát triển”. Diễn đàn có sự tham dự của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và lãnh đạo nhiều sở, ngành các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đông Nam Bộ: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai; lãnh đạo Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing …

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Phạm Thu Phong - Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam nhấn mạnh, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Chính phủ ban hành là chiến lược quốc gia đầu tiên, toàn diện về phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện phát triển bền vững, với nhiều hành động thiết thực và cụ thể. 

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu thế tất yếu, là một hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được thịnh vượng toàn diện cho các quốc gia. Với Việt Nam, việc chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. 

Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”. Ảnh: LT
Toàn cảnh Diễn đàn “Phát triển kinh tế xanh vùng Đông Nam Bộ: Kết nối đầu tư – Hỗ trợ phục hồi và phát triển”. Ảnh: LT

Vùng Đông Nam bộ được đề xuất định hướng trở thành vùng dẫn dắt đổi mới mô hình tăng trưởng của cả nước, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với vai trò, vị trí đầu tàu về kinh tế của cả nước… Cùng với quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hậu COVID-19, ghi nhận hiện nay cho thấy, các hoạt động kinh tế của Việt Nam nói chung, vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh nói riêng đang dần trở nên sôi động. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững.

Đối với các địa phương, đón đầu xu thế hậu COVID-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số nhưng không quên hóa giải nguy cơ từ biến đổi khí hậu. Các tỉnh, thành trong cả nước đang nỗ lực phát triển theo hướng “xanh hóa” vừa tích cực khai phá tốt thế mạnh mỗi địa phương, vừa nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường kết nối chia sẻ nguồn lực, kết nối đầu tư, tập trung huy động mọi nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trình bày tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng có 4 lý do cần phục hồi xanh: Thứ nhất, phục hồi xanh có mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khỏe; Thứ hai, Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái sinh học (tổn thất có thể lên đến 11% GDP vào năm 2100); Thứ ba là hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn nhiều: Cứ 1 triệu USD đầu tư vào năng lượng tái tạo giúp tăng thêm ít nhất 5 việc làm (so với đầu tư năng lượng hóa thạch), và Thứ tư, là tăng năng lực cạnh tranh, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, có 5 lĩnh vực cần ưu tiên gồm: Nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; Phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững (đô thị chiếm 78% tiêu thụ năng lượng và 60 khí thải GHG toàn cầu, theo UB Habitat); Chuyển đổi năng lượng sạch; Áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn (hiện tại, 62% khí thải GHG là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng; nhưng cấu trúc này đang thay đổi); Gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển...).

Đặc biệt, đề cập đến cơ hội và thách thức tài chính xanh tại Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đối với cơ hội: Hành lang pháp lý cho tín dụng và cổ phiếu, trái phiếu xanh dần được hoàn thiện; Định hướng và chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đòi hỏi nguồn vốn quan trọng từ tín dụng, chứng khoán xanh. Bên cạnh đó, cam kết COP26 (Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26) đòi hỏi Việt Nam đầu tư cho nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, nông nghiệp xanh, vận tải các-bon thấp, quản lý nước, ứng phó biến đổi khí hậu…

Đối với thách thức, theo TS. Cấn Văn Lực, tài chính xanh dù đã được triển khai tại Việt Nam được gần 10 năm, nhưng quy mô vẫn còn nhỏ (tín dụng xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ, phát hành trái phiếu xanh còn rất ít…).

Mặt khác, triển khai tín dụng xanh còn nhiều vướng mắc: Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mới có 67 tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai ngân hàng xanh, tín dụng xanh; 9 TCTD có thiết lập các hỗ trợ, ưu đãi cho các khoản tín dụng xanh (thường là về lãi suất); 11 TCTD có quy trình thẩm định riêng đối với các khoản cấp tín dụng xanh.

“Ngoài ra, nguồn tài chính cho tín dụng xanh dựa nhiều vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, không dồi dào và đi kèm những điều kiện khắt khe, hay trái phiếu xanh lại lượng phát hành ít, việc tuân thủ các nguyên tắc phát hành trái phiếu xanh cũng không được tốt, mới đạt 2/4 yêu cầu, cũng như chưa tham gia Sáng kiến thị trường chứng khoán bền vững toàn cầu (SSE)?”, vị chuyên gia này nhìn nhận.

Trong khi đó, đề cập những tồn tại đối với tín dụng cho tăng trưởng xanh, PGS., TS. Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng, tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa được bền vững. Bảng cân đối tài sản của các ngân hàng chủ yếu được hình thành từ luồng vốn ngắn hạn nên thiếu vốn trung và dài hạn đầu tư cho các dự án xanh. Nền kinh tế thiếu các kênh huy động vốn trung và dài hạn để hỗ trợ cho chương trình tín dụng xanh.

“Hiện nay, các dòng tín dụng xanh phần lớn vẫn dựa trên các chương trình và dự án có tài trợ quốc tế. Nguồn tài chính cho tín dụng xanh chủ yếu là từ Quỹ ủy thác tín dụng xanh (GCTF), IFC. Về dài hạn, khó có thể duy trì mức độ tăng trưởng của tín dụng xanh nếu không giải quyết vấn đề vốn huy động cho chương trình tín dụng xanh”, ông Đạt phân tích.

Theo PGS., TS. Phạm Tiến Đạt, một tồn tại nữa là động lực của tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam giai đoạn từ năm 2015 đến nay chủ yếu đến từ định hướng chính sách của NHNN hơn là nhu cầu phát triển của các ngân hàng thương mại (NHTM). Ngoài ra, NHNN đã phối hợp cùng Công ty tài chính quốc tế (IFC) xây dựng được hệ thống Sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành như: nông nghiệp, hóa chất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực phẩm và đồ uống, sản xuất may mặc, da và sản phẩm dệt may, dầu khí, xử lý và tái chế chất thải, khai khoáng... Tuy nhiên, các tài liệu này vẫn chỉ mang tính tham khảo, khuyến khích chứ chưa mang tính bắt buộc phải áp dụng khi đánh giá, thẩm định các dự án.

Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính Marketing nhìn nhận có 5 nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề trên: Thứ nhất, các quy định pháp luật còn dài trải và chưa phù hợp; Thứ hai thiếu đồng bộ về tiêu chí “xanh”; Thứ ba, nguồn vốn để thực hiện chương trình tín dụng xanh còn hạn chế; Thứ tư, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức trong thực hiện quản lý rủi ro về môi trường – xã hội.

“Cuối cùng đặc điểm của tín dụng xanh cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng là thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Tuy nhiên, đây lại là những ngành nghề rất mới ở Việt Nam nên có thể xảy ra rủi ro thị trường cao, đặt ra thách thức với rủi ro thanh khoản của ngân hàng, nguy cơ nợ xấu cao”, ông Đạt phân tích.

Còn theo PGS.,TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), thách thức lớn nhất của Khu vực Đông Nam Bộ, trong đó, đối với doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng theo từng khía cạnh, về vốn hoặc thể chế. Do đó, luật kinh tế tuần hoàn cần có thể chế cụ thể, đặc biệt giải quyết được bài toán liên ngành, nếu như không kết nối được các bộ, ngành với doanh nghiệp thì việc phát triển kinh tế xanh rất khó để thực hiện.

“Chúng ta cần có những nghiên cứu sâu về các lĩnh vực khoa học, tài chính... Biết được vai trò của doanh nghiệp, của Nhà nước từ đó đưa ra sự cân bằng hài hoà. Đặc biệt, để thực hiện kinh tế tuần hoàn cần đẩy mạnh việc thí điểm, tuỳ vào từng khu vực, đối với từng cơ quan, ban ngành”, ông Quân nhấn mạnh.