Phát triển lành mạnh, hiệu quả thị trường tài chính, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế
Ngày 16/6/2022, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Trường Đại học Thương mại đã phối hợp đồng tổ chức hội thảo cấp quốc gia với chủ đề: “Tái định hình thị trường tài chính cho phục hồi và phát triển kinh tế”. Hội thảo đón nhận hơn 50 tham luận và ý kiến trao đổi của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý, cung cấp thêm nhiều luận cứ khoa học, các đề xuất chính sách để tái định hình thị trường tài chính hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) khẳng định, trong thời gian qua, thị trường tài chính (TTTC) đã có bước phát triển nhảy vọt khi trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu, quan trọng của Chính phủ, doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng các tháng trong năm 2022-2021 tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đến cuối năm 2021, TTTC có sự cân đối hơn khi quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP qua đó đã cân bằng với thị trường tín dụng ngân hàng (quy mô dư nợ tín dụng là 131,8% GDP), góp phần giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Theo TS. Nguyễn Như Quỳnh, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023, cùng với những biến động bất ổn trên các phương diện kinh tế - xã hội – địa chính trị toàn cầu, TTTC Việt Nam đối mặt với nhiều áp lực, rủi ro và thách thức như các vấn đề về xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, khả năng chống chịu của thị trường, chất lượng tài sản tài chính, nợ xấu, các hành vi thao túng thị trường, rủi ro của các dịch vụ công nghệ tài chính mới... Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu, định hướng phát triển TTTC Việt Nam trong giai đoạn tới.
“Trước tình hình trên, để phát triển TTTC lành mạnh và bền vững cần sự nghiên cứu và hiến kế của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, Hội thảo đã đón nhận hơn 50 tham luận và ý kiến trao đổi của các nhóm nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách xung quanh các vấn đề về: Xu hướng điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19; Các khuyến nghị trong điều chỉnh chính sách để thích nghi với bối cảnh mới và củng cố vững chắc sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Những chuyển biến của thị trường tài chính nói chung và các cấu phần thị trường nói riêng; các xu hướng tài chính có tác động tới TTTC Việt Nam như sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế, xu hướng đầu tư vào công nghệ tài chính đột phá…
Kết luận hội nghị, TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, những vấn đề Hội thảo đã luận bàn là hết sức cấp thiết và quan trọng, bổ sung thêm nhiều luận cứ khoa học, các ý kiến tham mưu, phản biện chính sách đối với vấn đề tái định hình TTTC hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.
Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo cùng hướng tới đề xuất các giải pháp để tiếp tục phát triển lành mạnh, hiệu quả TTTC như:
Một là, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hai là, tiếp tục thực hiện các giải pháp để ổn định và phát triển TTCK như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo nền tảng cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường; Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trên thị trường; Đối với hệ thống ngân hàng, triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” để thực hiện các giải pháp xử lý các TCTD yếu kém và nợ xấu, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống TCTD. Nâng cao quy mô, chất lượng tài sản của các ngân hàng, định chế tài chính, doanh nghiệp;
Ba là, tăng cường các biện pháp bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, nâng cao kiến thức tài chính cho cộng đồng.
Bốn là, củng cố các động lực tăng trưởng cho thị trường như chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và thế giới.